Học 5 ngày, bác sĩ nội khoa có được thực hiện kỹ thuật tiêm gân – khớp?
Bác sĩ L.V.K, hiện đang công tác tại một phòng khám tư nhân trên địa bàn tỉnh Cà Mau khẳng định, bản thân ông được thực hiện kỹ thuật tiêm gân – khớp trên người sau khi hoàn thành khóa học 5 ngày về 'Kỹ thuật tiêm khớp – tiêm gân' là đúng quy định và được cấp có thẩm quyền cấp phép thực hiện.
Ngày 8.5, nguồn tin của phóng viên Một Thế Giới phản ánh, việc bác sĩ L.V.K, có chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh nội khoa, hiện đang công tác tại một phòng khám tư nhân trên địa bàn tỉnh Cà Mau, được thực hiện kỹ thuật tiêm gân – khớp trên người sau khi hoàn thành khóa đào tạo có thời hạn 5 ngày là chưa đúng với Nghị định số 96/2023/NĐ-CP ngày 30.12.2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh.
“Theo Điều 12 Nghị định số 96 có quy định, người thực hiện dịch vụ kỹ thuật ngoài phạm vi hành nghề được cấp phải được đào tạo tối thiểu 6 tháng. Việc tham gia các lớp ngắn hạn chỉ vỏn vẹn có 5 ngày liệu có đủ trình độ thực hiện dịch vụ kỹ thuật ngoài phạm vi cho phép?", nguồn tin thắc mắc.

Chứng chỉ đào tạo kỹ thuật tiêm gân - tiêm khớp của bác sĩ K.
Lý giải về việc mình thực hiện tiêm gân – khớp khi hoàn thành khóa học chỉ 5 ngày, bác sĩ K. cho biết: “Khi tôi mở ra phòng khám, trước tiên phải có được sự cho phép của Sở Y tế tỉnh Cà Mau về các danh mục, kỹ thuật và trong quá trình cấp phép. Sở Y tế có đến thẩm định rõ ràng, tôi có bằng cấp đầy đủ thì mới được phép tiêm khớp trên bệnh nhân. Nếu không được cấp phép mà tôi làm thì bị thanh tra kiểm tra ngay. Tiêm khớp thuộc lĩnh vực Nội khoa, tôi học chứng chỉ tiêm khớp đàng hoàng, học 45 tiết về kỹ thuật này”.
Khi chúng tôi đề cập, theo quy định hiện hành thì thời gian học tối thiểu đối với một kỹ thuật chuyên môn phải là 6 tháng thì mới được hành nghề, bác sĩ K. cho rằng: “Thời gian học 6 tháng là đối với các chứng chỉ tiêm khác tùy theo bộ môn. Riêng của tôi chứng chỉ tiêm khớp là khác, đó chỉ là kỹ thuật tiêm. Tôi đã học bác sĩ rồi và học chuyên khoa 2 nên học 5 ngày là được tiêm, vì đó là kỹ thuật tiêm khớp. Việc này đã được Sở Y tế cấp phép”.
Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới về việc liên quan đến bác sĩ K., ông Lê Đồng Khởi, Trưởng phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế tỉnh Cà Mau cho biết những bác sĩ có chứng chỉ rồi khi được đào tạo gọi là chuyên môn, kỹ thuật, nếu Sở Y tế điều chỉnh, bổ sung thì cũng giống như là chứng chỉ hành nghề.
“Có 2 trường hợp, trường hợp hợp thứ nhất Sở Y tế bổ sung nhưng phải đúng quy định, vì bổ sung giống như phạm vi hành nghề thứ 2 của chứng chỉ hành nghề, có thể mở phòng khám chuyên khoa khác cũng được. Ở trường hợp này, trong Nghị định mới hiện nay quy định thời gian đào tạo phải học 9 tháng và thực hành thêm 9 tháng nữa thì mới được Sở Y tế bổ sung. Trước đây thì thời gian học là 6 tháng. Trường hợp thứ 2 là đào tạo những chuyên môn kỹ thuật, trường hợp này có thể đào tạo từ 1 – 3 tháng thì người chịu trách nhiệm chuyện môn kỹ thuật của cơ sở hành nghề đó phải xem xét, đánh giá năng lực về những kỹ thuật chuyên môn đó và ra văn bản cho thực hiện thì được, giao quyền cho cơ sở khám chữa bệnh và Sở Y tế không ra văn bản nữa”, ông Khởi nói.
Tại điểm a, khoản 2, Điều 12 Nghị định số 96/2023/NĐ-CP ngày 30.12.2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh quy định về yêu cầu đối với chứng chỉ đào tạo kỹ thuật chuyên môn về khám, chữa bệnh nêu rõ: “Được cấp bởi cơ sở giáo dục có tối thiểu một khóa đào tạo cấp văn bằng theo ngành, trình độ đã tốt nghiệp để cấp giấy phép hành nghề khám chữa bệnh với chức danh tương ứng hoặc là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được cấp có thẩm quyền cho phép triển khai thực hiện các kỹ thuật chuyên môn tương ứng với thời gian tối thiểu 6 tháng”.