Học Kiến trúc hay Thiết kế nội thất để không lạc hướng sau khi ra trường?
Cùng thuộc lĩnh vực xây dựng, sáng tạo nhưng công trình, tuy nhiên 2 ngành này lại đòi hỏi những yêu cầu khác biệt mà thí sinh cần lưu ý trước khi chọn theo học.
Trong bối cảnh phát triển, mở rộng đô thị và nhu cầu nâng cao chất lượng không gian sống ngày càng tăng, 2 ngành Kiến trúc và Thiết kế nội thất đang trở thành lựa chọn thu hút đông đảo thí sinh mỗi mùa tuyển sinh đại học.
Theo báo cáo của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động Tp.HCM, nhóm ngành về kiến trúc, xây dựng, nội thất nằm trong top 10 nhóm ngành có nhu cầu tuyển dụng cao từ nay đến năm 2030, với tỉ lệ tăng trưởng hàng năm khoảng 10-15%.
Đáp ứng yêu cầu mới, hiện nay có rất nhiều trường đại học, học viện đã và đang đào tạo ngành Kiến trúc và Thiết kế nội thất, nổi bật như: Đại học Kiến trúc Hà Nội, Đại học Kiến trúc Tp.HCM, Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, Đại học Bách khoa (ĐHQG TP.HCM), Đại học Công nghệ Tp.HCM, Đại học Văn Lang, Đại học FPT.... Mỗi trường có thế mạnh riêng về chương trình đào tạo, định hướng ứng dụng hoặc học thuật, mở ra nhiều lựa chọn cho thí sinh tùy theo năng lực và nguyện vọng cá nhân.
Tuy nhiên, đi kèm với sự hấp dẫn về nhu cầu nhân lực và mức thu nhập đáng mơ ước, 2 ngành học này cũng đòi hỏi sinh viên phải có tư duy thẩm mỹ tốt, khả năng sáng tạo không ngừng.
Với nhiều năm kinh nghiệm làm nghề và giữ vai trò Phó Giám đốc Công ty TNHH Kiến trúc Lavia Concept Việt Nam, Kiến trúc sư Trịnh Đình Quyền đã có những chia sẻ thiết thực dành cho thí sinh đang quan tâm đến 2 ngành học này.

Ngành Kiến trúc, Thiết kế nội thất đòi hỏi sinh viên có tư duy thẩm mỹ tốt, khả năng sáng tạo không ngừng.
Theo ông Trịnh Đình Quyền, ngành Kiến trúc tập trung vào thiết kế tổng thể và kết cấu của công trình, từ móng, mái, tường, cửa sổ đến hệ thống thông gió, ánh sáng tự nhiên… Mục tiêu chính là đảm bảo công năng sử dụng, tính pháp lý, độ an toàn và thẩm mỹ tổng thể của công trình. Điều này đòi hỏi người học cần trang bị kiến thức vững chắc về kỹ thuật, quy chuẩn xây dựng, vật liệu và có khả năng sáng tạo.
"Ngành Kiến trúc yêu cầu học 5 năm. Sau khi tốt nghiệp, muốn trở thành kiến trúc sư, các bạn phải thi và đạt chứng chỉ hành nghề" ông Quyền cho biết.
Nếu Kiến trúc chú trọng phần "xương sống" của công trình thì Thiết kế nội thất lại hướng đến việc tạo dựng không gian sống thẩm mỹ, tiện nghi và phản ánh phong cách cá nhân của người sử dụng. Người học cần làm quen với việc phối hợp màu sắc, ánh sáng nhân tạo, chất liệu, đồ đạc và các yếu tố trang trí.
Cũng theo ông Quyền, ngành Thiết kế nội thất thường chia thành hai hướng công việc chính: một là thiết kế ý tưởng và triển khai kỹ thuật; Thứ hai giám sát thi công, quản lý sản xuất nội thất tại xưởng. Trong khi đó, sinh viên ngành Kiến trúc có thể đảm nhận nhiều vị trí hơn như thiết kế sáng tạo, kỹ thuật triển khai, kỹ sư hiện trường...
"Người học ngành Kiến trúc có thể lấn sân sang thiết kế nội thất khá thuận lợi, nhưng chiều ngược lại thì rất khó nếu không được đào tạo bài bản về kiến trúc và xây dựng," ông Quyền lưu ý.

Chỉ còn hơn 1 tháng nữa kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 sẽ chính thức diễn ra (Ảnh: Hữu Thắng).
KTS Trịnh Đình Quyền nhấn mạnh, để theo đuổi được lâu dài 2 ngành này, sinh viên cần hội tụ đủ 3 yếu tố: đam mê, kỹ năng và khả năng sáng tạo.
"Nghề thiết kế đòi hỏi óc thẩm mỹ cao, con mắt của người nghệ sĩ. Nếu theo hướng sáng tạo, bạn cần luôn làm mới bản thân, cập nhật xu hướng, hiểu thị hiếu khách hàng. Nhưng nếu chọn mảng kỹ thuật hoặc thi công, các em cần tỉ mỉ, chính xác, kiên trì và có khả năng điều phối công việc hiệu quả tại công trường" ông Quyền chia sẻ.
Trong bối cảnh thị trường cạnh tranh gay gắt, đòi hỏi sinh viên phải cập nhật kiến thức và kỹ năng sáng tạo, không rất dễ có thể bị đào thải bởi lớp trẻ sáng tạo hơn.
Theo ông Quyền, trong khoảng 5-6 năm trở lại đây, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của thị trường bất động sản và nhu cầu nhà ở, hàng loạt công ty kiến trúc, nội thất tư nhân đã ra đời, mở ra cơ hội nghề nghiệp đáng kể cho sinh viên mới ra trường.
"Nếu các bạn sinh viên đã có trải nghiệm thực tập từ khi còn đi học, có kỹ năng và thể hiện được năng lực, mức lương khởi điểm cứng có thể từ 9 - 13 triệu đồng/tháng. Nếu hoàn thành tốt KPI, cộng thêm các khoản thưởng, thu nhập có thể lên đến 15 – 20 triệu đồng/tháng" ông Quyền cho hay.
Lời khuyên cuối cùng dành cho thí sinh hãy tìm hiểu thật kỹ về đặc điểm từng ngành, nhận diện năng lực và thế mạnh cá nhân trước khi đưa ra quyết định. Kiến trúc và Thiết kế nội thất đều là những ngành mang lại nhiều cơ hội phát triển, nhưng cũng không thiếu thử thách, chỉ những ai có đủ đam mê, sự kiên trì và tinh thần học hỏi mới có thể tiến xa trong nghề.

Thí sinh cần tìm hiểu kỹ chương trình đào tạo ngành Kiến trúc.
Chia sẻ kỹ hơn về chương trình đào tạo 2 ngành học trên, trao đổi với Người Đưa Tin đại diện Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội cho biết: "Ngành Kiến trúc với có tổng cộng gồm 165 tín chỉ, học trong vòng 5 năm, sinh viên sau khi tốt nghiệp được cấp bằng cử nhân Kiến trúc sư. Trong khi Chương trình đào tạo của ngành Thiết kế nội thất đào tạo 4,5 năm, với 137 tín chỉ".
Ngành Kiến trúc các em sẽ được học thiết kế tổng thể công trình, lên ý tưởng, lập mặt bằng, thiết kế cấu trúc, không gian, chi tiết kiến trúc, lựa chọn vật liệu đảm bảo công năng sử dụng và thẩm mỹ tổng thể của tòa nhà hoặc công trình.
"Kiến trúc sư được đào tạo các kiến thức tổng hợp về lịch sử, vật lý, vật liệu, kết cấu, công nghệ, mỹ học… Còn cử nhân Thiết kế nội thất tổ chức và trang trí không gian bên trong một công trình đã được xây dựng. Lựa chọn màu sắc, ánh sáng, vật liệu nội thất, đồ đạc và các chi tiết trang trí để tạo ra một môi trường thẩm mỹ có phong cách riêng, đáp ứng nhu cầu của người sử dụng", vị đại diện thông tin.
Tại Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, Chương trình đào tạo ngành Kiến trúc cũng có những học phần về nội thất, giúp cho thiết kế công trình có định hướng về những không gian thuận lợi để trang trí sắp đặt nội thất.
Ngược lại sinh viên học ngành Thiết kế nội thất cũng được học một số kiến thức về kiến trúc công trình nên tư duy về không gian nội thất sẽ tốt hơn nhiều nếu chỉ được học đơn thuần về mỹ thuật và trang trí. Đối với thông tin tuyển sinh, với khối ngành kỹ thuật học sinh nên tập trung ôn tập và lựa chọn tổ hợp cốt lõi A00 (Toán, Lý, Hóa).
Đại diện nhà trường cho biết: "Thí sinh khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào các ngành học của Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội có một lưu ý duy nhất là nhà trường xét tuyển theo ngành đơn và một số nhóm ngành.
Thí sinh đăng ký xét tuyển ngành nào trong nhóm ngành thì ngoài đăng ký nguyện vọng là mã xét tuyển của nhóm ngành trên hệ thống của Bộ GD&ĐT còn cần nộp phiếu đăng ký với nhà trường ghi rõ thứ tự ưu tiên ngành trong nhóm. Đặc biệt khi thí sinh không trúng tuyển ngành mình ưu tiên thì vẫn được xét tiếp vào các ngành tiếp theo trong nhóm đó".