Phân luồng học sinh đạt kết quả thấp

Mặc dù có nhiều chính sách ưu đãi đối với học sinh sau khi tốt nghiệp THCS đi học nghề, nhưng cho đến nay, kết quả phân luồng chưa như mong đợi.

Học sinh Trung tâm GDNN – GDTX Châu Thành (ảnh chụp trước khi sáp nhâp)

Học sinh Trung tâm GDNN – GDTX Châu Thành (ảnh chụp trước khi sáp nhâp)

Thống kê mới nhất của Sở GD&ĐT cho thấy, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS trên địa bàn tỉnh tiếp tục học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp nghề tuy có tăng hàng năm nhưng vẫn ở mức thấp.

Diễn biến tỷ lệ học sinh sau THCS tiếp tục học ở các trường nghề như sau: năm 2020 đạt tỷ lệ 12,5%, năm 2021 đạt 14,1%, năm 2022 đạt 14,6%, năm 2023 đạt 13,8%.

Dự kiến năm 2024, số lượng học sinh tốt nghiệp THCS vào học nghề khoảng 3.000 em, nâng tỷ lệ lên xấp xỉ 18%, trong khi tỷ lệ theo kế hoạch được giao đến năm 2025 phải đạt 40%.

Theo nhận định của Sở GD&ĐT, nguyên nhân tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp nghề giảm là do tổng số học sinh hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS tăng, trong khi số học sinh tham gia học nghề tại các trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề tăng không đáng kể.

Theo quy định hiện hành, học sinh sau khi học xong lớp 9, nếu theo học tại các trường trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp thì được miễn học phí. Để thuận tiện, học sinh, học viên vẫn đóng học phí cho nhà trường nhưng ngân sách Nhà nước sẽ hoàn lại 100% khoản tiền này.

Theo quy định tại Nghị định 86 và Thông tư 09, học viên lớp trung cấp (là học sinh đã tốt nghiệp THCS, không học THPT) đều được miễn học phí, không phân biệt học ngành nghề nào, độc hại hay không độc hại.

Ngày 2.8.2023, UBND tỉnh có công văn gửi Sở GD&ĐT yêu cầu tăng cường thực hiện công tác tuyển sinh, đào tạo các trình độ trong giáo dục nghề nghiệp.

Sau đó, Sở GD&ĐT yêu cầu Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) phối hợp với các phòng GD&ĐT, trường THPT trên địa bàn thống kê số liệu và danh sách học sinh không trúng tuyển vào học lớp 10. Qua đó, tích cực tổ chức tư vấn tuyển sinh, vận động số học sinh này ra lớp 10 tại Trung tâm GDNN-GDTX bằng nhiều hình thức.

Các đơn vị nêu trên có nhiệm vụ phối hợp với các trường trung cấp, cao đẳng nghề trong và ngoài tỉnh tổ chức đào tạo các lớp trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề song song với dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT cho học sinh.

Các trung tâm GDNN-GDTX tiếp tục thực hiện Công văn số 857/BGDĐT-GDTX ngày 31.7.2020 của Bộ GD&ĐT về việc hướng dẫn tổ chức chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT kết hợp với dạy nghề tại các cơ sở Giáo dục thường xuyên.

Việt Đông

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/phan-luong-hoc-sinh-dat-ket-qua-thap-a178126.html