Học phí trường đại học tăng kịch trần: Có đi đôi với chất lượng?
Nguồn thu của các trường đại học trong nước hiện tại chủ yếu đến từ học phí. Nếu có thêm các nguồn thu khác bên ngoài, từ nghiên cứu khoa học sẽ giảm bớt gánh nặng cho người học. Vấn đề, tăng học phí thì tăng bao nhiêu là hợp lý và chất lượng có tăng tương xứng.
Chỉ chờ vào học phí
Hiện nay, các trường đại học ngoài công lập tự đảm bảo nguồn thu và được xác định mức học phí. Với các trường đại học công lập tự bảo đảm chi thường xuyên, đồng thời đáp ứng điều kiện tự chủ (luật Giáo dục Đại học đã quy định) thì được tự chủ xác định mức thu học phí trên cơ sở định mức kinh tế kỹ thuật và lộ trình tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo.
Văn bản giúp các trường tự chủ xác định mức thu học phí là Thông tư số 14/2019/TT-BGĐT về hướng dẫn xây dựng, thẩm định, ban hành định mức kinh tế kỹ thuật và phương pháp xây dựng giá dịch vụ giáo dục đào tạo áp dụng trong lĩnh vực giáo dục đào tạo.
Trong quá trình thực hiện tự chủ, trường đại học cần xây dựng và ban hành định mức kinh tế kỹ thuật dựa trên định mức kinh tế kỹ thuật do cơ quan chủ quản ban hành và các quy định, hướng dẫn hiện hành, phù hợp với chất lượng đào tạo. Từ đó, ban hành mức thu học phí phù hợp với lộ trình tính giá dịch vụ giáo dục đào tạo tương xứng với chất lượng đào tạo.
Đặc biệt, các trường đại học có trách nhiệm công khai, minh bạch và cam kết chất lượng. Có trách nhiệm giải trình với xã hội và các cơ quan quản lý nhà nước về việc xây dựng mức học phí tương xứng với chất lượng đầu ra cam kết và lộ trình tăng học phí phù hợp với chất lượng được kiểm định chương trình đào tạo.
Cơ quan chủ quản trực tiếp chịu trách nhiệm quản lý, giám sát việc thực hiện chính sách học phí của các trường đại học được giao chủ quản, xử lý sai phạm theo thẩm quyền và chịu trách nhiệm giải trình với xã hội, với người học về các chức năng được giao.
PGS. TS Nguyễn Kim Hồng, Phó hiệu trưởng trường ĐH Văn Hiến nói rằng, tất cả các trường đại học hiện nay đều phải tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo. Ở nước ngoài, chi phí này không chỉ có học phí nhưng ở VN thì gần như chỉ có học phí. Do vậy, vấn đề làm sao để đảm bảo bài toán chi phí phù hợp với khả năng chi trả của người học. Trên thế giới học phí đang được tính theo nhiều cách khác nhau. Với các nước phát triển, học phí này có thể nằm ở khoảng 50% thu nhập bình quân đầu người.
Bên cạnh loại hình trường chuyển sang tự chủ hoàn toàn, ở hầu hết trường đại học công lập đang tồn tại đồng thời chương trình đại trà thu học phí thấp theo mức trần quy định của Chính phủ và chương trình chất lượng cao được thu học phí tương ứng.
Th.S Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP. HCM (một trong 23 trường thí điểm tự chủ giai đoạn 2015 - 2017) nhận định, sinh viên phản ứng tăng học phí là đúng, vì người học muốn học phí thấp, chất lượng phải cao. Nhưng điều này khó có thể xảy ra khi Nhà nước đã giao quyền tự chủ cho các trường. Các trường bắt buộc phải cân đối giữa học phí và thu nhập của người dân, ở mức chấp nhận được. Học phí đại họ của Việt Nam được xem là khá rẻ nên khó muốn vừa chất lượng, nghiên cứu mạnh, lương giảng viên cao vừa cơ sở vật chất tốt, chương trình tiên tiến được.
Tăng bao nhiêu là hợp lý?
Theo chuyên gia Lê Minh Sơn, Luật Giáo dục Đại học sửa đổi quy định, với các trường tự chủ, quy định mức học phí là quyền của các trường. Tuy nhiên, nhìn chung các trường sẽ không lạm dụng quyền này bởi nhận thức việc cân nhắc mức học phí là điều hết sức quan trọng. Phải làm sao để vừa đảm bảo nâng cao chất lượng đào tạo, nhưng cũng làm sao để đảm bảo khả năng tiếp cận đại học của người học. Vì vậy từ một số năm nay trường đã đưa ra nhiều chương trình đào tạo để sinh viên có nhiều lựa chọn theo mức học phí khác nhau.
Để các trường phát triển, nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu, đưa nhà trường lên đẳng cấp quốc tế thì không thể trông mong vào nguồn học phí mà chắc chắn phải đầu tư nhiều vào nghiên cứu và chuyên giao công nghệ. Như vậy vai trò của nhà nước, của các doanh nghiệp trong việc hợp tác với nhà trường, phát triển nhà trường thế nào là điều chính yếu.
TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD - ĐT cho rằng, hiện nay các trường đang hướng tới tự chủ nhưng ở mức độ rất khác nhau. Tự chủ đại học hiện nay gồm tự chủ học thuật, nhân sự, tài chính, học phí, tự chủ chi thường xuyên, xây dựng cơ bản. Tuy chỉ tự chủ một phần, nhưng đa số các trường tự chủ đều thu học phí cao để lấy nguồn đó chi cho tất cả hoạt động vận hành nhà trường.
“Tôi không đồng ý việc này, vì chi phí cho một sinh viên trong năm học chỉ tính một phần nào đó để vận hành nhà trường. Nhà trường phải có các hoạt động lao động sản xuất, nghiên cứu khoa học… để vận hành bộ máy. Thực chất, nhà trường vẫn còn nhận ngân sách chứ chưa tự chủ hoàn toàn nên không thể tính tất cả chi phí lên học phí của sinh viên. Ở một số quốc gia, học phí chỉ chiếm 1/3 đến 1/4 chi phí vận hành nhà trường chứ không phải chiếm 90% chi phí hoạt động nhà trường như ở Việt Nam. Việc thu học phí cao phải đi kèm những cam kết với người học về chuẩn đầu ra và chuẩn này phải được cơ quan kiểm định chất lượng uy tín thực hiện”, ông Khuyến nói.
Theo PGS Nguyễn Thu Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học , Bộ GD - ĐT cho biết, khi luật Giáo dục Đại học sửa đổi được thực hiện, sắp tới là nghị định hướng dẫn luật có hiệu lực, thì các cơ sở giáo dục đại học sẽ được tự chủ ở các mức độ phù hợp với năng lực của mình. Theo đó, những cơ sở giáo dục đại học đáp ứng được các điều kiện để tự chủ, đồng thời tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên thì được tự chủ xác định mức thu học phí. Cơ sở nào không thuộc trường hợp như trên thì xác định mức thu học phí theo quy định của Chính phủ. Tuy nhiên, tất cả việc xác định mức thu như phải căn cứ vào định mức kinh tế kỹ thuật, theo lộ trình tính đúng tính đủ chi phí đào tạo.
Ngoài ra, các trường cũng phải thực hiện các chế độ quản lý tài chính, về kế toán kiểm toán, về công khai, minh bạch thông tin theo luật định, và đó là cơ sở để xã hội có thể giám sát. Các trường tự chủ được quyết định mức thu học phí trước hết tuân theo đề án tự chủ mà Chính phủ đã phê duyệt.
Theo PGS. TS Nguyễn Hội Nghĩa, nguyên Phó giám đốc ĐHQG TP. HCM cần phải như các trường nước ngoài là có thu vào nhưng có chi ra cho người học. Trường đại học phải chi một phần lớn để hỗ trợ ngược lại cho người học. Theo quy định hiện nay các trường phải trích tối thiểu 8% nguồn thu học phí để cấp học bổng cho sinh viên. Nhưng mức này có thể phải nhiều hơn thì mới công bằng.