Học cách bằng lòng để hạnh phúc
Ham muốn chinh phục giúp con người ta tiến lên phía trước, nhưng để có được sự cân bằng trong cuộc sống, chúng ta phải học cách hài lòng với những gì mình đang có.
[...]
Một hôm trời chạng vạng tối, thiền sư Hư Hữu đi bộ bên sông, nhìn thấy có vài người đang thả câu bên bờ, thiền sư không có việc gì, liền đứng bên cạnh quan sát. Lúc này, cần câu của một người trong số đó động đậy, một con cá lớn dài tới ba thước bị mắc câu mà vẫn giãy rất khỏe, những người đứng quan sát bên cạnh đều reo hò cho anh ta.
Nhưng người nọ gỡ móc câu ra khỏi miệng cá một cách thành thạo rồi tiện tay ném con cá xuống sông. Đám đông vang lên một tràng ca cẩm tiếc nuối, nhưng trong lòng họ lại rất khâm phục người câu được cá, con cá to như vậy chưa làm anh ta hài lòng, có thể thấy đây là một cao thủ câu cá.
Khi mọi người nín thở chờ đợi, thì cần câu lại động đậy, lần này anh kia câu được một con cá dài hai thước, người câu cá không suy nghĩ nhiều lại thuận tay ném nó xuống sông.
Lần thứ ba, cần câu của người đó tiếp tục động đậy, lần này lại là một con cá nhỏ dài chưa đến một thước. Đám đông xung quanh kêu lên một tiếng thất vọng, có người nghĩ thầm, sớm biết như vậy, lần thứ nhất không nên vứt bỏ con cá lớn đó đi. Không ngờ lần này người câu cá lại cẩn thận gỡ con cá nhỏ ra, bỏ vào rọ.
Những người vây quanh nghĩ mãi không hiểu, liền hỏi anh ta: “Tại sao lại thả lớn mà lấy nhỏ?”
Người câu cá trả lời: “Bởi vì chiếc bàn lớn nhất ở nhà tôi dài chưa đến một thước”.
Xem đến đây, thiền sư cảm khái sâu sắc, nói: “Người đời thường cầu lớn không cầu nhỏ. Thật ra, thứ thích hợp với bản thân mới là tốt nhất”.
Người câu cá có thể mua một cái bàn lớn hơn, anh cũng có thể đem cá cắt khúc rồi chế biến. Cho nên, trong mắt những người đứng xem, người câu cá này rất ngốc. Nhưng chúng ta đều quên mất một vấn đề quan trọng là cái bụng chúng ta có hạn.
Người câu cá chỉ cần con cá nhỏ dài một thước, đâu chỉ vì bàn không đủ rộng, thứ mà người câu cá muốn là cuộc sống tự tại biết đủ mà vui!
Đại sư Thánh Nghiêm từng nói: “Nếu con người hiện đại có thể xem nhẹ danh lợi, không tính toán, sống qua ngày với thái độ một cháo một cơm, thì sẽ thấy “dư dả” trong sự đạm bạc, thấy tâm tự tại, cõi lòng tĩnh lặng như không có gì vướng bận.” Cách nói “Một cháo một cơm” xuất phát từ một câu chuyện Phật giáo.
Thiền sư Ngưỡng Sơn hỏi thiền sư Vy Sơn: “Thầy ơi, sau khi người viên tịch, nếu như có ai hỏi đạo pháp của thầy là gì, con nên trả lời như thế nào?” Thiền sư Vy Sơn chỉ nói bốn chữ: “Một cháo một cơm.”
Tại sao lại nói một cháo một cơm? Bởi vì ở chùa Thiền Tông, buổi sáng ăn một bát cháo, buổi trưa ăn một bát cơm, buổi tối không ăn gì cả. Thiền sư Vy Sơn trả lời như vậy, tất nhiên không phải bởi một ngày thiền sư chỉ có thể ăn cơm và cháo, ý của ngài là, cho dù con người có bao nhiêu ham muốn, thật ra mỗi ngày chỉ cần một cháo một cơm là đủ rồi.
Có là hoàng đế thì suy cho cùng cũng chỉ là một ngày ba bữa cơm thôi. Thiền sư Vy Sơn dùng bốn chữ “một cháo một cơm” để khuyên mọi người cần phải học cách biết hài lòng.
Tôi vui dẫu chỉ có một cái bánh bao, bởi chí ít hôm nay tôi không bị đói bụng nữa. Có một bàn sơn hào hải vị là tôi thỏa mãn lắm rồi, đời người có được niềm hạnh phúc lớn lao như vậy, tôi còn gì mà không vui nữa? Có nhiều có ít đều vui như nhau, người như vậy là người biết đủ. Bởi vì biết đủ, trong lòng tràn đầy cảm giác sung túc.
Còn những người không biết đủ luôn cảm thấy không hài lòng với cái mình đang có và lúc nào cũng nói như thể mình là một người nghèo khổ, bất hạnh. Cho nên, dù anh ta là triệu phú, thì thật ra vẫn là người nghèo. Nếu muốn hưởng thụ niềm vui của cuộc sống, điều cơ bản để tin theo chính là “Biết đủ thường hài lòng, biết dừng thì dừng được”.
[...]
Nguồn Znews: https://znews.vn/hoc-cach-bang-long-de-hanh-phuc-post1455735.html