Không để mùa hè của trẻ bó hẹp trong bốn bức tường
Khi không gian công cộng bị thu hẹp, sân chơi dành cho trẻ em ngày càng trở nên hạn chế, thì việc đa dạng các hoạt động hè là hướng đi cần sự chung tay của gia đình, nhà trường và cộng đồng.

Hoạt động trải nghiệm tại Trường Mầm non phường Trường Sơn (TP Sầm Sơn).
Hè 2025 nhiều địa phương trong tỉnh đã xây dựng kế hoạch tổ chức các hình thức sinh hoạt hè cho trẻ, vừa giúp các em thư giãn sau một năm học, vừa tạo điều kiện phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần và nâng cao kỹ năng sống.
Tại TP Thanh Hóa, Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch đã mở trên 10 lớp năng khiếu dành cho thiếu nhi như võ thuật, bơi lội, bóng đá, mỹ thuật, đàn organ, cờ, cầu lông... Điều đáng ghi nhận là các lớp đều có huấn luyện viên, giáo viên chuyên môn, được tổ chức bài bản và truyền thông rộng rãi để phụ huynh chủ động đăng ký.
Anh Nguyễn Duy Hưng ở phường Đông Vệ (TP Thanh Hóa) cho biết: “Con tôi nhút nhát, ít giao tiếp, nhưng từ khi tham gia lớp vẽ, cháu trở nên tự tin hơn, lại rèn được tính kiên nhẫn. Còn lớp võ giúp cháu vận động, nâng cao thể lực".
Đặc biệt, một điểm nhấn trong chuỗi hoạt động hè năm nay là chương trình “Học kỳ trong quân đội” do Tỉnh đoàn Thanh Hóa phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tổ chức. Dự kiến chương trình triển khai 2 đợt vào tháng 6, mỗi đợt kéo dài 10 ngày, dành cho các em từ 9 đến 17 tuổi. Trong môi trường rèn luyện nghiêm túc, các em sẽ được huấn luyện kỹ năng sống, kỹ năng tự vệ, sinh hoạt theo giờ giấc quân đội và học cách tự lập, biết sẻ chia.
Chị Nguyễn Thị Hạnh ở phường Trường Thi (TP Thanh Hóa) chia sẻ: “Tôi muốn con được rèn tính kỷ luật và trưởng thành hơn. Học kỳ quân đội là môi trường lý tưởng để cháu học kỹ năng sống ngoài sách vở”.
Không chỉ ở thành phố, tại các trường tiểu học như Yên Khương, Tam Văn (Lang Chánh) đã tổ chức ngày hội đọc sách với chủ đề “Việt Nam - Tổ quốc của chúng em”, trong đó học sinh được thi trang trí không gian văn hóa đọc, thuyết trình theo chủ đề và đọc sách ngoài trời. Đây là mô hình tích hợp giáo dục kỹ năng, nâng cao tinh thần học hỏi và phát triển văn hóa đọc, đồng thời mở ra không gian sáng tạo giữa núi rừng yên bình.
Bên cạnh đó, các điểm vui chơi trải nghiệm gắn với thiên nhiên và văn hóa truyền thống cũng ngày càng được ưa chuộng. Tại Anh Phát Resort (thị xã Nghi Sơn) trẻ em có thể tham gia các trò chơi như trượt cỏ, đua xe gokart, chèo thuyền kayak... trong một không gian xanh rộng hơn 280ha. Tại làng du lịch Yên Trung (Yên Định), trẻ được khám phá mô hình nông nghiệp công nghệ cao, học cách úp nơm, đánh dậm hay xem phim ngoài trời, là những trải nghiệm ít có ở đô thị... Trong nội thành, mô hình kết hợp thương mại, giáo dục như khu vui chơi Funny Kids (Vincom Thanh Hóa) hay nhà sách Tiến Thọ (TP Thanh Hóa) cũng thu hút đông đảo thanh, thiếu nhi.
Để các hoạt động vui chơi, học hè và trải nghiệm không chỉ dừng lại ở vài mô hình điểm hay phong trào ngắn hạn, rất cần một chiến lược phát triển đồng bộ, dài hơi và có tính bền vững. Thực tế cho thấy, khi được tổ chức bài bản, các hoạt động này không chỉ tạo sân chơi lành mạnh cho trẻ mà còn góp phần quan trọng trong giáo dục kỹ năng sống, định hướng nhân cách cho thế hệ tương lai.
Trước tiên, việc xã hội hóa đầu tư cần được coi là giải pháp then chốt. Trong bối cảnh ngân sách công có hạn, không thể bao cấp toàn bộ hệ thống vui chơi thiếu nhi, thì sự tham gia của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sẽ tạo thêm nguồn lực và sự linh hoạt trong phát triển. Nhà nước nên đóng vai trò định hướng, ban hành cơ chế, hỗ trợ thủ tục về đất đai, thuế... để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng khu vui chơi, sân vận động, trung tâm kỹ năng sống hoặc các khu trải nghiệm thiên nhiên phù hợp với lứa tuổi học sinh. Mô hình như nhà sách tích hợp khu trò chơi, hay các khu nghỉ dưỡng có không gian riêng cho trẻ cần được tổng kết, đánh giá và nhân rộng.
Cùng với đó, cần tận dụng hiệu quả các cơ sở công lập sẵn có, đặc biệt là trường học, nhà văn hóa, trung tâm thể thao. Trong mùa hè, thay vì “đóng cửa nghỉ hè”, các đơn vị này hoàn toàn có thể trở thành không gian mở để tổ chức sinh hoạt hè, lớp năng khiếu, câu lạc bộ kỹ năng... Đây là cách tận dụng nguồn lực hiệu quả mà không cần đầu tư mới quá nhiều, đồng thời gắn kết nhà trường - gia đình - cộng đồng trong việc chăm lo đời sống tinh thần cho trẻ...
Không gian vui chơi không đơn thuần là nơi giúp trẻ em “giải trí”, mà còn là một phần của môi trường giáo dục không chính quy, nơi các em rèn luyện thể chất, phát triển tư duy và học cách giao tiếp xã hội. Trong bối cảnh trẻ ngày càng bị thu hút bởi các thiết bị số, thì những sân chơi thực tế, kết nối cộng đồng càng trở nên cấp thiết. Nhìn từ những mô hình đang triển khai trong tỉnh có thể khẳng định: Khi chính quyền, nhà trường, phụ huynh và cộng đồng cùng chung tay, thì mùa hè sẽ không chỉ là khoảng nghỉ, mà còn là thời gian để trẻ phát triển toàn diện, tự tin bước vào tương lai.