Học phí cấp phổ thông mà phụ huynh học sinh phải đóng sẽ không tăng
Đó là một trong những nội dung Phó Thủ tướng Chính phủ - Vũ Đức Đam khẳng định trong Hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2021-2022, triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023 vào ngày 12/8 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Tham dự hội nghị có Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội - Nguyễn Đắc Vinh, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo – Nguyễn Kim Sơn. Điểm cầu Long An, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo – Nguyễn Quang Thái chủ trì.
Năm học 2021-2022, toàn ngành Giáo dục triển khai quyết liệt, hiệu quả các biện pháp về phòng, chống dịch Covid-19 với mục tiêu giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh đến các hoạt động của ngành, củng cố và duy trì chất lượng giáo dục và đào tạo; phối hợp với ngành Y tế chủ động xây dựng các kịch bản, giải pháp ứng phó với tình huống dịch Covid-19 bùng phát trở lại, bảo đảm các hoạt động giáo dục, đào tạo không bị “đứt gãy”.
Đây cũng là năm học đầu tiên có lễ khai giảng tổ chức linh hoạt theo hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến tùy tình hình dịch bệnh tại các địa phương. Những tháng đầu của năm học, học sinh, sinh viên cả nước phải tạm dừng đến trường, chuyển sang học trực tuyến, học qua truyền hình, nhằm bảo đảm công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Có thể thấy, một năm học đầy khó khăn, thách thức nhưng ngành Giáo dục chủ động chuyển trạng thái hoạt động, tổ chức dạy học linh hoạt theo khung kế hoạch năm học, hướng dẫn tinh giản chương trình, chuẩn bị các điều kiện dạy học trực tuyến nhằm hạn chế những tác động tiêu cực của dịch bệnh, kiên trì theo đuổi mục tiêu chất lượng. Nhờ vậy, ngành đạt duy trì đạt nhiều kết quả nổi bật, nhất là kết quả các kỳ thi học sinh giỏi, Olympic khu vực và quốc tế . Trong đó, đội tuyển Olympic Hóa học quốc tế có 4/4 thí sinh dự thi đều đạt Huy chương Vàng, xếp thứ 2 trên thế giới; Olympic Toán học quốc tế xếp thứ 4 trên thế giới; Olympic Vật lý quốc tế xếp thứ 5 trên thế giới. Đặc biệt, đội tuyển Olympic Toán học Quốc tế, có một học sinh đạt điểm tuyệt đối 42/42 điểm.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo – Nguyễn Kim Sơn ghi nhận những nỗ lực vượt bật, cố gắng phi thường của tất cả nhà giáo, cán bộ quản lý trong bảo đảm công tác phòng, chống dịch Covid-19 và duy trì chất lượng giáo dục, hoàn thành nhiệm vụ năm học, đặc biệt biểu dương hơn 24 triệu học sinh, sinh viên cả nước cùng vượt qua những khó khăn của năm học.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện kế hoạch năm học 2021 - 2022 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như nhiều địa phương thiếu trang thiết bị học trực tuyến; thời gian dạy học trực tuyến kéo dài trong bối cảnh các điều kiện thực hiện còn nhiều hạn chế ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục, ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý của học sinh; sau khi trở lại trường học, trình độ, kiến thức của các em cũng có sự khác nhau; mạng lưới trường lớp, điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đã được tăng cường đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển quy mô và nâng cao chất lượng giáo dục; công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên còn chưa chủ động, kịp thời ;…
Phó Thủ tướng Chính phủ - Vũ Đức Đam biểu dương những kết quả và sự nỗ lực vượt khó của toàn ngành Giáo dục trong năm học 2021-2022 đầy thách thức. Năm học 2022-2023, Phó Thủ tướng đề nghị ngành Giáo dục quan tâm, chú trọng hơn nữa giáo dục toàn diện học sinh về đức- trí- thể- mỹ, đặc biệt là thể và mỹ; rà soát lại chất lượng các trường đạt chuẩn quốc gia, đánh giá đúng thực chất; các địa phương kiên quyết hơn trong việc rà soát các quy định dạy thêm, học thêm. Ngoài ra, Phó Thủ tướng còn nhấn mạnh ngành Giáo dục và các địa phương phải quan tâm công tác bù kiến thức cho học sinh do ảnh hưởng dịch Covid-19; phân bổ, tuyển dụng, biên chế mới cho địa phương; nhanh chóng bắt tay thực hiện về chủ trương mua sách giáo khoa cho học sinh mượn. Đặc biệt, Phó Thủ tướng khẳng định, học phí cấp phổ thông mà phụ huynh học sinh phải đóng sẽ không tăng, giảm theo lộ trình, hướng tới miễn học phí;…/.