Học Bác tự phê bình như... 'đánh răng, rửa mặt' hằng ngày
Từ khi ra đời, Đảng đã coi tự phê bình và phê bình là phương châm để xây dựng và phát triển Đảng.
Bác Hồ cũng như các đồng chí lãnh đạo Đảng từ những năm cách mạng còn cực kỳ khó khăn, thù trong, giặc ngoài, nhưng vẫn không vì thế mà không thực hiện tự phê bình và phê bình, điển hình là qua tác phẩm “Tự chỉ trích” của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, phổ biến từ năm 1939. Với Bác Hồ, sinh thời Người coi tự phê bình và phê bình cần thiết như "đánh răng, rửa mặt” hằng ngày. Bác luôn làm gương tự phê bình và phê bình. Nhiều người còn nhớ từ năm 1956, việc cải cách ruộng đất đã phạm sai lầm nghiêm trọng. Báo cáo trước Quốc hội, Bác đã nhận trách nhiệm và tự phê bình trước toàn dân. Nước mắt Người đã rơi trước những tổn thất và khẳng định: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”.
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Bác, khi nhắc đến lời căn dặn của Người: “Trong Đảng phải thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm túc tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”, các cán bộ, đảng viên vẫn còn nhớ những lời phê bình và bài viết của Bác đối với tỉnh ta. Lần đầu tiên Bác chính thức về thăm thị xã Hải Dương (ngày 31.5.1957), sau khi hỏi chuyện đồng bào, khen ngợi một số kết quả sản xuất, công tác, Bác đã phê bình về phong trào học bình dân, xóa nạn mù chữ, vệ sinh đường phố… Ngày 26.7.1962, về thăm Nhà máy Sứ Hải Dương, nói chuyện với cán bộ, công nhân, sau câu mở đầu Bác phê bình luôn “vệ sinh ngoài nhà vẫn còn bẩn. Nhà máy là phải sạch sẽ. Bên ngoài nhà máy cũng phải sạch sẽ, mát mẻ, để khi vào nhà máy làm, lúc ra ngoài có chỗ nghỉ ngơi, vui vẻ, đẹp đẽ, thảnh thơi…”. Bác phê bình cán bộ, công nhân chưa có tinh thần làm chủ nên “về nhà các cô, các chú thấy cỏ mọc là bắt tay nhổ ngay, còn ở đây thì cha chung không ai khóc”…
Bác cũng phê bình thẳng thắn trên báo như bài “Quỹ đen… quỹ trắng” (ký tên K.C, báo Nhân Dân ngày 8.2.1960) phê bình tình trạng một số cơ quan, địa phương thuộc tỉnh Hải Dương còn để quỹ đen bất minh; bài “Phải chăng thế này là thực hành tiết kiệm?” (ký tên Chiến Sĩ, báo Nhân Dân ngày 22.12.1966), phê bình một vài nơi ở Thanh Miện mổ gia súc liên hoan tràn lan. Nói thẳng, viết rõ, nhưng cũng có khi Bác phê bình nhẹ nhàng, tế nhị, khiến cho phía tiếp nhận phê bình phải suy ngẫm và sửa chữa. Như khi nói về phong trào Bình dân học vụ tại thị xã Hải Dương (năm 1957), Bác chỉ rõ: “Trước đã có cố gắng nhưng gần đây thì sút kém. Điểm này, Chính phủ và Bác không muốn để cho đồng bào Hải Dương có phần thưởng mà phải chờ mãi...”.
Nhớ lại những lần được Bác phê bình và những lời dạy bảo của Bác, Đảng bộ và nhân dân ta càng thấm thía hơn về nội dung tự phê bình và phê bình Bác viết trong Di chúc, qua nửa thế kỷ vẫn còn nguyên giá trị. Trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tự phê bình và phê bình càng trở nên cấp thiết. Tự giác phê bình không chỉ giúp bản thân mình tiến bộ mà còn giúp cho đồng chí biết để phòng tránh. Có thành khẩn tự phê bình mình tốt thì mới phê bình sai lầm khuyết điểm của đồng chí được đúng mực với tinh thần đoàn kết thương yêu lẫn nhau, từ đó có biện pháp sửa chữa, cùng tiến bộ. Đó là “liều thuốc trị bệnh” hữu hiệu. Thực tế đã chứng minh ở những tổ chức đảng, đơn vị, cơ quan có người đứng đầu trong sạch, liêm chính, luôn nêu gương tự phê bình và phê bình thì cán bộ, đảng viên cũng làm theo mà nhờ thế tập thể ngày càng tiến bộ, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị. Từ đó càng nhận thức sâu sắc và thực hiện nghiêm túc tự phê bình và phê bình, tránh hình thức, phê bình lấy lệ, chỉ tự phê bình những điều mọi người đã biết rõ, còn điều chưa biết thì giấu giếm, né tránh. Không chỉ cần tự giác trong tự phê bình mà còn có trách nhiệm góp ý, phê bình, thậm chí đấu tranh tư tưởng với những sai lầm khuyết điểm của đồng chí, không bao che, thỏa hiệp. Chỉ có như vậy mới góp phần ngăn chặn sự suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa nội bộ, xây dựng tổ chức Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.
NGUYỄN THẾ (TP Hải Dương)
------------------------* Các trích dẫn theo cuốn "Bác Hồ với Hải Dương - Hải Dương với Bác Hồ" (Nhà xuất bản Thông tấn, năm 2008)