Học môn Lịch sử không chỉ để thi mà còn là để yêu
Bộ GD-ĐT vừa yêu cầu về việc thực hiện môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông với 52 tiết bắt buộc ở mỗi cấp THPT.
Dạy 52 tiết lịch sử bắt buộc: Các trường lúng túng
Sau rất nhiều tranh cãi và phản biện, mới đây Bộ GD-ĐT đã yêu cầu việc biên soạn môn Lịch sử từ môn học lựa chọn theo thiết kế ở cấp THPT chương trình giáo dục phổ thông mới, trở thành môn học vừa có phần bắt buộc, vừa có phần lựa chọn.
Ngoài 52 tiết bắt buộc/năm ở cấp THPT mà tất cả học sinh đều phải học, Lịch sử cũng nằm trong nhóm môn học lựa chọn (với học sinh có mong muốn học thêm) ở cụm môn Khoa học xã hội (gồm Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật). Như vậy thời lượng 52 tiết Lịch sử bắt buộc/năm học không ít hơn bao nhiêu so với chương trình cũ.
Chia sẻ với phóng viên MTG, em Trần Khánh Linh (K54 Trường THPT chuyên Sư phạm Hà Nội) cho biết việc đưa 52 tiết học lịch sử bắt buộc vào mỗi khối của cấp THPT là điều khá khó khăn cho những bạn không thích học sử. "Tuy nhiên em cho rằng việc thích học môn học này hay không chưa hẳn nằm hoàn toàn về phía chúng em mà chính là do các bài giảng của các giáo viên. Ở lớp chúng em, các thầy cô hay thay đổi bài giảng bằng những đoạn chiếu về các bộ phim tư liệu để chúng em tìm hiểu sơ qua về những trận đánh đó sau đó mới có những câu hỏi, còn lại những khám phá hay học hỏi thêm chúng em tự về đọc nếu thấy thích. Các bài giảng sẽ giúp chúng em cảm thấy không bị nhàm chán, thậm chí chúng em còn tạo ra những chủ đề về lịch sử để tranh luận. Chính vì vậy, em cũng mong trong năm học tới các thầy cô có nhiều bài giảng thú vị hơn là đọc những đoạn có sẵn trong sách giáo khoa rồi ra câu hỏi cho chúng em".
Đưa ra ý kiến của mình, Phó hiệu trưởng Trường THCS-THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) bà Văn Liên Na cho biết việc thay đổi chương trình dạy học của môn Lịch sử vào trong khối 10 sắp tới đã được nhà trường xây dựng sẵn thành tổ hợp để các học sinh và phụ huynh lựa chọn cùng với mục tiêu học của mình. Thế nhưng sắp tới các học sinh khối 10 đã bắt đầu bước vào năm học mới, bà Liên Na hy vọng Bộ GD-ĐT và các chuyên gia giáo dục sẽ kịp thời biên soạn được nội dung một cách phù hợp nhất để triển khai đại trà trên cả nước đối với toàn thể học sinh khối THPT.
Đồng thời bà Liên Na cũng cho biết: "Việc Bộ GD-ĐT điều chỉnh môn Lịch sử từ tự chọn sang bắt buộc 52 tiết học, thay vì 70 tiết học như trước đây sẽ khiến nhiều trường bị động trong việc chuẩn bị vì thời gian chuẩn bị cho các trường không nhiều. Đến thời điểm này hầu hết trường đã hoàn thành thủ tục nhập học cho học sinh trúng tuyển vào lớp 10. Khi nhập học, các em đều đăng ký tổ hợp sẽ theo học. Giờ đây, trường phải họp để sắp xếp lại các tổ hợp môn sao cho đúng với quy định trên và học sinh sẽ phải chọn lại các tổ hợp. Đây cũng là một trong những khó khăn cho nhà trường khi sắp xếp lại các bộ môn".
Học Lịch sử không phải chỉ để thi mà còn là để yêu
Theo chương trình giáo dục phổ thông mới, từ lớp 10 học sinh sẽ học các môn bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, Nội dung giáo dục địa phương. Ngoài các môn học bắt buộc, học sinh sẽ lựa chọn 5 môn học từ 3 nhóm cụ thể: Khoa học xã hội, Khoa học tự nhiên, Công nghệ và nghệ thuật.
Đưa ra quan điểm của mình, GS Phạm Tất Dong - Phó chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam rất ủng hộ chủ trương này vì ông cho rằng môn học Lịch sử là môn học cực kỳ quan trọng đối với các học sinh, đặc biệt là những học sinh cấp THPT. Theo ông, mỗi học sinh cần am hiểu không ít thì nhiều về lịch sử nước nhà vì chính lịch sử sẽ giúp các học sinh trưởng thành, hiểu biết nhiều hơn trong tương lai khi tiếp cận với một ngành nghề hay công việc nào đó.
"Nhiều người vẫn cho rằng Toán, Văn, Anh, Lý, Hóa là môn chính, các môn như Sử, Địa chỉ là môn phụ, nhưng trong xã hội hiện đại, bất cứ môn học nào, tri thức nào cũng cần, ở bậc phổ thông thì lại càng cần phát triển toàn diện, học không phải chỉ để thi mà để hiểu rõ về địa điểm, thổ nhưỡng của chính vùng đất, con người nơi mà chính con người đang tiếp xúc".
Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là các học sinh khối THPT sẽ bắt đầu vào năm học mới, các chuyên gia giáo dục cũng sẽ có những chủ trương và hướng dẫn cụ thể về việc chỉnh sửa môn học Lịch sử thành 52 tiết bắt buộc như yêu cầu của Bộ GD-ĐT. Trong đó sẽ có phần chuyên sâu và phần chủ đề một cách rõ rệt nhất để các học sinh thêm yêu môn Lịch sử, muốn tìm hiểu sâu hơn sẽ lựa chọn học thêm và tìm hiểu thêm.
TS Nguyễn Tùng Lâm (Ủy ban Đổi mới giáo dục của chính phủ) cho rằng để chất lượng dạy và học môn Lịch sử được cải thiện nhiều hơn nữa, các thầy cô giáo cần có giải pháp thay đổi về cách kiểm tra đánh giá, tổ chức dạy học ra sao để học sinh dù không xét tuyển đại học bằng môn này vẫn thích học Lịch sử vì những bài giảng của các thầy cô, vì những câu chuyện, vì yêu lịch sử nước nhà chứ không có chuyện không thi sẽ không học.
Các chuyên gia giáo dục cũng cho rằng nếu xây dựng một chương trình cố định với quá nhiều các môn học bắt buộc thì không chỉ gây quá tải với học sinh mà nó còn không phù hợp với sự phát triển hiện nay. Điều đó không còn tạo được hứng thú học tập với học sinh khi các em đã và đang được tiếp xúc với quá nhiều công nghệ hiện đại. Các trường học hay chính thầy cô cần có những hoạt động đa dạng, linh hoạt để đáp ứng tối đa nhu cầu học tập của học sinh.
"Việc Lịch sử là môn học bắt buộc với thời lượng 52 tiết/năm học thực ra không phải là quá nặng. Nhưng mấu chốt ở đây là đổi mới cách giảng dạy chứ không phải cứ là môn học bắt buộc thì học sinh sẽ thích học. Trong chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ GD-ĐT cũng như các nhà trường cần tính đến việc làm sao để gắn môn Lịch sử với các hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, trong cách tổ chức dạy học cũng cần thay đổi. Khi hướng nghiệp, các em không chỉ học về nghề nghiệp đó, mà còn được học về truyền thống của ngành nghề đó, tinh thần yêu nước, vượt khó vươn lên, sẵn sàng hy sinh trong công việc các em theo đuổi" - TS Tùng Lâm cho hay.
Hiện nay, môn học Lịch sử đang giữ vai trò chủ đạo trong giáo dục chính trị, tư tưởng, lòng yêu nước, bồi dưỡng năng lực tư duy, hành động cho thế hệ trẻ. Việc bồi dưỡng kiến thức lịch sử cho học sinh THPT là điều cần thiết nhằm phát triển con người toàn diện, khơi dậy truyền thống yêu nước và niềm tự hào dân tộc. Qua các bài học lịch sử, học sinh có cái nhìn toàn diện và bao quát, có sự so sánh và hiểu hơn về các triều đại, đất nước.
Học Lịch sử không chỉ để thi với những điểm số mà chính là học để thêm yêu hơn về cội nguồn dân tộc ta với hàng nghìn năm hình thành và phát triển.