Học phí đại học tăng cao, trăn trở về chất lượng đào tạo có tương xứng

Vừa qua, nhiều trường đại học đã công bố mức học phí mới cho năm học 2022-2023 theo Nghị định 81 của Chính phủ, nhiều ngành tăng học phí kịch trần. Học phí đại học những năm qua nhất là với các trường đại học tự chủ thường có mức học phí cao chót vót. Tuy nhiên, mức thu đã tương xứng với chất lượng hay chưa vẫn là câu hỏi còn nhiều trăn trở.

Năm học này, các trường được áp dụng khung học phí mới theo Nghị định 81 năm 2021 của Chính phủ. Cụ thể, mức trần học phí với các đại học công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên từ 12 đến 24,5 triệu đồng một năm. Mức này tăng từ 300.000 đồng đến 10,2 triệu đồng một năm so với năm học trước, tăng mạnh nhất ở nhóm ngành đào tạo y dược. Với đại học công lập tự chủ, học phí tối đa bằng 2-2,5 lần mức trần nói trên.

Mức học phí đại học cao nhưng không phải lúc nào người học cũng cảm thấy tương xứng với chất lượng đào tạo. Vì vậy, nhiều gia đình có điều kiện có xu hướng tìm kiếm cơ hội du học với kì vọng tối ưu mức chi phí của mình.

Mặt khác, học phí đôi khi là 1 rào cản đối với những gia đình không có điều kiện kinh tế.

Theo lộ trình tăng học phí mỗi năm 10%, dự kiến nhiều trường đai học sau 4 năm sẽ có mức học phí từ 30 - hơn 200 triệu đồng/năm, tùy vào ngành học và hệ đào tạo.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội NGUYỄN ĐẮC VINH: "Hình dung bức tranh cho giáo dục là 18% GDP, trong đó cho giáo dục đại học là 0,3% GDP - một lĩnh vực cho là rất quan trọng nhưng đầu tư như thế thì rõ ràng là nhỏ bé qua. Đại học hiện nay huy động nguồn lực chủ yếu từ học phí. Học phí chính là sức dân. Để đầu tư cho giáo dục đại học thì gánh nặng này Nhà nước nên chia sẻ."

Trước đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết đang xây dựng nghị quyết điều chỉnh nhằm chia sẻ khó khăn với sinh viên sau 2 năm đại dịch. Tuy nhiên, điều mà người học mong chờ chắc chắn không chỉ là việc tạm thời không tăng học phí. Cơ sở đào tạo giáo dục cần có sự nâng cấp về chất lượng, nhưng không phải bằng mức giá mà nhóm yếu thế khó chi trả. Vì vậy, rất cần phải có thêm các nguồn đầu tư công cho giáo dục, tránh đẩy giáo dục đại học vào thế khó mà người chịu thiệt thòi nhất là người học, cũng chính là nguồn cung nhân lực chất lượng cao của xã hội.

Mời quý vị và các bạn tiếp tục theo dõi chương trình!

Thực hiện : Đỗ Minh Thế Anh Đức Minh

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/hoc-phi-dai-hoc-tang-cao-tran-tro-ve-chat-luong-dao-tao-co-tuong-xung