Học Bác xây dựng quê hương giàu đẹp

Từ vùng đất tái định cư còn bộn bề những khó khăn, Quỳnh Nhai hôm nay đang ngày càng khởi sắc, trở thành miền quê đáng sống. Kết quả này, có đóng góp quan trọng của việc lựa chọn đúng, trúng, sát với thực tiễn những nội dung đột phá trong việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Trung tâm thị trấn Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai.

Trung tâm thị trấn Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai.

Đồng chí Đinh Trung Dũng, Bí thư Huyện ủy, cho biết: Thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Ban Thường vụ Huyện ủy đã cụ thể hóa các chỉ thị, kế hoạch, hướng dẫn của Trung ương và Tỉnh ủy thành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn toàn thể cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ. Hằng năm, lựa chọn các nội dung đột phá gắn với các nhiệm vụ trọng tâm của huyện, sát với thực tiễn cơ sở triển khai, thực hiện.

Nhiều nội dung đột phá, trọng tâm, xuyên suốt trong việc học và làm theo Bác được huyện Quỳnh Nhai triển khai, như: Tiếp tục huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn huyện, phấn đấu hết năm 2025, toàn huyện đạt chuẩn huyện NTM; chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, trọng tâm phát triển thủy sản; phát triển diện tích cây ăn quả trên đất dốc, cây dược liệu dưới tán rừng, tán cây ăn quả...

Thực hiện mục tiêu đề ra, huyện tập trung các nguồn lực xây dựng NTM, nhất là thực hiện các công trình, dự án được UBND tỉnh phê duyệt; thường xuyên tổ chức các đoàn khảo sát phối hợp với xã rà soát các tiêu chí đạt, chưa đạt dựa trên bộ tiêu chí xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025, đánh giá tình hình thực tế, xác định nguyên nhân vì sao “thiếu, yếu, chưa đạt” để có giải pháp khắc phục. Thành lập các tổ công tác của huyện phụ trách các xã, hàng tuần về cơ sở kiểm tra, đôn đốc quá trình thực hiện.

Mô hình trồng cây ăn quả của gia đình anh Lường Văn Vui, xã Nặm Ét.

Mô hình trồng cây ăn quả của gia đình anh Lường Văn Vui, xã Nặm Ét.

Với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân, đến nay, 100% số xã của huyện Quỳnh Nhai được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Trong đó, xã Chiềng Bằng, Chiềng Khoang, Mường Giàng đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Xã Mường Giàng được công nhận đạt các tiêu chí đô thị loại V, huyện Quỳnh Nhai hoàn thành lập Đề án xây dựng xã Mường Giàng thành thị trấn.

Là xã vùng cao còn nhiều khó khăn, với sự quyết tâm của cấp ủy, chính quyền, sự đồng lòng của nhân dân, cuối năm 2024, xã Chiềng Khay đạt chuẩn nông thôn mới. Ông Bùi Đình Hải, Chủ tịch UBND xã, thông tin: Quá trình thực hiện, toàn xã đã huy động tổng nguồn vốn hơn 300 tỷ đồng thực hiện xây dựng nông thôn mới, trong đó, nhân dân đóng góp gần 24 tỷ đồng thực hiện bê tông hóa các tuyến đường nội bản, nội đồng và sửa chữa nhà văn hóa bản.

Thực hiện nội dung đột phá trong phát triển nông nghiệp, Quỳnh Nhai định hướng khai thác điều kiện tự nhiên, tiềm năng lợi thế phát triển nông nghiệp bền vững. Trong đó, các xã vùng dọc sông Đà khai thác mặt nước, nuôi, đánh bắt thủy sản, trồng cây ăn quả. Đối với 2 xã Mường Giôn, Chiềng Khay tập trung chăn nuôi đại gia súc, trồng cây ăn quả ôn đới, trồng, bảo vệ rừng. Thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn với thị trường, chủ động phối hợp tháo gỡ đầu ra cho nông sản hàng hóa.

Nuôi cá lồng trên lòng hồ tại xã Chiềng Bằng.

Nuôi cá lồng trên lòng hồ tại xã Chiềng Bằng.

Khai thác tiềm năng hơn 10.500 ha mặt nước lòng hồ thủy điện Sơn La, huyện Quỳnh Nhai hỗ trợ, vận động nhân dân phát triển nghề nuôi, đánh bắt thủy sản. Đến nay, toàn huyện duy trì 275 ha mặt nước nuôi thủy sản, trên 4.500 lồng nuôi cá. Tổng sản lượng thủy sản năm 2024 ước đạt 1.800 tấn, trong đó, sản lượng cá nuôi 1.300 tấn, sản lượng đánh bắt 500 tấn. Việc phát triển, duy trì sản lượng nuôi thủy sản gắn với tăng cường hợp tác xây dựng thương hiệu, từng bước đưa nghề nuôi thủy sản phát triển bền vững.

Cùng với đó, Quỳnh Nhai tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ nhân dân phát triển cây ăn quả trên đất dốc; rà soát diện tích cây nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả tập trung; xúc tiến đầu tư, mời gọi các doanh nghiệp, HTX liên kết với nông dân trồng cây ăn quả theo hướng ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hữu cơ, gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, toàn huyện có gần 2.000 ha cây ăn quả các loại, sản lượng bình quân hằng năm đạt 4.800 tấn. Đặc biệt, từ năm 2018, huyện Quỳnh Nhai đưa cây mắc ca vào trồng thử nghiệm. Sau hơn 5 năm, toàn huyện có trên 300 ha cây mắc ca được trồng tại nhiều xã, bản, phủ xanh đồi đất trống, tạo sinh kế cho đồng bào các dân tộc.

Anh Lường Văn Vui, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nậm Ét, một trong những điển hình tiêu biểu trong học và làm theo lời Bác với mô hình chuyển đổi cây ăn quả trên đất dốc. Từ vùng đất khô cằn, giờ đây, gia đình anh có 1,2 ha trồng cam, bưởi da xanh. Ngoài ra, tích cực nuôi gia súc, duy trì 3 con lợn nái, 30 con lợn thịt, 10 con trâu, bò. Thu nhập bình quân từ hoa quả, chăn nuôi đạt hơn 200 triệu đồng/năm. Anh Vui cho biết: Với trách nhiệm của người đảng viên, tôi luôn gương mẫu, đi đầu, hết lòng, hết sức với công việc, để nhân dân tin tưởng, làm theo. Đến nay, xã Nặm Ét có hơn 160 ha cây ăn quả các loại, trong đó, hơn một nửa diện tích cho thu hoạch, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhân dân.

Việc lựa chọn nội dung đột phá phù hợp, sát thực tế trong thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị tại Đảng bộ huyện Quỳnh Nhai đã góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội ngày một chuyển biến tích cực, đời sống của nhân dân nâng lên, cùng nhau xây dựng vùng đất bên sông Đà ngày càng giàu đẹp.

Bài, ảnh: Việt Anh

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/day-manh-hoc-tap-va-lam-theo-tu-tuong-dao-duc-phong-cach-ho-chi-minh/hoc-bac-xay-dung-que-huong-giau-dep-yHtJKVaHg.html