Học cách làm mẹ
Vợ chồng tôi đều có việc làm không ổn định, dịch bệnh càng khiến cuộc sống trở nên ngột ngạt, bấp bênh. Gồng mình nơi thành phố có mức chi phí đắt đỏ, đôi lúc tôi muốn dừng lại. Bế tắc kéo dài đã ảnh hưởng lớn tới hạnh phúc gia đình, con gái tôi dường như cũng cảm nhận được điều này.
Chồng tôi vốn tốt nghiệp một trường đại học có tiếng, nhưng đúng lúc ra trường lại vào thời điểm khủng hoảng và chắc cũng bởi kém may mắn nên anh không tìm được việc làm như ý. Tôi học kế toán xong, làm việc tại một công ty tư nhân nhỏ, lương chỉ đủ sống, chẳng dư dả đồng nào. Công việc của chồng tôi đã thế, gánh nặng kinh tế đổ ập xuống vai tôi, tiền ăn, tiền đóng học cho con, tiền đám cưới thi nhau gõ cửa. Mà kỳ lạ, cứ lúc nào hết tiền thì hàng trăm thứ chi phí không tên lại phát sinh, chắp chỗ nọ, vá chỗ kia, co kéo đủ kiểu mà vẫn trống hoác.
Gia đình tôi thuê trọ trong một khu nhà xập xệ, con gái 6 tuổi học ở ngôi trường gần nhà. Cuộc sống khó khăn khiến tôi trở nên xấu xí, hay cáu gắt, so sánh và bất mãn với mọi chuyện và người hằng ngày phải gánh chịu những xấu xí ấy không ai khác chính là chồng với cô con gái 6 tuổi của tôi.
Mỗi tháng đến kỳ lĩnh lương là những trận cãi vã nảy lửa diễn ra. Công ty chồng tôi thường không trả 100% lương mà giữ lại 50% đến tết mới thanh toán hết, thậm chí có tết khó khăn, lại nợ đến năm sau. Tôi thường nói với chồng rằng “sếp của anh có biết thương nhân viên không? Ông ấy có biết hằng ngày tôi phải co kéo mọi chi tiêu mà vẫn không đủ? Anh nghỉ việc ngay cho tôi”. Chồng tôi luôn chần chừ trước quyết định chuyển việc. Là người hiền lành, ngại thay đổi nên dù chính sách của công ty như vậy, anh chưa bao giờ phàn nàn bởi lý do dịch bệnh có việc làm ổn định là tốt lắm rồi. Những trận cãi vã diễn ra liên tục, bất chợt có lần tôi thấy ánh mắt của con nhìn qua khe cửa khi vợ chồng tôi tranh luận vẫn về vấn đề tiền lương.
Chắc bởi những áp lực nhiều khi không giải quyết ngay được, không ít lần tôi đã trút giận lên con gái. Tôi nhớ có một lần ở cơ quan gặp chuyện rất bực mình, về đến nhà, chồng tôi có việc bận không báo trước, con gái bày đồ chơi khắp nhà, bài tập chưa làm xong, không cần hỏi, sẵn cái chổi góc nhà, tôi quật cho con mấy cái. Đánh con xong, cơn giận dữ cũng chẳng nguôi ngoai mà chỉ thấy ân hận khi nhìn con gái khóc trong phòng. Xét cho cùng, công việc ở cơ quan mới khiến tôi không vui, tại sao con gái bé nhỏ lại là người hứng chịu? Đã rất nhiều lần con gái phải chịu những trận đòn roi vì chuyện bực mình không đâu của tôi như thế. Dần dần nó sợ hãi, cứ thấy tôi đi làm về là len lén, không dám cười đùa, nói to như sợ chẳng may chọc vào cơn giận dữ của tôi.
Cũng vì công việc bận rộn nên hầu hết những ngày quan trọng như khai giảng, văn nghệ, dã ngoại… tôi không thể ở bên con. Con gái hỏi chồng tôi, “tại sao mẹ bận rộn thế? Bố giúp mẹ việc cơ quan để mẹ có thời gian dành cho con đi”. Vô tình nghe thấy con nói vậy, tôi đã tự hứa cố gắng chăm chỉ vài năm nữa, khi cuộc sống ổn rồi sẽ dành thời gian bên con nhiều hơn, nhưng biết đến bao giờ mọi chuyện mới ổn, 5 năm, 10 năm hay lâu hơn nữa? Tuổi thơ của con cứ thế trôi qua lúc nào không hay.
Con gái tôi đã bước vào lớp 3. Cuộc sống của gia đình tôi vẫn khó khăn như vậy, chúng tôi vẫn sống trong căn nhà trọ 30 m2 ven thành phố. Sếp của chồng tôi vẫn không trả 100% lương mà nợ lại 50% cuối năm quyết toán, thậm chí nợ gối đến cả sang những năm sau. Giấc mơ về một ngôi nhà riêng ở khu chung cư dành cho người thu nhập thấp vẫn rất xa vời.
Hôm nay, tôi được nghỉ làm buổi sáng, tranh thủ dọn dẹp góc học tập cho con gái nhỏ. Quyển vở nháp con bé để ở nhà chằng chịt những hình vẽ dọc ngang, tôi lật một trang nháp khác thì thấy dòng chữ nguệch ngoạc “tại sao ai cuối cùng cũng phải chết mà khi vừa chào đời không chết luôn hả mẹ?”. Góc phải trang nháp ghi 4/4, đó là ngày con bé lại ăn trận đòn của mẹ vì bị điểm kém. Đọc dòng chữ nguệch ngoạc mà trong lòng tôi trống rỗng, hoang mang. Tâm lý này của con là gì? Tôi nghĩ lại quãng thời gian con lớn lên, đã lâu lắm rồi nó không được nghe những lời động viên từ mẹ. Cũng lâu rồi tôi không mua quần áo mới cho nó mà chủ yếu xin lại đồ của con mấy chị cùng cơ quan. Gia đình tôi chưa bao giờ có một chuyến du lịch hoặc ra nhà hàng nhân dịp sinh nhật con gái.
Tôi đã bỏ lỡ quá nhiều thời gian trong suốt quá trình con lớn lên, thậm chí không ít lần con sốt, tôi không thể nghỉ làm để ở nhà chăm sóc. Tôi mải chạy theo mục tiêu đủ đầy vật chất mà quên rằng con cái chính là tài sản lớn nhất của cha mẹ và cũng là tương lai của xã hội phát triển sau này.
Hôm sau, tôi quyết định không tăng ca, buổi tối cả nhà sẽ đưa con gái đi ăn kem. Nhìn sang cửa hàng quần áo bên đường thấy một chiếc váy màu hồng xinh xắn, tôi đưa con sang thử. Con bé nhảy cẫng lên vui sướng, nó xoay một vòng, chiếc váy xòe tròn lấp lánh nụ cười của con. Lâu lắm rồi tôi mới cảm nhận được hạnh phúc, hóa ra hạnh phúc đơn giản chỉ là nụ cười của con mà bấy lâu nay tôi cứ nghĩ hạnh phúc là ở trong một ngôi nhà lớn, bận lên người hàng hiệu hoặc ăn những bữa xa xỉ. Nhưng mọi thứ có vẻ đúng như chồng tôi từng nói công việc, tiền bạc cũng quan trọng nhưng con cái mới là hạnh phúc của cả đời người. Hôm nay, tôi bắt đầu học làm mẹ!
Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/355605-hoc-cach-lam-me