Học cách làm giàu từ nguồn dữ liệu số
Dữ liệu được ví như nguồn nhiên liệu mới của thế kỷ XXI mang lại giá trị thặng dư lớn cho người sở hữu nếu biết khai thác, sử dụng.
Đối với những doanh nghiệp đang sở hữu lượng dữ liệu lớn, có thể vừa khai thác làm giàu, vừa bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật là vấn đề được quan tâm đặc biệt trong nền kinh tế số hiện nay…
Gia tăng giá trị thặng dư từ dữ liệu
Theo công bố của Hãng nghiên cứu thị trường Statista (Đức), doanh thu của thị trường dữ liệu lớn toàn cầu năm 2023 đạt 308 tỷ USD và dự kiến đạt hơn 655 tỷ USD vào năm 2029. Năm công ty công nghệ toàn cầu (còn gọi là Big five) gồm: Amazon, Apple, Facebook, Google, Microsoft đang thống trị nền kinh tế dữ liệu với sức mạnh từ kho dữ liệu riêng khổng lồ, mang lại cho họ những lợi ích kinh tế to lớn.

Kỹ sư VNPT vận hành hệ thống trung tâm dữ liệu tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc.
Vậy, các doanh nghiệp trong nước có thể làm giàu từ nguồn dữ liệu hay không? Nhất là trong bối cảnh nền kinh tế số đang phát triển mạnh mẽ, cùng với hệ thống pháp luật liên quan đã và đang được hoàn thiện.
Theo các chuyên gia là lãnh đạo doanh nghiệp, ngân hàng, có một thực tế là lượng dữ liệu nhiều, nhưng lại rời rạc phân tán. Bài toán đối với doanh nghiệp để khai thác, sử dụng không chỉ ở chỗ tập hợp, thu thập mà còn là phân tích để đem lại giá trị.
Chia sẻ về vấn đề này, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) Trần Công Quỳnh Lân cho biết, VietinBank đã dành nhiều thời gian cho ứng dụng công nghệ, phân tích các hành vi tiêu dùng của khách hàng, để từ đó thiết kế ra được các sản phẩm phù hợp thu hút khách hàng đến với VietinBank nhiều hơn. Mặc dù vậy, ông Trần Công Quỳnh Lân cũng thừa nhận, việc khai thác, sử dụng, mua - bán và làm giàu từ dữ liệu là một thách thức lớn, phức tạp.
Làm rõ hơn về cách thức để có thể khai thác hiệu quả dữ liệu vốn đang bị phân tán, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Noventiq Việt Nam Lê Quân cho rằng, các doanh nghiệp có thể áp dụng các công nghệ học máy (ML) và trí tuệ nhân tạo (AI) vào khai thác, phân tích dữ liệu sẽ đem lại hiệu quả cao.
Trưởng ban Công nghệ thông tin, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) Hoàng Long phân tích, nếu khai thác và sử dụng dữ liệu một cách hợp lý cùng các giải pháp bảo mật tránh rủi ro, doanh nghiệp hoàn toàn có thể đáp ứng yêu cầu của khách hàng, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống. Viettel đã triển khai hệ thống an ninh bảo mật toàn tập đoàn, trong đó có việc bảo vệ dữ liệu khách hàng được phân loại theo các trạng thái, cấp độ. Viettel đã thành lập bộ phận chuyên trách là Ban Quản trị dữ liệu tập đoàn để triển khai các nhiệm vụ về bảo vệ, khai thác dữ liệu…
Sử dụng, khai thác đúng quy định
Cùng với việc khai thác để làm giàu từ dữ liệu, vấn đề bảo đảm quy định pháp luật cũng là điều rất quan trọng hiện nay mà các doanh nghiệp đang quản lý, sở hữu dữ liệu không thể xem nhẹ.
Trưởng ban Công nghệ thông tin, Tập đoàn Viettel Hoàng Long cho rằng, lo ngại lớn nhất là dữ liệu bị sử dụng sai mục đích với tình trạng lộ lọt dữ liệu gia tăng như hiện nay. Phân tích cụ thể, ông Hoàng Long cho biết, lộ lọt dữ liệu thường xuất phát từ hai nguyên nhân chính là tấn công mạng từ bên ngoài và khai thác từ bên trong. Mà trong đó, một số vụ việc đã xảy ra khi nhân viên hoặc một khâu nào đó trong hệ thống (trong doanh nghiệp) có hành vi cố ý sử dụng dữ liệu sai mục đích. Do vậy, trong việc khai thác dữ liệu, doanh nghiệp cần xây dựng nền tảng dữ liệu hiện đại, bảo mật và có khả năng thích ứng với sự thay đổi của công nghệ, tuân thủ quy định của pháp luật.
Đại diện Tập đoàn Công nghệ CMC nhấn mạnh, cần có giải pháp quản trị bảo mật dữ liệu với việc phát triển các chính sách toàn diện về quyền riêng tư, sử dụng dữ liệu hợp lý và tuân thủ pháp luật. Doanh nghiệp cần thực thi các quy định về truy cập, quản lý dữ liệu và lưu trữ dữ liệu phù hợp với các tiêu chuẩn và quy định mới nhất. Cùng với đó là giải pháp ghi nhận nguồn gốc, quá trình chuyển đổi và sử dụng dữ liệu để bảo đảm truy xuất nguồn gốc…
Nhấn mạnh dữ liệu là một loại tài sản cần được bảo vệ, Phó Tổng Giám đốc VietinBank Trần Công Quỳnh Lân nêu, giờ đây doanh nghiệp cần phải coi chi phí cho bảo mật dữ liệu là điều bắt buộc trong hoạt động kinh doanh. Dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân đề xuất mức phạt từ 1% đến 5% doanh thu năm liền trước của tổ chức, doanh nghiệp vi phạm quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, cho thấy, doanh nghiệp, tổ chức không thể coi nhẹ công tác này, vì nếu vi phạm, số tiền phạt hành chính có thể lên tới hàng nghìn tỷ đồng, thậm chí bị xử lý hình sự. Đồng thời, vị lãnh đạo này cũng đề xuất cơ quan quản lý có biện pháp xử lý mạnh mẽ với các cá nhân cho thuê, mượn căn cước công dân để đối tượng xấu lập tài khoản ngân hàng giả mạo, thực hiện hành vi lừa đảo. Người dân, khách hàng, cần nâng cao ý thức bảo vệ dữ liệu cá nhân của mình.
Còn theo Thiếu tá Đào Đức Triệu, Phó Trưởng phòng 1, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), vấn đề đặt ra khi tổ chức, doanh nghiệp nắm toàn bộ dữ liệu của cá nhân, là phải quản lý chặt chẽ. Nếu kiểm soát không tốt, có thể ảnh hưởng đến quyền riêng tư và quyền công dân được pháp luật bảo vệ. Do vậy, cơ quan quản lý đã, đang đẩy mạnh việc hoàn thiện các quy định pháp lý để bảo đảm khai thác, sử dụng dữ liệu số an toàn, hiệu quả.
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/hoc-cach-lam-giau-tu-nguon-du-lieu-so-703056.html