'Học cấp 2, con đã ước mơ làm việc trong ngân hàng'
Bất chấp việc nhân lực ngành ngân hàng đang chịu áp lực rất lớn trước làn sóng khoa học, công nghệ, nhiều học sinh Trường Quốc tế Việt Nam - THPT IVS vẫn nuôi ước mơ trở thành nhân viên ngân hàng, sử dụng thành thạo công nghệ trong tương lai.
Học sinh Đỗ Nguyên Thông: "Em rất hào hứng với AI"
Sáng 16.7, tại Hà Nội, Tạp chí Một Thế Giớiphối hợp cùng Thời báo Ngân hàng đã tổ chức Diễn đàn “Nhân lực ngành ngân hàng trước làn sóng công nghệ” với chủ đề “Ngân hàng thời đại số: Đổi mới mô hình và tái cấu trúc nhân lực”.

Em Đỗ Nguyên Thông, lớp 11A1, Trường Quốc tế Việt Nam - THPT IVS, bày tỏ ước mơ trở thành nhân viên ngân hàng có chuyên môn sâu về công nghệ thông tin - Ảnh: Thành Luân
Diễn đàn quy tụ nhiều chuyên gia, nhà khoa học, cùng thầy cô và các em học sinh Trường Quốc tế Việt Nam - THPT IVS.
Trong giờ nghỉ giải lao, học sinh Đỗ Nguyên Thông, lớp 11A1, Trường Quốc tế Việt Nam - THPT IVS hào hứng chia sẻ: "Trong các bài tham luận, em thích nhất bài chia sẻ của PGS-TS Phạm Thị Hoàng Anh - Phó giám đốc Học viện Ngân hàng. Cô cho biết trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ hiện nay, ngành ngân hàng thiếu nhân lực có chuyên môn sâu về công nghệ thông tin, kết hợp giữa kiến thức tài chính và năng lực công nghệ.
Ai không thích nghi, không biết sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI), blockchain... sẽ mất việc, nhưng cũng có nhiều công việc, vị trí mới được tạo ra. Đây chính là cơ hội cho chúng em phát triển bản thân".
Nhìn nhận mình thuộc thế hệ trẻ, tiếp cận công nghệ nhanh, không cần đào tạo lại như thế hệ đi trước, Thông không hề cảm thấy lo lắng, áp lực, mà chỉ có sự thích thú.
"Cháu học khối tự nhiên A01 gồm 3 môn Toán, Lý, Anh. Từ khi học cấp 2, cháu đã muốn trở thành sinh viên trường đại học khối kinh tế như Học viện Ngân hàng. Được làm việc trong ngành ngân hàng là ước mơ của cháu.
Cháu mới chỉ biết một chút về AI, nhưng cũng đã có thể dùng để dịch bài, tóm tắt bài giảng, ghi chép lại một cách hệ thống, mở rộng kiến thức từ tài liệu nước ngoài. AI giúp cháu thiết lập thời gian biểu học tập phù hợp hơn, giảm khối lượng công việc; AI cũng giúp cháu giải đáp thắc mắc khó hiểu. Nhờ đó, năm lớp 11 vừa qua, cháu đạt danh hiệu học sinh xuất sắc", Thông tự tin bày tỏ.

Học sinh Nông Thị Thương Thương - lớp 10A3 Trường Quốc tế Việt Nam - THPT IVS muốn thông qua công nghệ, quảng bá Vovinam trên đấu trường quốc tế - Ảnh: Thành Luân
Không học giỏi như Thông, em Nông Thị Thương Thương (lớp 10A3, người dân tộc Tày ở Cao Bằng) cho biết công nghệ giúp em nhiều trong việc tìm hiểu sâu môn võ Vovinam.
Thương bộc bạch, trước đây, em đam mê võ thuật và có 7 năm học võ, giành được 3 HCV giải Vovinam trẻ quốc gia, nhưng khi cường độ tập cao quá, em bị chấn thương nhiều và không thể tiếp tục theo nghiệp võ.
"Bây giờ, cháu chỉ có thể học võ ở trường kết hợp học văn hóa. Với sự phát triển của khoa học công nghệ, cháu dễ dàng tìm được những bài tập Vovinam của các anh chị đi trước để tập theo. Động tác nào chưa biết, cháu có thể lên mạng xem cách hướng dẫn, học hỏi.
Với AI, cháu mới chỉ biết sơ sơ, nhưng chắc chắn sẽ trau dồi, hỏi công nghệ nhiều hơn để sau này có thể trở thành một HLV Vovinam, quảng bá võ thuật Việt Nam trên trường quốc tế", Nông Thị Thương Thương thể hiện quyết tâm.

Thầy giáo Phạm Thành Luân nhìn nhận tầm quan trọng của sự học hỏi, trau dồi khoa học công nghệ, áp dụng vào giáo án giáo dục thể chất - Ảnh: Nguyên Thông
Rất mừng khi các học sinh của mình tự tin trả lời phỏng vấn bên lề một diễn đàn quy tụ, tập hợp ý kiến của những chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành, thầy giáo Phạm Thành Luân - Giáo viên thể chất Trường Quốc tế Việt Nam - THPT IVS nhìn nhận:
"Tôi tốt nghiệp khoa Bóng đá Trường đại học TDTT Bắc Ninh và công tác tại Trường Quốc tế Việt Nam - THPT IVS được 10 năm. Thú thực, trước đây tôi chưa quan tâm đến việc trau dồi công nghệ. Thời gian qua, tôi nghe các đồng nghiệp nói nhiều đến trí tuệ nhân tạo (AI) nhưng tôi vẫn chưa hiểu AI vận hành ra sao mà có thể thay thế nhiều công việc của con người trong tương lai. Đến diễn đàn hôm nay, tôi mới thấy rõ khoa học công nghệ đang phát triển vô cùng mạnh mẽ, ảnh hưởng tới mọi mặt của cuộc sống và sắp xếp lại nhiều ngành nghề, công việc".
Thầy Luân khẳng định, sau Diễn đàn “Nhân lực ngành ngân hàng trước làn sóng công nghệ” với chủ đề “Ngân hàng thời đại số: Đổi mới mô hình và tái cấu trúc nhân lực” do Tạp chí Một Thế Giới phối hợp cùng Thời báo Ngân hàng tổ chức, anh sẽ tập trung học hỏi, trau dồi kiến thức công nghệ.
"Tôi sẽ nhờ AI để có những bài tập đa dạng và thú vị hơn, giúp các học trò cải thiện thể chất một cách hiệu quả hơn, qua đó học văn hóa tốt hơn, thích ứng với thời đại công nghệ số".
Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/hoc-cap-2-con-da-uoc-mo-lam-viec-trong-ngan-hang-234999.html