Học ngành Kinh tế tại Đại học Công đoàn, SV được trang bị kiến thức, kỹ năng gì?

Trường Đại học Công đoàn đào tạo ngành Kinh tế đáp ứng nhu cầu xã hội, trang bị cho sinh viên kiến thức và kỹ năng thực hành, sẵn sàng hội nhập quốc tế.

Ngành Kinh tế ngày càng trở nên quan trọng trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của thị trường lao động. Với nhu cầu ngày càng cao về nguồn nhân lực, ngành này đã và đang thu hút sự quan tâm lớn từ các bạn trẻ và xã hội.

Trường Đại học Công đoàn là một trong những cơ sở giáo dục đại học có giảng dạy ngành Kinh tế, đáp ứng chất lượng và sự đa dạng trong đào tạo.

Hệ thống đào tạo phát triển

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Hoàng Thanh Tuyền, Trưởng Khoa Kinh Tế, Trường Đại học Công đoàn nhận định rằng: Hiện nay, nhu cầu về nguồn nhân lực ngành kinh tế ngày càng cao khi thị trường phát triển theo hướng mở. Giai đoạn 2018 - 2025, dự báo cả nước sẽ cung cấp tới 25 triệu việc làm, trong đó ngành kinh tế - tài chính - hành chính - pháp luật chiếm tỷ trọng việc làm cao (33%).

“Kinh tế là một lĩnh vực quan trọng gắn liền với đời sống, văn hóa và giáo dục. Chừng nào thị trường còn đặt ra nhu cầu, chừng đó các hoạt động kinh tế vẫn cần tới nguồn nhân lực chất lượng.

Tại Trường Đại học Công đoàn, chương trình đào tạo ngành Kinh tế bao gồm rất nhiều kiến thức như kinh tế quốc tế, kinh tế môi trường, tài chính, kế toán, kinh tế nguồn nhân lực, kinh tế công cộng, kinh tế phát triển, kinh tế đầu tư,…”, Tiến sĩ Hoàng Thanh Tuyền nhấn mạnh.

 Tiến sĩ Hoàng Thanh Tuyền, Trưởng Khoa Kinh Tế, Trường Đại học Công đoàn. Ảnh: NVCC

Tiến sĩ Hoàng Thanh Tuyền, Trưởng Khoa Kinh Tế, Trường Đại học Công đoàn. Ảnh: NVCC

Theo Tiến sĩ Hoàng Thanh Tuyền, sinh viên ngành Kinh tế tại Trường Đại học Công đoàn sẽ được cung cấp các kiến thức và kỹ năng toàn diện, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu về nhân lực chất lượng cao của xã hội như:

Thứ nhất, sinh viên có thể vận dụng các kiến thức cơ bản về toán kinh tế, xác suất thống kê, kinh tế lượng, tin học, các nguyên lý cơ bản của kinh tế thị trường, tài chính, tiền tệ, kế toán, quan hệ lao động, quản trị, văn hóa doanh nghiệp, thống kê vào giải quyết và dự đoán các vấn đề kinh tế.

Thứ hai, sinh viên sẽ biết vận dụng những kiến thức căn bản về kinh tế quốc tế, đầu tư, kinh tế phát triển, kinh tế lao động, kinh tế thương mại, kinh tế công cộng vào phân tích các hoạt động kinh tế của các doanh nghiệp và toàn bộ nền kinh tế.

Thứ ba, sinh viên sẽ phân tích được tác động của bối cảnh kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế đến hành vi của các chủ thể trong nền kinh tế; phân tích được thực tiễn tình hình kinh tế - xã hội, chính sách, quyết định của Chính phủ, các doanh nghiệp và chủ thể kinh tế khác trong nền kinh tế.

Thứ tư, sinh viên sẽ hiểu được các đặc trưng và xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế, việc hoạch định và thực thi chính sách kinh tế đối ngoại trong thực tiễn. Phân tích được thực tiễn hội nhập, sự ảnh hưởng

Cô Tuyền cho biết thêm, công tác tuyển sinh ngành Kinh tế tại Trường Đại học Công đoàn hiện rất thuận lợi nhờ uy tín và chất lượng đào tạo đã được xã hội thừa nhận. Khoa Kinh tế đã thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ người học như thường xuyên tìm hiểu nhu cầu, nguyện vọng của sinh viên để kịp thời hướng dẫn và điều chỉnh chương trình đào tạo.

 Sinh viên khoa Kinh tế tham gia giao lưu đầu năm học. Ảnh: NTCC

Sinh viên khoa Kinh tế tham gia giao lưu đầu năm học. Ảnh: NTCC

Nguyễn Lan Phương, sinh viên ngành Kinh tế, Trường Đại học Công đoàn chia sẻ về những thuận lợi khi theo học ngành này.

“Em thấy ngành Kinh tế yêu cầu sử dụng tư duy logic và kiến thức lý luận phương pháp luận, rất phù hợp với những ai luôn không ngừng khám phá tri thức. Sinh viên có nhiều cơ hội tiếp xúc với nhiều người, tổ chức và địa điểm khác nhau, khích lệ sự sáng tạo và đổi mới.

Trở thành 1 sinh viên ngành Kinh tế, tương lai em có thể đảm nhiệm nhiều vị trí trong lĩnh vực kinh tế và quản lý, được ưu tiên đào tạo để phát triển dài hạn. Với phạm vi hoạt động rộng và hội nhập quốc tế tốt, sinh viên ngành Kinh tế còn có khả năng nhận được thu nhập cao. Hơn nữa, nền kinh tế phát triển sẽ cần những nhà kinh tế và quản lý tài ba, mang lại cho cơ hội làm việc trong môi trường quốc tế sau khi tốt nghiệp”, Nguyễn Lan Phương nói.

Tăng cường kết nối để giới thiệu việc làm cho sinh viên

Bàn về cơ hội việc làm, Tiến sĩ Hoàng Thanh Tuyền cho biết, các cơ quan hoạch định chính sách, phân tích kinh tế của Chính phủ, các bộ, địa phương và doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế như tài chính, ngân hàng đều có nhu cầu lớn về nhân lực kinh tế.

Những sinh viên tốt nghiệp ngành kinh tế có thể sử dụng những kiến thức về mối quan hệ kinh tế để tư vấn cho các doanh nghiệp cũng như các tổ chức khác, bao gồm các công ty bảo hiểm, ngân hàng, các công ty chứng khoán, các công ty tư vấn quản lý, các công ty nghiên cứu, các hiệp hội thương mại và công nghiệp hay các các cơ quan của chính phủ.

Để giúp sinh viên ra trường tăng khả năng có việc làm sớm, các học phần thực hành được nhà trường tăng cường thời lượng, từ đó sinh viên tích lũy được đầy đủ các kỹ năng nghề nghiệp cần thiết khi làm việc; có thể nhanh chóng hòa nhập vào công việc thực tế tại doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước.

Khoa Kinh tế cũng có những hoạt động nhằm kết nối sinh viên với doanh nghiệp như: được thăm quan các doanh nghiệp; tham gia các buổi hội thảo/sinh hoạt chuyên đề với sự có mặt của các chuyên gia kinh tế/các giám đốc hay những nhà quản lý doanh nghiệp, giúp sinh viên có những định hướng tốt hơn cho bản thân và cho nghề nghiệp trong tương lai.

 Sinh viên khoa Kinh tế trong Hội thi Tìm hiểu về phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2024. Ảnh: NTCC

Sinh viên khoa Kinh tế trong Hội thi Tìm hiểu về phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2024. Ảnh: NTCC

Ông Phan Thanh Tùng, Giám đốc Công ty cổ phần Tôn thép Việt Pháp, đánh giá cao sự năng động, tự tin và sáng tạo của sinh viên Trường Đại học Công đoàn.

Giám đốc Công ty cổ phần Tôn thép Việt Pháp tiết lộ mức lương khởi điểm dành cho sinh viên ngành Kinh tế mới ra trường là khoảng 8 triệu đồng/tháng, và sẽ tăng dần theo năng lực và kinh nghiệm làm việc. Mức lương cao nhất có thể lên đến hàng trăm triệu đồng mỗi tháng với các vị trí như Giám đốc Điều hành, Giám đốc Tài chính.

“Ngành Kinh tế là một lựa chọn lý tưởng. Để phát triển tốt với nghề này, sinh viên ngành Kinh tế cần có sự nhiệt tình, kiên trì nỗ lực. Bên cạnh đó, các bạn cũng cần trau dồi thêm các kĩ năng khác như: kĩ năng ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm,…”, ông Phan Thanh Tùng cho hay.

Thông tin tuyển sinh ngành Kinh tế năm 2024 của Trường Đại học Công đoàn:

- Mã ngành: 7310101

- Tổ hợp môn xét tuyển:

+ Tổ hợp A00: Toán, Lý, Hóa

+ Tổ hợp D01: Toán, Văn, Anh

+ Tổ hợp A01: Toán, Lý, Anh

- Chỉ tiêu tuyển sinh: 100

- Phương thức xét tuyển: xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển; xét tuyển theo kết quả thi trung học phổ thông; xét tuyển theo kết quả học tập bậc trung học phổ thông (học bạ)

Châu Anh

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/hoc-nganh-kinh-te-tai-dai-hoc-cong-doan-sv-duoc-trang-bi-kien-thuc-ky-nang-gi-post244177.gd