Học sinh 'chuộng' tổ hợp KHXH: Làm gì phải khơi dậy đam mê môn KHTN từ bậc THCS?
Theo nhiều chuyên gia, tỷ lệ thí sinh 'nghiêng' về lựa chọn môn KHXH nhiều hơn KHTN có thể ảnh hưởng đến nhu cầu nhân lực trong tương lai.
Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2025 đang đến gần. Đây là năm đầu tiên thực hiện kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Học sinh sẽ thi 2 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn và 2 môn tự chọn trong số 9 môn tính điểm của chương trình mới, bao gồm: Ngoại ngữ, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ.
Thực tế khảo sát chọn môn thi ở nhiều trường cho thấy, thí sinh có xu hướng lựa chọn bài thi với các môn thuộc tổ hợp Khoa học xã hội (như Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật) để thi tốt nghiệp trung học phổ thông chiếm tỉ lệ cao hơn so với bài thi với các môn thuộc tổ hợp Khoa học tự nhiên (như Vật lý, Hóa học, Sinh học).
Theo nhiều chuyên gia giáo dục, sự chênh lệch giữa tỷ lệ chọn môn Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội tại kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông có thể khiến nguồn đầu vào các ngành thuộc lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, kinh tế,... sụt giảm và không đáp ứng được đủ nhu cầu phát triển nhân lực của đất nước.
Thí sinh chọn tổ hợp môn xã hội vì nghĩ là giải pháp an toàn
Lý giải về vấn đề này, thầy Vũ Khắc Ngọc - Giáo viên hệ thống giáo dục HOCMAI cho biết, sự chênh lệch giữa tỷ lệ lựa chọn các môn thuộc Khoa học xã hội và Khoa học tự nhiên là điều dễ hiểu. Bởi lẽ, các em học sinh sẽ ưu tiên lựa chọn cách thi nào đơn giản hơn, nhanh hơn mà vẫn đạt được điểm cao. Các môn thuộc tổ hợp Khoa học xã hội được đánh giá là nhẹ nhàng và “dễ thở” hơn vì bài thi mang tính chất gần gũi với cuộc sống. Thí sinh có khả năng suy luận tình huống, suy đoán đáp án và dành thời gian để học thuộc là có thể đạt được điểm cao.
Trong khi đó, các môn thuộc tổ hợp Khoa học tự nhiên yêu cầu học sinh cần tư duy logic, phải nắm vững hệ thống kiến thức từ lớp 10, lớp 11 và lớp 12 mới có thể hiểu và làm bài tốt được. Xét về phổ điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông qua các năm, chúng ta cũng có thể dễ dàng nhận thấy các môn Khoa học xã hội thường có tỉ lệ điểm cao nhiều hơn so với các môn Khoa học tự nhiên.
Với những học sinh chưa vững kiến thức về các môn Khoa học tự nhiên, việc chọn bài thi Khoa học xã hội không chỉ đạt được mục tiêu tốt nghiệp trung học phổ thông trước mắt, mà còn quyết định vì sự đa dạng trong cách xét tuyển của các trường đại học hiện nay. Với xu hướng tự chủ trong công tác tuyển sinh, các tổ hợp xét tuyển của cơ sở giáo dục đại học cũng mở rộng và đa dạng nhiều môn hơn, trong đó nhiều trường thực hiện xét tuyển với nhiều tổ hợp mới bao gồm các môn xã hội.
Ngoài việc chú trọng vào 2 môn thi bắt buộc là Toán và Ngữ Văn, học sinh thường tập trung ôn luyện thêm môn Tiếng Anh kèm với 1-2 tổ hợp nữa là đủ điều kiện tốt nghiệp. Do đó, các em sẽ có xu hướng tất yếu là lựa chọn tổ hợp môn xã hội bởi vì dễ đạt điều kiện tốt nghiệp hơn.
Học sinh phải được học toàn diện, được va chạm với các môn học khác nhau để khám phá năng lực bản thân, hiểu rõ mỗi người phù hợp với môn học, ngành nghề nào. Nếu chỉ tập trung học Toán, Ngữ Văn, Tiếng Anh, không học các môn Khoa học tự nhiên hay Khoa học xã hội, thì khi vào lớp 10, các em không xác định được đúng tổ hợp để đăng ký.
Mặt khác, định hướng nghề nghiệp cho học sinh trung học cơ sở rất quan trọng, không chỉ ảnh hưởng đến việc hình thành mục tiêu giáo dục mà còn là cơ sở để các em xác định rõ hướng đi cho bản thân, từ đó lựa chọn tổ hợp môn học phù hợp với định hướng nghề nghiệp khi bước sang cấp trung học phổ thông.
Song, công tác hướng nghiệp của giáo dục Việt Nam cần đẩy mạnh và thực hiện hiệu quả hơn nhằm giúp học sinh xác định được mục tiêu học tập, từ đó chủ động trang bị năng lực nhận thức, tư duy vấn đề và kỹ năng toàn diện.
Ở các trường trung học phổ thông, cần có đội ngũ giáo viên có hiểu biết về lĩnh vực hướng nghiệp chuyên nghiệp để giúp các em định hướng lựa chọn môn học không phải theo cảm tính, dễ mới chọn, mà phải phù hợp với việc làm tương lai sau này. Đồng thời, các trường đại học khi giới thiệu ngành nghề cho học sinh cuối cấp trung học phổ thông, cũng nên làm công tác hướng nghiệp thật sự, không chỉ chủ yếu với mục đích tuyển sinh.
Đồng tình với ý kiến trên, thầy Trần Mạnh Tùng – giáo viên ở Hà Nội nhận định, hiện nay, các trường đại học sử dụng nhiều phương thức xét tuyển khác nhau bên cạnh việc xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Số thí sinh trúng tuyển sớm và những thí sinh có mục tiêu đi du học sẽ thường chọn tổ hợp thi nhẹ nhàng. Theo đó, tổ hợp môn Khoa học xã hội được nhiều học sinh cho là giải pháp an toàn, làm bài dễ dàng và thuận lợi hơn.
Có thể thấy, bài thi Khoa học tự nhiên đòi hỏi thí sinh học vững và có kiến thức nền tảng từ đầu cấp như Hóa học, Sinh học, Vật lý,... Trong khi đó, tổ hợp môn Khoa học xã hội có thể dễ học và đạt điểm tốt hơn. Khi điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông cao, cơ hội trúng tuyển đại học của học sinh cũng tăng lên. Ngoài ra, lựa chọn bài thi thuộc tổ hợp Khoa học xã hội cũng là phương án an toàn giúp học sinh đủ điều kiện để xét tốt nghiệp trung học phổ thông.
Bên cạnh đó, những năm qua, các môn Khoa học xã hội tiên phong trong việc điều chỉnh phương án dạy, học, làm đề gần gũi với thực tế cuộc sống. Điều đó giúp học sinh dễ tiếp cận hơn và điểm cao hơn. Ngược lại, các môn tự nhiên đang từng bước hoàn thiện. Do đó, tỷ lệ thí sinh lựa chọn bài thi Khoa học xã hội cũng nhiều hơn so với tỷ lệ chọn bài thi Khoa học tự nhiên.
Tạo sự hài hòa giữa các tổ hợp xét tuyển
Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục cũng cho rằng, lượng thí sinh chọn bài thi Khoa học xã hội nếu tiếp tục tăng trong những năm tới sẽ gây mất cân bằng nguồn lực, ảnh hưởng đến nguồn lao động chất lượng cao trong khối ngành công nghệ, khoa học, kỹ thuật, sức khỏe, kinh tế.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhìn từ bức tranh tổng thể, xu hướng học sinh ưu tiên các môn Khoa học xã hội hơn Khoa học tự nhiên có thể làm mất cân đối trong phát triển nguồn nhân lực. Trong bối cảnh xã hội đòi hỏi nhu cầu đào tạo và sử dụng lao động trong lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, công nghệ rất lớn, nhiều trường đại học có thể đối mặt với hạn chế nguồn tuyển sinh chất lượng.
Mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là giúp học sinh phát triển các phẩm chất, năng lực toàn diện, có những hiểu biết về các ngành nghề và có ý thức hướng nghiệp để tham gia làm việc vào thực tiễn cuộc sống.
Để thực hiện tốt mục tiêu này và giải quyết tình trạng chênh lệch giữa các tổ hợp môn thi tốt nghiệp, chúng ta cần tổ chức khảo sát thực tế, có đánh giá cụ thể về nguy cơ mất cân đối nguồn tuyển sinh và chất lượng nguồn tuyển sinh của các ngành để có giải pháp phù hợp, kịp thời, từ đó cần phải thực hiện tốt công tác hướng nghiệp cho học sinh.
Học sinh cần được tư vấn hướng nghiệp đầy đủ ngay từ cấp trung học cơ sở để chọn môn học phù hợp ở bậc trung học phổ thông, sau đó lấy đó làm căn cứ để xét tuyển đại học. Điều cốt lõi là các trường học phải thực hiện tốt công tác hướng nghiệp, giúp học sinh xác định đúng năng lực và định hướng cá nhân của mình. Nếu không sẽ dẫn đến tình trạng nhiều em chọn tổ hợp môn không phù hợp, thậm chí chỉ đăng ký các môn với lý do cho rằng dễ học, dễ hiểu và không đòi hỏi nhiều nỗ lực.
Cùng chia sẻ về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hòa – Trưởng Phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng đào tạo, Trường Đại học Giao thông vận tải cho rằng, các cơ sở giáo dục đại học, đặc biệt là các trường đào tạo lĩnh vực khoa học - kỹ thuật, không chỉ kỳ vọng vào chất lượng đầu vào sẽ tuyển được những sinh viên có nền tảng Khoa học tự nhiên tốt; mà còn mong muốn hệ thống giáo dục từ cấp trung học cơ sở đến trung học phổ thông chú trọng hơn vào công tác hướng nghiệp.
Chúng ta cần khơi dậy niềm đam mê về Khoa học tự nhiên cho học sinh ngay từ sớm, giúp các em hiểu rõ vai trò, ý nghĩa, giá trị và ứng dụng của các môn học này trong thực tiễn đời sống và nghề nghiệp công việc. Điều này sẽ góp phần đảm bảo sự phát triển hài hòa giữa các ngành nghề trong xã hội. Để làm được điều này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và các Sở Giáo dục và Đào tạo, thông qua các hoạt động trải nghiệm thực tế như về lĩnh vực STEM, các buổi tư vấn hướng nghiệp chuyên sâu và đưa nội dung ứng dụng khoa học vào chương trình giảng dạy. Những nỗ lực này sẽ giúp định hình tư duy khoa học, giảm thiểu tâm lý "ngại khó" về tìm hiểu các môn tự nhiên ở học sinh, đồng thời thúc đẩy nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước trong bối cảnh cách mạng công nghiệp hóa, hiện đại hóa 4.0.
Ngày nay, với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, xu hướng nghề nghiệp thay đổi nhanh chóng, liên tục. Nếu nguồn nhân lực không cung cấp đủ cho xã hội, thì nguy cơ thất nghiệp có thể hiện hữu bất cứ lúc nào. Việc học sinh, sinh viên phát triển tư duy, khả năng thích ứng, học tập toàn diện, nghiêm túc, trang bị đầy đủ kỹ năng và thái độ không chỉ là yêu cầu mà còn là chiến lược để thành công trong một thế giới năng động và nhiều thay đổi.
Có thể nói, việc trang bị những kiến thức nền tảng ở lĩnh vực khoa học tự nhiên, công nghệ, kỹ thuật giúp cho người học làm chủ, cải tạo được thế giới tự nhiên, nâng cao năng suất lao động, tạo ra nhiều của cải vật chất; song hành với những kiến thức khoa học xã hội giúp con người hợp tác, làm việc, nâng cao hiệu quả lao động trong cộng đồng ngày càng văn minh và phát triển.