Học cách dạy con của người da đỏ
Theo quan niệm của người da đỏ, người trưởng thành phải học cách tự đối mặt với những rắc rối mà mình gặp phải. Họ áp dụng điều này để nuôi dạy những đứa trẻ hạnh phúc và độc lập.
Michaeleen Doucleff là phóng viên kỳ cựu của đài NPR (Mỹ). Do yêu cầu từ công việc cô đã cùng cô con gái Rosy 7 tuổi rong ruổi khắp Mexico và vùng Nam Mỹ để tìm hiểu cuộc sống của người dân bản địa. Họ là con cháu của những dân tộc có nên văn hóa cổ đại ấn tượng như người Maya hay người Inca. Nói cách khác, họ chính là hậu duệ của người thổ dân da đỏ lừng lẫy một thời.
Đi sâu quan sát cuộc sống những người thổ dân hiện đại này, Michaeleen Doucleff phát hiện ra họ có những quan điểm rất độc đáo và tích cực trong việc giáo dục con cái. Cô đã ghi chép lại những điều mình quan sát được một cách rất khoa học, tỉ mỉ và mổ xẻ chúng dưới cái nhìn của giáo dục học hiện đại. Đó là lý do để cuốn sách Nghe thổ dân kể chuyện dạy con ra đời.
Trước khi trở thành một nhà báo, hay một nhà nghiên cứu, Michaeleen Doucleff luôn đặt mình vào vị trí của một người mẹ. Lớn lên trong một gia đình không hạnh phúc, thường xuyên chứng kiến cảnh cha mẹ cãi vã, khi bước vào tuổi vị thanh niên Michaeleen Doucleff và mẹ cô thường xuyên xảy ra mâu thuẫn. Bởi vậy, khi bắt đâu làm mẹ, tác giả không biết nên bắt đầu từ đâu.
Cô sợ lại giẫm lên vết xe đổ của cha mẹ mình. Cô thường xuyên gặp rắc rối với cô con gái Rosy bướng bỉnh. Hành trình tới Nam Mỹ và quan sát những bà mẹ thổ dân ở đây nuôi dạy con cái đã thay đổi nhiều quan niệm của tác giả về giáo dục gia đình.
Phần lớn, các gia đình người Maya và Inca ở khu vực Nam Mỹ vẫn sống dựa vào nền nông nghiệp. Các bà mẹ vừa phải chăm sóc gia đình, vừa trồng trọt và chăn nuôi gia súc. Thế nên, họ không có quá nhiều thời gian cho con cái. Những đứa trẻ ở đây thường học cách tự lập từ rất sớm.
Tác giả đã rất ngạc nhiên khi thấy một bà mẹ người Maya đưa cho cô con gái mới một tuổi cái chổi, để con bé học cách quét nhà. Trong khi, những bà mẹ đến từ Mỹ và châu Âu luôn cho rằng giai đoạn từ 1-3 tuổi, còn quá sớm để trẻ học cách làm việc nhà thì các bà mẹ thổ dân lại nghĩ khác.
Họ cho rằng, trong vài năm đầu đời, trẻ nhỏ rất thích bắt chước người lớn. Bởi vậy, cha mẹ hãy lợi dụng điều đó để dạy con làm những công việc đơn giản và không gây nguy hiểm cho bé.
Người phương Tây cho rằng: khi con trẻ dọn dẹp nhà cửa đồng nghĩa với việc chúng đang giúp đỡ cha mẹ. Nhưng người Maya lại nghĩ khác, với họ việc nhà là trách nhiệm của mỗi thành viên trong gia đình, kể cả trẻ nhỏ. Làm việc nhà có nghĩa là em bé đang thực hiện nghĩa vụ của mình với gia đình. Họ đặt trách nhiệm lên vai con trẻ từ rất sớm.
Trẻ em ở phương Tây và Mỹ thường được giáo dục trong gia đình hạt nhân, tức là gia đình nhỏ 2 thế hệ, chỉ có cha mẹ và con cái. Những đứa trẻ lớn lên ở các tộc người bản địa Nam Mỹ thì khác. Chúng được giáo dục trong một môi trường có tính cộng đồng rất cao. Bởi ở đây mối quan hệ họ hàng, xóm giềng được gắn bó rất chặt chẽ.
Đứa bé không chỉ học cách lao động, chăn thả gia súc từ cha mẹ, ông bà , hay các thành viên khác trong gia đình. Có những bài học rất hữu ích được truyền dạy bởi những người hàng xóm. Điều này giúp ích rất nhiều trong việc phát triển kỹ năng giao tiếp và nâng cao khả năng phân tích, sử lý tình huống ở trẻ.
Quan sát cách các bà mẹ thổ dân dạy con, tác giả Michaeleen Doucleff nhận ra rằng: để nuôi dưỡng một đứa trẻ tự lập và hạnh phúc, cha mẹ cần ngừng làm mọi việc hộ con. Hãy chỉ dạy con cái như một người thầy, sau đó để chúng đương đầu với vấn đề, đừng che chở quá mức như một bảo mẫu.
Cuốn sách Nghe thổ dân kể chuyện dạy con được viết bằng trải nghiệm của một người mẹ trong quá trình đi tìm phương pháp giáo dục phù hợp cho đứa con yêu của mình. Tác giả Michaeleen Doucleff nhận ra: giáo dục con cái là hành trình có vô vàn phép thử, cha mẹ cần kiên nhẫn, đồng hành cùng con để tìm ra phương pháp phù hợp nhất.
Quan trọng hơn cả, để trở thành một đứa trẻ hạnh phúc, bé con của bạn phải học các tự lập và đối mặt với những khó khăn mà nó sẽ gặp trong cuộc sống.
Nguồn Znews: https://znews.vn/hoc-cach-day-con-cua-nguoi-da-do-post1466998.html