Học đến đâu, thực hành đến đó
Thay đổi thói quen canh tác, nâng cao sự hiểu biết của nông dân về sử dụng tôm giống, bảo vệ môi trường sinh thái trong lĩnh vực nuôi tôm mang lại hiệu quả kinh tế cao, chính là mục tiêu quan trọng mà lớp tập huấn chuyên sâu về nuôi tôm quảng canh 2 giai đoạn hướng đến. Kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, lớp học đã mở ra cho bà con nông dân một góc nhìn mới, đồng thời thấy được tầm quan trọng của việc áp dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong sản xuất.
Lớp tập huấn do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp cùng Trường Cao đẳng Cộng đồng (CÐCÐ) Cà Mau (đơn vị trực tiếp giảng dạy và chuyển giao kỹ thuật) tổ chức, được triển khai tại huyện Thới Bình và TP Cà Mau.
Tại huyện Thới Bình, Ấp 6, xã Trí Phải, là địa phương được chọn để mở lớp, có 30 học viên tham gia. Ở phần lý thuyết, các học viên được trao đổi, thảo luận kết hợp từ kinh nghiệm thực tế. Phần thực hành sẽ có 1 mô hình chính và 4 mô hình phụ để làm mô hình thực nghiệm. Các mô hình thực nghiệm sẽ được hỗ trợ con giống, vật tư kỹ thuật như dụng cụ test độ kiềm, độ pH, các loại men vi sinh, thuốc tạo màu nước ao nuôi, thức ăn (từ nguồn kinh phí của chương trình mục tiêu quốc gia) để bà con thực hành ngay tại vuông, áp dụng theo các quy trình đã giảng dạy.
Thạc sĩ Huỳnh Hiếu Lộc, giảng viên Trường CÐCÐ Cà Mau, cho biết: “Trước đây bà con có thói quen thả tôm giống nối, thả chồng vào vuông, hiệu quả và năng suất không cao. Lớp tập huấn hướng dẫn bà con quy trình từ khâu cải tạo ao cho đến khi thu hoạch, áp dụng khoa học công nghệ để con tôm thích nghi với biến đổi khí hậu và tình hình thực tế. Cụ thể, ở giai đoạn đầu sẽ thả con giống chia theo ô dèo để cải tạo con tôm cho tốt, sau đó mới thả tôm nuôi trong vuông, giúp tăng khả năng sống trong môi trường lớn”.
Vuông thực nghiệm được áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật, các học viên tham gia lớp tập huấn được hướng dẫn cụ thể từng quy trình. Vận dụng lý thuyết đưa vào thực hành, bà con nông dân có thể theo sát quá trình sinh trưởng của con tôm, từ đó rút ra kinh nghiệm cho những vụ mùa sau.
Là một trong những hộ dân được chọn thực hành mô hình chính cho lớp tập huấn lần này, anh Nguyễn Hoàng Giang (Ấp 6, xã Trí Phải) chia sẻ: “Sau khi được tập huấn kiến thức, tôi nhận thấy, so với hình thức dèo cũ thì thả giống theo hình thức mới này giúp con tôm phát triển mạnh. Khi mang con giống về, tôi được giáo viên hướng dẫn dèo vào ô nhỏ, sau đó múc nước ngoài vuông để thuần con giống trong một thời gian, cách làm này sẽ giúp con tôm thích nghi với độ mặn khi thả ra vuông lớn”.
“Dù là lần đầu tiên tôi tham gia lớp học, nhưng sau khi được hướng dẫn tận tình thì tôi đã biết được cách sử dụng các loại phân, thuốc đúng liều lượng, theo định kỳ. Khi mình nuôi tuân thủ đúng kỹ thuật, sẽ theo dõi được sát sao thời gian sinh trưởng của con tôm, từ đó kịp thời phát hiện, phòng ngừa được các loại bệnh trên tôm. Ngoài ra, khi tham gia lớp học, tôi còn được hỗ trợ 4 ngàn con giống và được chọn làm mô hình phụ để làm mẫu cho các hộ khác tham khảo”, ông Nguyễn Văn Lùng, Ấp 6, xã Trí Phải, đúc kết.
Ðược biết, trước đây địa phương đã có mở các lớp tập huấn, nhưng thời gian chỉ giới hạn khoảng 1-2 buổi, người dân đến học không nhiều. Riêng với lớp tập huấn này, thời gian học dài và lượng kiến thức được giảng dạy cụ thể, chi tiết và đi sâu, đã tạo được sự tập trung, theo dõi của bà con. Bằng phương pháp “cầm tay chỉ việc”, học đến đâu thực hành đến đó nên người dân dễ hiểu, dễ nhớ.
Ông Ðàm Minh Dương, Trưởng ấp 6, xã Trí Phải, phấn khởi: “Có được lớp học như thế này, bà con mừng và hưởng ứng nhiệt tình lắm. Những kiến thức về kỹ thuật xử lý nguồn nước, môi trường được bà con áp dụng, đến nay đã thấy được hiệu quả, màu nước đảm bảo để con tôm phát triển. Chúng tôi mong muốn những lớp học hữu ích như thế này sẽ được nhân rộng, đồng thời sẽ tập hợp những người nuôi đã được phổ cập kiến thức nuôi tôm tại ấp thành lập tổ hợp tác hoặc hợp tác xã để phát triển kinh tế tập thể tại địa phương”.
Thạc sĩ Huỳnh Hiếu Lộc thông tin: “Lớp học mở ra cho bà con có nhu cầu, có đất canh tác và ưu tiên cho hộ nghèo và hộ gia đình chính sách. Không chỉ riêng các mô hình chính, mô hình phụ, mỗi người dân tham gia lớp học đều được hỗ trợ con giống để thực hành. Cụ thể, đối tượng lao động nông thôn được hỗ trợ 2 ngàn con giống, riêng đối tượng gia đình chính sách được hỗ trợ 6 ngàn con giống. Trước đây, năng suất thu hoạch của bà con tại nơi này đạt tầm 300-400 kg/ha, sau khi áp dụng hình thức này, chúng tôi đặt mục tiêu tăng năng suất 500-700 kg/ha”.
Việc triển khai các lớp tập huấn theo phương pháp thực hành trực tiếp được nhiều nông dân tham dự lớp học đánh giá cao vì người học được hướng dẫn và mang kiến thức ấy áp dụng ngay vào thực tế sản xuất. Trước sự tác động của biến đổi khí hậu, việc nâng cao kiến thức, thay đổi tư duy trong sản xuất nông nghiệp là điều cần thiết vì mục tiêu nâng cao chất lượng sản xuất, hướng đến những vụ mùa bội thu./.
Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/hoc-den-dau-thuc-hanh-den-do-a35839.html