Học giả Australia: G20 nên ngừng 'tái chế' chương trình nghị sự của G7

Tác giả Adam Triggs* trong bài viết trên trang East Asia Forum cho rằng, nhóm G20 cần hành động nhiều hơn hướng tới các nước đang phát triển, thay vì 'tái chế' chương trình nghị sự của G7.

Hội nghị thượng đỉnh G20 sẽ được tổ chức tại Italy vào cuối tháng 10. (Nguồn: Getty Images)

Hội nghị thượng đỉnh G20 sẽ được tổ chức tại Italy vào cuối tháng 10. (Nguồn: Getty Images)

Nền kinh tế thế giới đang phục hồi ở hai cấp độ. Trong khi các quốc gia giàu có đang tăng trưởng “quá nóng”, các nước đang phát triển lại tỏ ra trì trệ.

Do những tổn thương để lại, cả hai cấp độ này sẽ sớm nảy sinh các vấn đề rắc rối cho nhau, tạo ra một vòng lặp nguy hiểm.

Vấn đề cấp bách

Việc giải quyết nền kinh tế toàn cầu ở hai cấp độ này nên là ưu tiên hàng đầu của các nhà lãnh đạo Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) khi tham dự hội nghị thượng đỉnh tại Italy vào ngày 30/10 tới.

Tuy nhiên, những dấu hiệu ban đầu không cho thấy như vậy. Chương trình nghị sự của G20 đang quá tập trung vào các vấn đề của các nước giàu có.

Nếu muốn hành động một cách hợp lý, G20 cần ngừng “tái chế” chương trình nghị sự của G7 để giải quyết những thách thức mà các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á và thế giới đang phải đối mặt trước khi quá muộn.

Các dự báo mới nhất của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho thấy sự phục hồi kinh tế hậu đại dịch Covid-19 sẽ bị chia rẽ như thế nào. Các quốc gia giàu có dự kiến sẽ đạt mức sản lượng như thời kỳ trước dịch bệnh vào năm 2024, trong khi các nước nghèo chỉ đạt mức thấp hơn 5,5% so với trước đại dịch.

Những dự báo này là rõ ràng, nhưng không đáng ngạc nhiên.

Các hệ thống chăm sóc y tế yếu kém, mạng lưới an sinh xã hội lỏng lẻo và không gian chính sách tài khóa và tiền tệ hạn chế đồng nghĩa với việc dịch Covid-19 sẽ luôn tàn phá các nước đang phát triển.

Thế giới giàu có đã hành động quá ít để cải thiện tình trạng này.

Hầu hết các biện pháp hỗ trợ tài chính trên thế giới chỉ đổ về các nước giàu có khác, còn biện pháp giãn nợ với các nước đang phát triển chỉ “như muối bỏ biển”.

Trong khi đó, các nước cũng không rút ra bài học nào. Việc triển khai vaccine ở một số nước đang phát triển rất “ảm đạm”.

Gần 60% dân số ở các nền kinh tế phát triển đã được tiêm chủng đầy đủ, và nhiều người đang được tiêm các mũi tăng cường. Còn ở các nước nghèo, hơn 95% người dân vẫn chưa được tiêm chủng.

Các quốc gia giàu có sẽ sớm đẩy bất ổn tài chính sang các nước đang phát triển.

Nhiều ngân hàng trung ương giàu có trên thế giới đang bắt đầu rút lại các chương trình nới lỏng định lượng và tăng lãi suất. Nếu áp lực lạm phát vẫn tiếp tục, nhiều chương trình như vậy sẽ xảy ra.

Điều này có nguy cơ gây ra một “sự phẫn nộ của thị trường” khác. Việc chấm dứt lãi suất thấp vào năm 2013 đã chứng kiến nguồn vốn tài chính tuôn chảy mạnh mẽ ra khỏi các nền kinh tế mới nổi.

Giá tài sản giảm và đầu tư cũng giảm mạnh. Khi tỷ giá hối đoái giảm, các khoản nợ gốc ngoại tệ tăng vọt sẽ tạo ra một vòng xoáy suy giảm nghiêm trọng.

Các lỗ hổng tài chính ở các nước đang phát triển của châu Á hiện nay không lớn, nhưng vẫn đang tồn tại.

Nợ nước ngoài tính theo phần trăm dự trữ ngoại hối ở các nước đang phát triển thấp hơn năm 2013, nhưng vẫn cao hơn gấp đôi so với những năm 2000.

Các quốc gia giàu có sẽ không gặp vấn đề về xuất khẩu. Các nước đang phát triển càng trì hoãn tiêm chủng, thì càng có nhiều khả năng xuất hiện các biến thể mới của Covid-19.

Điều này không chỉ cản trở nguồn tăng trưởng kinh tế chính của thế giới, mà còn có khả năng làm lây lan các biến thể Covid-19 mới đến các nước giàu có và làm suy yếu sự phục hồi kinh tế mong manh của các nước này.

Các nước đang phát triển là ưu tiên

Gạt sang một bên những lời tuyên bố hùng hồn không đi kèm các cam kết, các hành động thiết thực trong chương trình nghị sự của G20 năm nay cần tập trung vào thuế suất doanh nghiệp quốc tế, tránh thuế đa quốc gia, chuyển đổi kỹ thuật số, biến đổi khí hậu và cơ sở hạ tầng.

Đây đều là những vấn đề quan trọng và phù hợp với các nước đang phát triển ở châu Á. Tuy nhiên, đây hầu như không phải là ưu tiên hàng đầu.

Việc tăng tỷ lệ tiêm chủng theo cấp số nhân, thúc đẩy không gian tài chính và hỗ trợ hệ thống y tế sẽ giúp các quốc gia này đứng vững trở lại.

G20 đã không bỏ qua những vấn đề này, nhưng các cam kết cung cấp vaccine vẫn chưa được thực hiện, trong khi các cam kết giãn nợ chỉ giúp các nước trì hoãn trả một khoản nợ nhỏ trị giá 4,6 tỷ USD.

Thêm vào đó, khoản hỗ trợ tiềm năng 44 tỷ USD từ các tổ chức tài chính quốc tế chỉ là “muối bỏ biển” trong một thế giới mà các chính phủ, tập đoàn và hộ gia đình chỉ riêng trong năm 2020 đã tích lũy khoản nợ mới trị giá 27.000 tỷ USD.

G20 cần chuyển các ưu tiên cho các nước đang phát triển. Indonesia sẽ là Chủ tịch G20 vào năm 2022, tiếp theo là Ấn Độ và Brazil. Các ưu tiên của các nước đang phát triển sẽ thay đổi chương trình nghị sự sau đó.

Tuy nhiên, việc hỗ trợ tiêm chủng lúc này là thực sự cần thiết. Điều này có nghĩa là cần có các cam kết đầy tham vọng, các mốc thời gian rõ ràng và các biện pháp quan trọng, không chỉ tập trung vào vấn đề vaccine mà còn cả hậu cần cần thiết để tiến hành tiêm chủng.

G20 nên hỗ trợ không gian tài chính và chi tiêu y tế cho các nước đang phát triển bằng cách củng cố sự ổn định tài chính và nên sửa đổi chương trình giãn nợ để xóa bỏ kỳ thị về quyền tiếp cận.

Đồng thời, nhóm này nên cải thiện khả năng tiếp cận hỗ trợ tài chính thông qua các cơ sở mà các nước đang phát triển đang sử dụng - hạn mức hoán đổi tiền tệ và hạn mức tín dụng thông qua các ngân hàng phát triển và giảm điều kiện của các cơ sở này.

Nền kinh tế toàn cầu hai cấp độ càng không được kiểm soát, thì các vấn đề phát sinh từ đó sẽ càng trở nên nghiêm trọng. Các vấn đề nêu trên sẽ là hành động tốt nhất của G20 hiện nay.

* Adam Triggs là Giám đốc của tổ chức Accenture Strategy. Ông là giảng viên thỉnh giảng tại Trường Chính sách Công Crawford tại Đại học Quốc gia Australia và là thành viên Viện Brookings ở Washington D.C.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/hoc-gia-australia-g20-nen-ngung-tai-che-chuong-trinh-nghi-su-cua-g7-162840.html