Hoạt động vận tải đường biển ra vào Israel vẫn bình thường
Lãnh đạo Cảng Ashdod cho biết hoạt động của cảng vẫn không bị gián đoạn và các công ty vận tải quốc tế vẫn ra vào cảng bình thường.
Xung đột giữa Israel và Phong trào Hamas tại Dải Gaza diễn biến phức tạp làm gia tăng nguy cơ an toàn và gián đoạn đối với hoạt động vận tải hàng hóa bằng đường biển ra vào Israel.
Trả lời phóng viên TTXVN tại Israel, lãnh đạo Cảng Ashdod cho biết hoạt động của cảng vẫn không bị gián đoạn và các công ty vận tải quốc tế vẫn ra vào cảng bình thường.
Trước lo ngại về nguy cơ tình hình chiến sự có thể ảnh hưởng tới các tuyến vận tải chở hàng bằng đường biển từ châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng kết nối với Israel, Phó Chủ tịch phụ trách thông tin doanh nghiệp của Cảng Ashdod, ông Yigal Ben-Zikri, khẳng định: “Cảng Ashdod vận hành liên tục và đầy đủ; tiếp nhận mọi con tàu ra vào cảng.”
Ngày 19/11, Chính phủ Israel đã xác nhận thông tin một tàu vận tải thuộc sở hữu của doanh nghiệp Anh quốc và vận hành bởi công ty Nhật Bản, đã bị Lực lượng Houthi bắt giữ khi đang thực hiện hành trình trên Biển Đỏ.
Trên tàu có 25 thuyền viên thuộc các quốc tịch khác nhau, bao gồm Ukraine, Bulgaria, Philippines và Mexico, nhưng không có thuyền viên nào người Israel.
Houthi - phong trào Hồi giáo tại Yemen - đã phát động một loạt vụ tấn công nhằm vào vùng phía Nam của Israel để bày tỏ sự ủng hộ đối với Phong trào Hamas của người Palestine.
Tuần trước, lãnh đạo Houthi tuyên bố sẽ tiếp tục tấn công Israel và có thể sẽ chọn các con tàu chở hàng của Israel trên Biển Đỏ làm mục tiêu.
Ngay sau khi xung đột nổ ra giữa Israel và Phong trào Hamas tại Dải Gaza ngày 7/10, Cơ quan quản lý Vận tải đường biển Israel đã ra thông báo về việc cấm hoạt động tàu thuyền tại nhiều cung đường vận tải trên Địa Trung Hải.
Cảng Ashkelon, nằm cách Dải Gaza khoảng 40km và là một trong 2 điểm trung chuyển quan trọng nhất cho hàng hóa xuất nhập khẩu ra vào Israel, cũng bị ảnh hưởng và phải chuyển sang chế độ hoạt động có kiểm soát. Các hải cảng ở Hadera và Haifa ở phía Bắc nằm xa hơn với vùng chiến sự nên hoạt động cũng ít bị ảnh hưởng hơn.
Chủ tịch Hội đồng Quản trị Cảng Ashdod, ông Shaul Schneider, nói: “Cảng chúng tôi đang cùng cả nước nỗ lực nhằm đảm bảo nguồn cung liên tục cho nhu cầu của nền kinh tế Israel. Những ngày này, cảng duy trì hoạt động trong điều kiện thời chiến, và chúng tôi đang vận hành 24/24 nhằm hỗ trợ các công ty vận tải biển tiếp cận cảng và thực hiện các dịch vụ một cách nhanh chóng và hiệu quả.”
Các công ty vận hành tàu biển cho biết quy trình bốc dỡ hàng hóa trong điều kiện thời chiến sẽ phải tuân theo chỉ thị và hướng dẫn của Bộ Tư lệnh Mặt trận Nội địa, cơ quan quản lý các tình huống khẩn cấp trong nước của Israel, bao gồm cấm xếp dỡ đối với các vật liệu nguy hiểm cũng như các quy định khác ở nơi công cộng và công sở.
Chẳng hạn, thành phố Ashdod nằm cách Dải Gaza khoảng 40 km, trong thời gian xảy ra chiến sự hoạt động tụ tập ngoài trời bị giới hạn không quá 30 người. Các cơ quan doanh nghiệp có thể hoạt động tại chỗ nếu đảm bảo nơi trú tránh rocket theo tiêu chuẩn, tức là các nhân viên có thể tìm nơi ẩn nấp trong vòng 45 giây. Tuy nhiên, trong tuần qua hầu hết các quy định này đã được dỡ bỏ và hoạt động của các doanh nghiệp đã trở lại bình thường.
Nằm ở miền Bắc Israel, Cảng Haifa được cho là an toàn hơn. Đây là hải cảng lớn nhất của Israel xét về lưu lượng hàng hóa, với khoảng 20 triệu tấn hàng được xếp dỡ mỗi năm.
Các doanh nghiệp cho biết, một số hãng vận tải đã phải điều chỉnh hành trình từ Cảng Ashdod sang Cảng Haifa và việc này ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa ra vào Israel. Chưa kể các chi phí bảo hiểm, vận chuyển, xếp dỡ và lưu kho cũng tăng lên.
Phóng viên TTXVN đã liên hệ với Cảng Haifa về ảnh hưởng của xung đột tới hoạt động của cảng này, nhưng chưa nhận được câu trả lời.
Có mặt tại thị trường Việt Nam từ năm 1998, công ty MDG Sea Fruit của Israel chuyên nhập khẩu các mặt hàng hải sản đông lạnh của các địa phương từ Bắc tới Nam, như tôm, mực, cá basa... với số lượng khoảng 2.000 tấn/năm.
Ông Yuval Gattegno, Chủ tịch công ty MDG Sea Fruit, nói: “Kể từ khi xảy ra xung đột chưa có chuyến hàng nào bị hủy. Tuy nhiên, do rocket nên tàu hàng không cập Cảng Ashdod và phải chuyển sang Cảng Haifa, tốn thời gian và chi phí vận chuyển cũng tăng thêm khoảng 20%.”
Là quốc gia có điều kiện tự nhiên bất lợi cho nông nghiệp, Israel phụ thuộc nặng nề vào hàng nhập khẩu lương thực, thực phẩm, thức ăn chăn nuôi, nguyên vật liệu thô phục vụ chế biến. Các doanh nghiệp cho biết xung đột khiến chi phí cho mỗi container vận chuyển hàng hải có thể tăng tới 100 USD, và chi phí này sẽ được chuyển sang người tiêu dùng. Tuy nhiên, những phát sinh nói trên chỉ diễn ra trong thời gian ngắn của tháng trước.
Với cường độ giao tranh của các cuộc không kích và rocket giảm dần trong những ngày qua, nguy cơ đối với hoạt động vận tải đường biển ra vào Israel đã giảm xuống. Theo thống kê của quân đội Israel, trong tuần đầu tiên xảy ra xung đột có 3.523 đợt cảnh báo rocket trên cả nước; con số này đã giảm mạnh xuống còn 455 đợt trong tuần từ 5-12/11.
Hiện tại, hoạt động vận chuyển hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sang Israel đã gần như trở lại bình thường. Ông Viet Fam, Tổng giám đốc công ty Vietfood Group, cho biết trong hơn 1 tuần đầu tiên của chiến sự, tình hình đôi chút khó khăn do hàng hóa không thể cập cảng ở khu vực miền Nam Israel. Trong khi đó, người dân ban đầu có tâm lý tích trữ thực phẩm trong thời chiến.
Tuy nhiên, sau đó hoạt động nhập khẩu hàng hóa đã nhanh chóng được nối lại và thị trường ổn định. Ông Viet Fam khẳng định: “Hiện tại, cước phí vận chuyển hiện vẫn không lên giá. Các hãng tàu cũng không áp phí đề phòng rủi ro do xung đột. Do vậy, tình hình vận chuyển hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sang Israel vẫn như cũ. Mọi thứ đều ổn.”
Ông Viet Fam nói thêm thời điểm này đang là cơ hội rất tốt cho các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp xuất khẩu nói riêng để đưa hàng hóa sang cung cấp cho thị trường Israel, nhất là thay thế nguồn hàng nhập khẩu giảm sút từ Thổ Nhĩ Kỳ.
Công ty của ông đang đẩy mạnh hoạt động theo hướng này, đặc biệt đây cũng nằm trong xu thế đón đầu khi Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Israel (VIFTA) sẽ có hiệu lực trong thời gian tới./.