Học phí và năm học mới
Học phí tăng, tăng nỗi lo. Nhưng trong năm học 2023-2024 này, đối với cơ sở giáo dục trong hệ thống công lập, học phí không tăng để giảm gánh nặng cho người dân có con đi học.
Giảm gánh nặng cho phụ huynh, học sinh
Nhìn lại năm học 2022-2023, tại văn bản về việc triển khai Nghị quyết số 165/NQ-CP ngày 20-12-2022 của Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đề nghị các cơ sở giáo dục công lập, nếu trường học nào đã thu học phí năm học 2022-2023 cao hơn so với năm học trước đó thì phải hoàn trả phần chênh lệch cho học sinh hoặc giảm trừ vào kỳ thu học phí tiếp theo. Trước đó, theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27-8-2021 của Chính phủ, có quy định lộ trình tăng học phí cơ sở giáo dục công lập đến năm 2026. Tuy nhiên, dịch COVID-19 đã tác động xấu đến tình hình kinh tế - xã hội nên Chính phủ yêu cầu giữ nguyên học phí.
Vẫn biết, tăng học phí là chủ trương đúng, tạo điều kiện để các nhà trường có kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao trình độ chuyên môn, chất lượng học tập... Tuy nhiên, việc chưa tăng học phí cũng sẽ góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ học sinh và gia đình giảm bớt gánh nặng, ổn định đời sống. Đây là mong muốn của nhiều phụ huynh, đặc biệt đối với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Tâm sự của một phụ huynh có con theo học ở một trường THCS tại TP Thanh Hóa sau khi chị nhận lại số tiền chênh lệch trong năm học 2022-2023: “Tăng học phí, quy định thì vẫn phải thực hiện. Cũng biết rất khó nhưng lẽ nào lại cho con dừng học. Nhà trường thông báo hoàn trả tiền học phí, mừng có mừng nhưng lại vẫn lo cho năm học sau...”.
Và năm học sau, tức năm học 2023-2024, không chỉ chị mà rất nhiều phụ huynh khác đã có thể yên tâm vì học phí không tăng.
Khó cho nhà trường
Ngày 31-7-2023, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo 300/TB-VPCP về kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp về dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 81 ngày 27-8-2021 của Chính phủ. Theo đó, Chính phủ yêu cầu chưa áp dụng lộ trình cơ chế thu, quản lý học phí theo Nghị định 81 và không tăng học phí trong năm học 2023-2024 đối với cơ sở giáo dục công lập.
Học phí không tăng để giảm gánh nặng cho người dân có con em đi học nhưng sẽ là thách thức lớn cho ngành giáo dục để thực hiện tốt nhiệm vụ. Lãnh đạo một trường THCS cho rằng, việc tăng học phí giúp các cơ sở giáo dục có thêm nguồn kinh phí đầu tư vào những hoạt động hỗ trợ học sinh như hoạt động ngoại khóa, hoạt động trải nghiệm, tư vấn học đường... Nếu không tăng học phí thì Nhà nước cần quan tâm cấp bù phần ngân sách chênh lệch, giữ ổn định đời sống để giáo viên yên tâm công tác, khắc phục vấn đề giáo viên bỏ việc. Hơn nữa, bảo đảm các điều kiện nâng cao chất lượng thực hiện đổi mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Nếu mức học phí không tăng, điều này đồng nghĩa các trường công lập đều quay lại mức học phí của giai đoạn trước đại dịch COVID-19. Trong đó, trường đại học công lập thực hiện tự chủ sẽ gặp khó khăn nhiều nhất vì nguồn thu chủ yếu là từ học phí. Trong khi đó, chi phí khác đều tăng như lương cơ bản, chi phí đầu tư cơ sở vật chất...
Tại Trường Đại học Hồng Đức, thực hiện Nghị quyết 165/NQ-CP, đến thời điểm hiện tại, công tác chi trả chênh lệch học phí cơ bản hoàn thành. Theo chia sẻ của hiệu trưởng nhà trường, PGS.TS Bùi Văn Dũng, thì ngay từ đầu năm học 2022-2023, nhà trường đã xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ, theo đó mức thu nhập của người lao động được tăng lên, trang bị cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; chi tăng cường công tác học tập, bồi dưỡng... PGS.TS cho biết: “Khi mức học phí điều chỉnh trở lại về mức thu cũ đã làm ảnh hưởng đến kế hoạch hoạt động của nhà trường. Nhà trường phải xem xét điều chỉnh lại các khoản chi đầu tư chưa cấp thiết, các khoản chi hành chính phải tiết kiệm hơn để bảo đảm tài chính”. Ông cũng cho biết thêm, trong khi chờ các văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành, Trường Đại học Hồng Đức thông báo tạm thu học phí học kỳ I năm học 2023-2024, với mức học phí không tăng so với năm học 2022-2023.
Không tăng học phí đồng nghĩa với việc tăng cơ hội bước vào cánh cửa đại học của nhiều học sinh. Nhưng tăng học phí sẽ giải quyết được nhiều việc đối với trường công lập. Từ thực tế của Trường Đại học Hồng Đức, nếu tăng học phí sẽ có kinh phí đầu tư nâng cao chất lượng đội ngũ, trang bị cơ sở vật chất... Và ngược lại, khi học phí không được phép tăng, trong khi các nguồn thu khác ít, thì sẽ khó khăn trong nâng cao chất lượng đào tạo...
Trước khi ban hành Thông báo 300/TB-VPCP, tại cuộc họp ngày 17-7, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh chính sách học phí vừa phải công khai, minh bạch, tính đúng, tính đủ dịch vụ giáo dục, đào tạo đồng thời giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa. Mục tiêu nhất quán, xuyên suốt của chính sách học phí mới là bảo đảm mọi trẻ em trong độ tuổi đi học đều được đến trường để thực hiện phổ cập giáo dục phổ thông; quan tâm, đề cao hơn nữa giáo dục nghề nghiệp để mọi người được đào tạo, có nghề nghiệp; chú trọng thu hút sinh viên có năng lực, đào tạo nhân tài ở bậc đại học...
Theo quan điểm của Bộ GD&ĐT, dù học phí được giữ nguyên hay điều chỉnh thì tổng nguồn lực dành cho giáo dục cũng cần được giữ vững. Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp với các đơn vị đề xuất giải pháp hỗ trợ để các trường đại học, nhất là trường tự bảo đảm chi thường xuyên bù phần thâm hụt, khắc phục khó khăn để duy trì chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, các trường cũng phải xây dựng kế hoạch hoạt động và nguồn tài chính bảo đảm lâu dài.
Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/giao-duc/hoc-phi-va-nam-hoc-moi/28646.htm