Học sinh đã làm gì ra tiền mà đóng 'quỹ lớp'?
Mỗi thứ một ít, nhiều thứ cộng lại sẽ là một khoản tiền lớn mà không phải phụ huynh nào cũng kham nổi chuyện tiền trường của con em mình.
Trong các trường học phổ thông hiện nay có rất nhiều loại quỹ lớp được huy động đóng góp. Quá nhiều các loại quỹ nên giáo viên cũng được huy động đóng góp, phụ huynh cũng có quỹ, lớp học cũng có quỹ…
Điều đáng nói là một số trường học huy động tiền quỹ lớp quá nhiều trong năm học nên dẫn đến sự quá tải cho phụ huynh và học sinh.
Trong khi, đáng lẽ ra các loại quỹ lớp không cần thiết phải đóng một cục ngay từ đầu năm học nhiều đến vậy. Thậm chí, các khoản này không cần thu cũng được- nếu nhà trường làm đúng trách nhiệm của mình để trang bị những vật dụng cần thiết cho từng lớp học.
Có quá nhiều loại quỹ lớp
Quỹ lớp ngày nay rất đa dạng, có những lớp thực hiện thu theo năm, có lớp thu theo tuần, có lớp thu theo ngày…
Quỹ lớp có cả quỹ do phụ huynh đóng và quản lý, có quỹ lớp được huy động học sinh đóng-giáo viên giữ tiền, có những quỹ lớp được huy động hàng tuần do học sinh quản lý…
Dù ai huy động, quản lý thì thực tế nó cũng là khoản tiền xã hội hóa nhằm chi tiêu những hoạt động cho lớp học. Nhưng, thực tế hoạt động của các lớp học phổ thông, nhất là tiểu học và trung học cơ sở thì có cần thiết phải có quá nhiều loại quỹ hay không?
Nếu làm đúng, có lẽ học sinh không cần thiết phải đóng quỹ hoặc có đóng cũng chẳng bao nhiêu bởi lớp học thì có mấy hoạt động phải chi tiền đâu mà thu nhiều đến vậy.
Thông thường, đầu năm học thì các lớp mua vài cái chổi, cái khăn bàn là xong mà các khoản này thì nhiều trường học họ lấy kinh phí của nhà trường ra mua và phát cho các lớp. Nhưng, có một số trường lại yêu cầu giáo viên chủ nhiệm và học sinh phải mua.
Học kỳ I thì học sinh các lớp nhỏ có một hoạt động là tổ chức trung thu, các trường mà tổ chức cho học sinh thi lồng đèn thì chi phí cũng chỉ trên dưới 100 ngàn đồng/ sản phẩm.
Tiền để chi các hoạt động văn nghệ chào mừng ngày 20/11 thì cũng không phải trường nào cũng tổ chức bởi hiện nay chỉ có một số rất ít các trường lớn mới tổ chức hội diễn văn nghệ nên phần lớn các lớp học không phải chi phí.
Phụ huynh bị lăng mạ vì từ chối đóng tiền "tự nguyện", Bộ Giáo dục nói gì?
Tiền photo giấy kiểm tra thì học sinh đóng cả 1 học kỳ hoặc cả năm học cho giáo viên chủ nhiệm rồi. Vì vậy, việc thu quỹ lớp cũng không thực sự cần thiết. Nếu như lớp có việc đột xuất cần giúp đỡ một học sinh nào trong lớp thì huy động học sinh đóng góp sẽ hay hơn.
Việc huy động học sinh đóng quỹ trong ngày, trong tuần cực kỳ phiền toái và thậm chí gây khó khăn cho em thủ quỹ trong lớp.
Vì nhiều em học sinh còn nhỏ, được giáo viên chủ nhiệm phân công làm thủ quỹ khiến các em lo lắng vì phải thu và giữ tiền của các bạn trong lớp.
Lỡ không may có sai sót hay mất mát tiền thì em học sinh làm thủ quỹ sẽ rất khổ sở khi phải xin tiền của cha mẹ bù vào…Hơn nữa, các em còn nhỏ mà phải giữ một khoản tiền lớn không hẳn là một việc làm hay…
Việc phụ huynh trong lớp đóng quỹ thì thực ra cũng chỉ làm cái việc là ngày 20/11 đi tặng quà cáp cho giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn.
Nhưng, việc làm này có lẽ cũng không cần thiết vì dù sao thầy cô giáo cũng có lương hàng tháng. Trong khi nhiều phụ huynh thì lại quá nghèo.
Vì vậy, chúng tôi cho rằng việc duy trì đóng các loại quỹ lớp là không cần thiết. Chỉ cần đóng thì các khoản tiền đó phục vụ nhu cầu học tập, vui chơi chính đáng cho học trò mà thôi.
Tiền quỹ lớp lên đến gần cả triệu đồng, làm cho nhiều người phải khổ sở
Mấy ngày qua, trên các trang báo đã phản ánh một sự việc phụ huynh lớp 10 của một trường ở Hà Nội từ chối đóng tiền quỹ lớp và đã bị các phụ huynh khác trong lớp lăng mạ, xúc phạm- nghĩ thật buồn
Bộ không ban hành chế tài, lạm thu quỹ lớp, trường càng cấm càng biến tướng
Rồi, việc học sinh lớp 9 của Trường trung học cơ sở Thọ Dân (Triệu Sơn- Thanh Hóa) phải đóng tới hơn 5,4 triệu đồng/học sinh. Trong đó, tiền quỹ lớp là 800.000 đồng, tiền học thêm 2.550.000 đồng, quỹ phụ huynh, tiền xã hội hóa... với tổng số tiền 5.470.000 đồng.
Tiền quỹ lớp mà mỗi học sinh phải đóng đến 7-8 trăm ngàn đồng/ năm học, thậm chí có những lớp thu đến hàng triệu đồng thì có lẽ là quá nhiều và nó thực sự là gánh nặng cho phụ huynh nghèo.
Nhưng, dù nghèo khó mà lớp đã có chủ trương thì bắt buộc phụ huynh cũng phải ráng để theo. Vì nếu không theo thì xem như phụ huynh đó đứng ngoài cuộc lẻ loi mà ngay cả bản thân học sinh cũng bị bạn bè trong lớp bàn tán này nọ.
Đi học thì phải đóng tiền- đó đã là quy luật lâu nay mà phụ huynh nào cũng biết nhưng có lẽ các trường, các Hội cha mẹ học sinh và giáo viên chủ nhiệm cũng phải cân nhắc các khoản thu về quỹ lớp cho hợp lý, hợp tình.
Bởi, bên cạnh quỹ lớp còn có thêm quỹ trường và vô vàn các khoản xã hội hóa, học thêm, học tăng cường…
Mỗi thứ một ít, nhiều thứ cộng lại sẽ là một khoản tiền lớn mà không phải phụ huynh nào cũng kham nổi chuyện tiền trường của con em mình.
Tài liệu tham khảo:
https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/phu-huynh-bi-lang-ma-vi-tu-choi-dong-tien-tu-nguyen-bo-giao-duc-noi-gi-post212714.gd
https://giaoducthoidai.vn/thoi-su/lam-thu-dau-nam-o-thanh-hoa-nhieu-khoan-da-cam-van-phai-nop-pFlWcPFMR.html