Học ngành Công tác xã hội, sinh viên có cơ hội việc làm ngay từ năm hai

Theo học ngành Công tác xã hội, sinh viên có cơ hội trở thành thực tập sinh, cộng tác viên cho các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội ngay từ năm thứ hai.

Theo Quyết định số 112/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Ban hành chương trình phát triển công tác xã hội giai đoạn 2021-2030, mục tiêu từ năm 2021-2025, 60% số cơ quan, tổ chức, cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở cai nghiện ma túy, trại giam, trường giáo dưỡng, các cơ quan tư pháp, trường học, bệnh viện, xã, phường, thị trấn và đơn vị liên quan thực hiện phân công, bố trí nhân sự làm công tác xã hội; từ năm 2026-2030, tỷ lệ này phải đạt 90%.

Công tác xã hội được đánh giá là một trong những ngành có nhiều triển vọng, cơ hội việc làm rộng mở và góp phần làm cho cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn.

Ngành Công tác xã hội có triển vọng nghề nghiệp rộng mở

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, bà Hoàng Thị Huyên - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng, Tâm lý giáo dục và Hòa nhập An Phú cho biết, sinh viên tốt nghiệp ngành Công tác xã hội cũng có thể làm việc trong lĩnh vực giáo dục đặc biệt. Tại đơn vị bà quản lý, 50% nhân sự có xuất phát điểm từ Công tác xã hội.

Bà Huyên tiết lộ, mức thu nhập tối thiểu của các bạn mới bước chân vào thị trường lao động có thể đạt được từ 9-10 triệu đồng/tháng. Ngoài mức lương cơ bản, nhân sự còn được nhận thêm các phần phụ cấp và hỗ trợ khác nữa.

Về yêu cầu trong tuyển dụng, bà Huyên cho hay, hồ sơ ứng viên phải có bằng tốt nghiệp ngành tương đương, ưu tiên các bạn có kinh nghiệm thực tập thực tế tại các cơ sở liên quan đến chăm sóc con người, các bệnh viện, trung tâm... Thêm vào đó, việc thể hiện định hướng rõ ràng, mục tiêu cụ thể về công việc cũng là điểm cộng cho hồ sơ ứng tuyển.

"Ưu điểm lớn nhất của các bạn theo học ngành Công tác xã hội là có cái tâm rất lương thiện. Đó là một điều rất đáng trân quý, đáp ứng được đặc thù công việc hướng tới xã hội, hướng tới con người. Tuy nhiên, ngoài kiến thức chuyên môn thì các bạn cũng nên chú ý tới việc bồi dưỡng kỹ năng mềm và sự tin tin vào năng lực của bản thân, chủ động nắm bắt cơ hội. Bởi thực tế, ngành Công tác xã hội có nhiều cơ hội việc làm", bà Huyên nhận định.

Còn đối với cơ sở đào tạo ngành Công tác xã hội, theo bà Huyên, cần chú trọng hơn nữa đến phần thực hành, cho sinh viên được tiếp xúc, làm quen và rèn giũa kinh nghiệm nghề nghiệp. Đồng thời, có thể có những học phần liên quan đến việc phát triển bản thân, khuyến khích sinh viên chủ động, tự tin hơn.

Cùng trao đổi với phóng viên, bà Vương Minh Huyền - Giám đốc Trung tâm Tia Sáng Xanh nhìn nhận, Công tác xã hội là một ngành có nhiều cơ hội công việc nếu nhân sự thật sự nghiêm túc và đam mê theo đuổi. Đối với sinh viên, ngoài việc trang bị các kiến thức liên quan đến lý thuyết thì cần có sự chủ động bồi dưỡng, tích lũy kinh nghiệm thông qua thực hành, thực tập.

"Nếu các bạn có sự chủ động trau dồi kinh nghiệm, kỹ năng chuyên môn ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường thì sẽ có thể làm được việc luôn sau tốt nghiệp. Cơ hội việc làm của ngành Công tác xã hội rất phong phú. Các bạn có thể làm việc tại các bệnh viện, trường học, trung tâm giáo dục hay các tổ chức về bảo trợ xã hội... Mức lương tại các đơn vị tư nhân dao động khoảng 10 triệu đồng/tháng. Sau khi có kinh nghiệm thì nhân sự có thể đạt thu nhập tốt hơn nữa", bà Huyền cho biết.

Để có thể theo đuổi và gắn bó với lĩnh vực này, theo bà Huyền, nhân sự cần có lòng yêu nghề, nhiệt huyết và không ngại khó, không ngại khổ. "Đây là một ngành rất nhân văn, đúng như tên gọi Công tác xã hội. Các bạn cần xác định tư tưởng rằng, chỉ cần học tốt, trau dồi kiến thức, kỹ năng vững vàng và có niềm đam mê, yêu nghề thì bạn có thể sống được với nghề và có được mức thu nhập tương xứng", bà Huyền nhắn gửi thêm.

Tuyển sinh ngành Công tác xã hội có nhiều thuận lợi

Để có thêm thông tin toàn cảnh về ngành Công tác xã hội, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Phạm Ngọc Linh - Trưởng khoa Công tác xã hội, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam.

Tiến sĩ Phạm Ngọc Linh chia sẻ, trong những năm gần đây, tuyển sinh ngành Công tác xã hội tại Học viện có nhiều thuận lợi, thu hút được đông đảo thí sinh lựa chọn. Công tác tuyển sinh ngành này luôn nhận được sự quan tâm sát sao của Hội đồng Học viện, Ban Giám đốc Học viện và bám sát với Đề án tuyển sinh. Đồng thời đây là quả ngọt từ quá trình nỗ lực, sự chung tay của Khoa, tập thể giảng viên và ban tuyển sinh trong việc đẩy mạnh truyền thông để ngành học được nhiều thí sinh biết đến hơn. Ngoài ra, uy tín, chất lượng trong đào tạo cũng đã góp phần tác động đến tâm lý của thí sinh dự tuyển đến với Khoa Công tác xã hội.

Mặc dù có nhiều thuận lợi, tuy nhiên, theo cô Linh, việc chiêu sinh ngành Công tác xã hội cũng gặp phải một số khó khăn bởi sự cạnh tranh trong tuyển sinh giữa các cơ sở đào tạo cũng như kinh phí hỗ trợ công tác tuyển sinh còn hạn chế.

Thực tế, công tác xã hội là ngành rất quan trọng trong xã hội hiện đại, nhằm giúp đỡ, hỗ trợ và tạo điều kiện cho những người có hoàn cảnh đặc biệt, gặp khó khăn và khó hòa nhập với cộng đồng. Ở một phạm vi rộng hơn, những người làm công tác xã hội còn có vai trò kết nối, huy động nguồn lực để hỗ trợ nhóm người yếu thế.

Hoạt động công tác xã hội vì vậy hiện diện ở khắp nơi trên thế giới, ở bất kỳ đâu có những người cần được giúp đỡ, ở đó có mặt của các tổ chức công tác xã hội.

Về đội ngũ giảng viên, Tiến sĩ Phạm Ngọc Linh cho biết, Khoa Công tác xã hội, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam có 13 giảng viên, trong đó có 4 tiến sĩ, 3 nghiên cứu sinh, 6 thạc sĩ.

Đặc biệt, Khoa công tác xã hội có mối quan hệ học thuật và hợp tác đào tạo với giảng viên của các trường có đào tạo về công tác xã hội trong nước và quốc tế; có mạng lưới hợp tác với các chuyên gia thực hành tại các cơ sở công tác xã hội trong cộng đồng và mạng lưới hợp tác về thực hành thực tập tại cơ sở vững chắc. Những điều kiện này đảm bảo cho công tác đào tạo sinh viên có đủ năng lực đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội.

Chương trình đào tạo ngành Công tác xã hội tại Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam có gì đặc biệt?

Cô Linh cho biết thêm, chương trình đào tạo ngành Công tác xã hội tại Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam theo định hướng ứng dụng. Do vậy hình thức đào tạo đa dạng, phong phú hướng tới sự chủ động ở sinh viên; chú trọng vào thực hành, thực tế và định hướng chuyên sâu về công tác xã hội với thanh thiếu nhi.

Đặc biệt, sinh viên được tham gia các hoạt động thực hành từ năm thứ nhất với mạng lưới trên 30 cơ sở thực hành chuyên nghiệp trong và ngoài nhà nước, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi Chính phủ.

Trưởng khoa Công tác xã hội, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam thông tin: "Vì chương trình đào tạo ngành Công tác xã hội tại Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam theo định hướng ứng dụng, nên việc thực hành trong dạy học, thực hành môn học, thực tập nghề nghiệp luôn được quan tâm và có vị trí vô cùng quan trọng. Một số học phần trong chương trình đào tạo, Khoa sẽ mời các chuyên gia thực hành, những nhà công tác tác xã hội tại các cơ sở tham gia quá trình đào tạo.

Ví dụ, học phần Công tác xã hội trong bệnh viện, có nhân viên công tác xã hội tại bệnh viện về dạy. Học phần Tham vấn trẻ em có chuyên gia về tham vấn, trị liệu trẻ em đến chia sẻ, giảng dạy.
Ngoài ra, trong các học phần, sinh viên được yêu cầu thực hành thường xuyên tại cơ sở, sinh viên được đến tại các cơ sở có tuyển dụng lao động để tham gia học tập.

Việc sinh viên thực hành các môn học như Thực tập công tác xã hội cá nhân, Thực tập công tác xã hội nhóm, Phát triển cộng đồng luôn được thực tập các cơ sở có hoạt động công tác xã hội chuyên nghiệp, có kiểm huấn viên là người có chuyên môn công tác xã hội, sinh viên được tham gia học tập, rèn luyện, áp dụng kiến thức và kỹ năng công tác xã hội, có giám sát chuyên môn tại các đơn vị có sử dụng lao động là nhân viên công tác xã hội.

Cùng với đó, việc xây dựng đề cương môn học, tập bài giảng, giáo trình môn học, các nghiên cứu phục vụ công tác xã hội, Học viện luôn mời những người sử dụng lao động ngành này tham gia hội đồng góp ý, thẩm định cho chương trình, tài liệu, nhằm mục tiêu đào tạo sinh viên ngành Công tác xã hội gắn với chuẩn đầu ra, đáp ứng nhu cầu xã hội".

Như vậy, thông qua sự hợp tác đó, đơn vị tuyển dụng nhân sự ngành Công tác xã hội có cơ hội hiểu hơn về quá trình đào tạo nhân lực ngành này của Học viện. Đồng thời các cơ sở sử dụng lao động cũng đóng góp vào quá trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cho xã hội.

Sinh viên ngành Công tác xã hội, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam cũng được tham gia các khóa tập huấn kỹ năng mềm miễn phí từ các chuyên gia. Sinh viên còn có cơ hội tham gia rất nhiều sự kiện chính trị, xã hội, văn hóa, du lịch, thể thao lớn của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam cũng như của Học viện.

"Bên cạnh đó, theo học ngành Công tác xã hội, các em có cơ hội trở thành thực tập sinh, cộng tác viên cho các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội ngay từ năm thứ hai. Song song đó là được tiếp cận các môi trường làm việc chuyên nghiệp và mức lương hấp dẫn", cô Linh cho biết thêm.

Theo cô Linh, để có thể học tốt, vững nghề thì người học Công tác xã hội cần có những tố chất, kỹ năng và đạt được chuẩn về mục tiêu kiến thức, kỹ năng, tự chủ tự chịu trách nhiệm.

Thứ nhất, cần có kiến thức cơ bản về thế giới quan và phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; đường lối, quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam; chính sách, pháp luật của Nhà nước và vận dụng để học tập, nghiên cứu và làm việc suốt đời.

Thứ hai, vận dụng được kiến thức nền tảng, phương pháp luận, tư duy khoa học xã hội; nghiên cứu khoa học, thống kê trong khoa học xã hội, kỹ năng mềm, kỹ năng làm việc nhóm vào thực hành, nghiên cứu trong lĩnh vực công tác xã hội.

Thứ ba, phân tích và vận dụng được các kiến thức về lý thuyết công tác xã hội, hành vi con người và môi trường xã hội, các chính sách xã hội, hệ thống dịch vụ xã hội, hệ thống phúc lợi xã hội… để trợ giúp cá nhân, nhóm, cộng đồng tự giải quyết các vấn đề của bản thân và xã hội.

Thứ tư, vận dụng được các phương pháp, tiến trình công tác xã hội để hỗ trợ các đối tượng nhằm giải quyết các vấn đề nảy sinh.

Bên cạnh đó là các mục tiêu kỹ năng nghề nghiệp cần thiết và tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Chẳng hạn, thực hiện tốt nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp, xác định được những sai phạm liên quan đến đạo đức nghề nghiệp và đề xuất, lựa chọn giải pháp phù hợp để giải quyết vấn đề. Đồng thời, nhân sự ngành này cần có ý thức trách nhiệm với bản thân, những người xung quanh và có tinh thần trách nhiệm đối với nghề nghiệp.

"Để đạt được mục tiêu trên, sinh viên cần nghiên cứu, tìm hiểu kỹ về nghề công tác xã hội, đặc điểm của nghề công tác xã hội, vị trí nghề nghiệp sau khi ra trường, những thuận lợi khó khăn với nghề để hình thành tâm thế nghề nghiệp.

Khi các em hiểu đúng về nghề, có hứng thú với nghề, mong muốn được làm việc trong lĩnh vực hỗ trợ những cá nhân, nhóm, cộng đồng có khó khăn trong xã hội, giúp họ tăng năng lực để thực hiện chức năng xã hội, tự vươn lên hòa nhập và phát triển… khi đó sinh viên sẽ có mong muốn, khát vọng học tập kiến thức, kỹ năng và rèn luyện phẩm chất nghề nghiệp để thực hành nghề hiệu quả.

Hơn thế nữa, trong quá trình học tập, sinh viên cần rèn luyện các kỹ năng làm việc cá nhân, nhóm, nghiên cứu khoa học, phát triển bản thân cũng như các kỹ năng chuyên môn để hỗ trợ việc học tập và thực hành hiệu quả", cô Linh nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, việc sinh viên tích cực tham gia các hoạt động nghề nghiệp ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường bằng các hình thức tham gia tình nguyện tại các cơ sở xã hội, thực hành thường xuyên tại các cơ sở cũng giúp tăng cơ hội thích ứng nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp.

Thi Thi

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/hoc-nganh-cong-tac-xa-hoi-sinh-vien-co-co-hoi-viec-lam-ngay-tu-nam-hai-post244330.gd