'Học sinh chọn ngành học đừng hỏi sẽ làm việc ở đâu, lương bao nhiêu?'
Theo chuyên gia dự báo nguồn nhân lực, điều quan trọng nhất với học sinh khi chọn ngành học là ý thức học là để làm việc chứ không phải làm việc ở đâu, lương bao nhiêu...
Ngày 6-1, tại Trường THPT Ten Lơ Man (Ernst Thalmann), đã diễn ra buổi khai mạc TP.HCM tư vấn hướng nghiệp, xét tuyển ĐH-CĐ năm 2025 với chủ đề “Cùng bạn quyết định tương lai”.
Đây là chương trình thường niên do Tạp chí Giáo dục TP.HCM tổ chức với sự tham gia của nhiều trường ĐH lớn tại TP.HCM.
Tại đây, gần 600 học sinh lớp 12 của trường đã được cung cấp thông tin, chủ trương và những điểm mới trong mùa tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2025. Đặc biệt, năm nay là năm đầu tiên kỳ thi tốt nghiệp THPT được đổi mới theo chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Cạnh đó, các em học sinh còn được đại diện các trường ĐH tư vấn, định hướng cho việc chọn ngành học, trường để theo học tiếp sau THPT.
Đáng chú ý, trước nhiều băn khoăn của các em học sinh về lựa chọn ngành học hiện nay, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch thường trực Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM, chuyên gia dự báo nguồn nhân lực, cho biết thị trường lao động hiện nay vẫn bám theo hệ thống ngành nghề đào tạo. Đồng thời, các ngành nghề phát triển theo hướng chuyển đổi số, hội nhập để đáp ứng phù hợp với sự phát triển kinh tế, xã hội.
Theo ông Tuấn, có 11 nhóm trong tổng thể cung ứng nhu cầu nguồn nhân lực quốc gia, gồm: khoa học kỹ thuật máy tính (công nghệ máy tính, thiết kế vi mạch, kết nối dữ liệu, trí tuệ nhân tạo…); nhóm ngành công nghệ, kỹ thuật (công nghệ kỹ thuật ô tô, điện – điện tử…); kinh tế (kế toán, kiểm toán, tài chính ngân hàng, quản trị kinh doanh…); kiến trúc và thiết kế đô thị; du lịch, lữ hành; luật, tâm lý, truyền thông; công nghệ giáo dục; khoa học sức khỏe; công nghệ nông lâm, thực phẩm; thể dục thể thao; an ninh quốc phòng.
Tuy nhiên, ông Trần Anh Tuấn cho rằng với sự bùng nổ công nghệ số hiện nay khiến nhiều việc làm mất đi và cũng nhiều công việc mới sẽ xuất hiện nên quan trọng nhất là học sinh phải tự xác định giá trị của bản thân lựa chọn ngành học, chọn công việc phù hợp.
“Các em phải ý thức được rằng học là để làm việc chứ đừng hỏi học ngành đó để làm việc ở đâu, lương bao nhiêu, ngành nào hot… Các em phải nắm bắt xu hướng thị trường lao động. Ngoài kiến thức, các em phải rèn luyện kỹ năng, dấn thân, sáng tạo, nâng cao ngoại ngữ và phải chịu áp lực công việc mới có thể thành công” – ông Trần Anh Tuấn khuyên.