Học Bác từ những điều giản dị
Gắn bó với những tài liệu, kỷ vật về Bác Hồ gần trọn cuộc đời nên mỗi khi nhắc tới Chủ tịch Hồ Chí Minh, TS Hoàng Thị Nữ (sinh năm 1949), nguyên cán bộ của Bảo tàng Hồ Chí Minh (Hà Nội) lại nghẹn ngào xúc động.
Sau mấy lần hẹn, chúng tôi mới gặp được TS Hoàng Thị Nữ, bởi điều kiện sức khỏe của bà không được tốt. Vậy mà, khi gặp bà, trò chuyện về Bác Hồ, bà như không còn chút mệt mỏi. Trong căn phòng nhỏ, những cuốn sách, bức ảnh quý về Bác được bà sắp xếp ngăn nắp, gọn gàng và rất khoa học. Lật giở từng trang của cuốn sách “Danh nhân Hồ Chí Minh”-một trong những cuốn sách viết về Bác mà bà tham gia biên soạn, bà Nữ kể cho tôi nghe những ký ức về 35 năm công tác, gắn bó với công việc sưu tầm, lưu giữ, bảo quản tư liệu, kỷ vật về Bác Hồ.
Nguyên là sinh viên khóa đầu tiên của Trường Công an Trung ương (nay là Học viện An ninh nhân dân), nhưng cơ duyên lại đưa bà về công tác tại Ban Phụ trách xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh từ năm 1970. Đến năm 1984, sau khi bảo vệ xong luận án phó tiến sĩ tại Trường Đại học Tổng hợp Moscow (Liên Xô), bà Nữ tiếp tục về công tác ở Bảo tàng Hồ Chí Minh với vai trò cán bộ quản lý hệ thống kho cơ sở của bảo tàng-nơi lưu giữ toàn bộ tài liệu, hiện vật, phim, ảnh gốc... về Bác Hồ. Hằng ngày, được tiếp xúc với những tài liệu, hiện vật của Bác, bà cho biết: “Công việc này đòi hỏi phải thật cẩn thận, tỉ mỉ và toàn tâm, toàn ý”.
Cùng với việc nghiên cứu, sưu tầm, lập hồ sơ khoa học và bảo quản tài liệu, hiện vật về Bác Hồ ở trong nước, bà Nữ còn tham gia sưu tầm các tài liệu, hiện vật liên quan đến Bác ở nước ngoài. Bà bồi hồi nhớ về những chuyến đi sưu tầm tài liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Liên Xô (1991), Trung Quốc (1997) rồi đến Thái Lan, Lào... Mỗi chuyến đi là một câu chuyện thú vị, là một kỷ niệm riêng, in sâu trong ký ức cùng những chuyến đi một mình với khó khăn không kể xiết.
Cũng bởi tình yêu với Bác nên trong suốt thời gian công tác tại bảo tàng, bà Nữ luôn lấy tấm gương của Bác để học tập và noi theo. Cho đến tận bây giờ, dù đã nghỉ hưu, nhưng bà Nữ vẫn nhiệt tình, hăng hái tham gia công tác xã hội, công tác tại địa phương với sự tận tụy như khi còn đi làm. Có lẽ vì thế nên bà nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể. Không chỉ tận tụy, bà Nữ còn học Bác Hồ tính cẩn thận, tiết kiệm. Ví như thói quen trước khi soạn thảo một văn bản, bà thường viết nháp vào mặt sau tờ lịch, rồi mới viết vào giấy trắng.
Say mê nghiên cứu những tài liệu về Bác Hồ nên dù ở tuổi thất thập, bà Nữ vẫn giữ thói quen sưu tầm, lưu giữ bất kỳ tài liệu nào liên quan tới Bác. Bà nói: “Được gắn bó với những kỷ vật liên quan tới Bác, được tham gia nghiên cứu, xác minh những tư liệu về cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là niềm vinh dự, cũng là trách nhiệm của bản thân. Tôi muốn góp phần nhỏ bé tuyên truyền cho thế hệ sau về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.