Học để sống, để vui vẻ chứ học để chết thì học làm gì!

Doanh nhân Bạch Ngọc Chiến nêu quan điểm: 'Lâu nay chúng ta cổ súy cho học chăm, học gạo, học lấy thành tích, lấy danh nên hậu quả như tự tử mới chỉ là phần nổi của tảng băng thôi'.

Trong những ngày qua, câu chuyện có nên tạo áp lực học tập quá lớn cho con trẻ đã trở thành chủ đề tranh luận của nhiều bậc phụ huynh học sinh.

Không chỉ sau sự việc nam sinh trường Chuyên Hà Nội - Amsterdam tự vẫn thì chủ đề này mới được đưa ra tranh luận mà nhiều năm nay đây vẫn luôn là chủ đề nóng.

Nhiều ý kiến cho thấy, việc học tập hướng theo tiêu chí thi cử, đạt giải đã trở nên lỗi thời, không còn phù hợp và chờ đợi một sự cải cách tổng thể trong việc dạy và học hiện nay ở các nhà trường phổ thông.

Ông Bạch Ngọc Chiến nếu quan điểm: "Học để sống, để vui vẻ chứ học để chết thì học làm gì!".

Trên nhiều diễn đàn, không ít những cá nhân đã chia sẻ quan điểm của mình trong đó có ông Bạch Ngọc Chiến một người từng kinh qua các vị trí công chức Bộ Ngoại giao, tùy viên báo chí của Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ; phó vụ trưởng Vụ Chính sách đối ngoại, Bộ Ngoại giao; Phó chủ tịch UBND tỉnh Nam Định; Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam.

Trong bài viết, ông kể về con đường học tập của ông và con cái ông, từ đó rút ra kết luận: “Học để sống, để vui vẻ, học để chết thì học làm gì”.

Theo ông Bạch Ngọc Chiến, năm 1988 ông thi trượt đại học. Được an ủi thì ít, bị cha mẹ chì chiết thì nhiều. Quyết chí học lại “lớp 13” để vào bằng được đại học cho hả sĩ diện".

“Hôm bố mẹ tôi đi hỏi điểm thi về đến cổng, tôi và em trai ngồi trên trần nhà hỏi xuống “kết quả thi của con thế nào?”, ông Chiến kể.

"Bố tôi bảo “trượt vỏ chuối rồi”, tôi nói “Bố nói thật đi không thì con nhảy từ trên này xuống đấy”. Bố tôi biết là tôi không nói đùa. Năm học thi lại là năm tồi tệ nhất trong đời tôi vì chịu nhiều áp lực. Nếu trượt đại học lần nữa, chắc quẫn trí và …” – ông Bạch Ngọc Chiến hồi tưởng lại.

Theo ông Chiến, khi đậu đại học thì ông được khen, khao, thưởng. Thật là thỏa sĩ diện cho cá nhân và gia đình.

“5 năm học đại học xong, tấm bằng bỏ xó vì kiến thức đã học chả dùng được. Chủ yếu là để khẳng định “đã có bằng đại học”.

Những gì giúp tôi làm được việc cho đến nay lại toàn là tự học và học khi cần bổ sung kiến thức để đáp ứng yêu cầu công việc” – ông Chiến chia sẻ.

Ông Chiến còn tâm sự rằng, ông có hai con sinh đôi. Khi xin học cho con, ông luôn xin hai cháu học hai lớp khác nhau và giải thích với các cô giáo là “tôi muốn các con tôi có nhiều bạn”.

Năm 2013 hai con gái ông thi đỗ một trường chuyên nức tiếng của Hà Nội nhưng chỉ sau một thời gian các cháu xin bỏ trường này vì áp lực học ở đây quá cao và các bạn học thì rất hiếu thắng “được 9 điểm mà vẫn khóc đòi phải được 10”.

Ông Chiến đã chuyển các cháu sang trường khác. “Như bao nhiêu người khác, tôi muốn con tôi học giỏi, điểm cao, săn được học bổng vào các trường danh tiếng.

Tuy nhiên, tôi tiếp nhận và chấp nhận những gì mà con tôi làm được và không làm được. Có lẽ điều nhà tôi làm được cho các con là tạo điều kiện để các cháu có thời gian vui vẻ khi đi học.

"May mắn là các cháu tự giác, tự học và có những môn học các cháu thực sự say mê thì học rất tốt" – ông Chiến tâm sự.

Theo ông Bạch Ngọc Chiến, khi ở phận làm con ông ghét những cái gì thì khi làm bố ông đã cố tránh cho con những cái đó.

“Lâu nay chúng ta cổ súy cho học chăm, học gạo, học lấy thành tích, lấy danh nên hậu quả như tự tử mới chỉ là phần nổi của tảng băng thôi.

Học để sống, để vui vẻ, học để chết thì học làm gì”- ông Chiến nhấn mạnh.

Trinh Phúc

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/hoc-de-song-de-vui-ve-chu-hoc-de-chet-thi-hoc-lam-gi-post188428.html