Học sinh đoạt giải Ba 'Đại sứ giảm nhựa' với đề tài tái chế chai nhựa

Trần Tuấn Minh, học sinh lớp 7D trường THCS Thăng Long, quận Ba Đình, Hà Nội đã xuất sắc vượt qua hàng trăm tác phẩm đến từ 63 tỉnh thành trên cả nước để giành giải Ba cấp Quốc gia cuộc thi 'Đại sứ giảm nhựa'.

Để hoàn thành đề tài "Tái chế vỏ chai nhựa để làm vật chứa phân bón hữu cơ tự làm tại nhà", được biết Tuấn Minh đã dành thời gian hơn 1 tuần gom nguyên liệu và ủ phân. Minh bất ngờ và hạnh phúc khi giành được giải Ba chung cuộc cuộc thi do Bộ Tài Nguyên và Môi trường tổ chức hồi đầu tháng 12 tại Hà Nội.

Minh chia sẻ, gia đình em trồng một số cây cảnh và hoa để trang trí, tạo không gian xanh. Ngoài việc tưới nước, cây cần được cung cấp dinh dưỡng tuy nhiên nếu sử dụng phân bón hóa học lâu ngày sẽ làm đất bị khô cứng và thoái hóa. Trong khi mẹ em nấu ăn hàng ngày có nhiều vỏ củ, quả, vỏ trứng… Những thứ đó đều có thể trở thành nguyên liệu ủ thành phân bón hữu cơ. Vì vậy, em thường sử dụng các loại can nhựa để tự ủ phân bón hữu cơ tại nhà.

Quy trình thực hiện ủ phân hữu cơ rất đơn giản đó là, tận dụng các loại can nhựa cỡ lớn đã qua sử dụng, sau đó gom vỏ khoai tây, các cuống rau, vỏ trứng, một ít đất vụn, chế phẩm vi sinh xử lý rác thải hữu cơ và nước trộn lẫn. Dùng dao cắt hộp nhựa làm hai phần, trong đó phần thân làm vật đựng và phần nắp đậy kín để không bị mùi hôi phát tán ra môi trường.

Trần Tuấn Minh, học sinh lớp 7D trường THCS Thăng Long, quận Ba Đình, Hà Nội giành giải Ba cuộc thi Đại sứ giảm nhựa.

Trần Tuấn Minh, học sinh lớp 7D trường THCS Thăng Long, quận Ba Đình, Hà Nội giành giải Ba cuộc thi Đại sứ giảm nhựa.

Em cũng dùng vật nhọn để đục các lỗ ở đáy hộp nhằm hứng phần nước rỉ ra trong quá trình ủ phân, thu dung dịch hòa vào nước tưới cây. Sau khi ủ, xác thực phẩm sẽ biến thành phân bón hữu cơ rất tốt cho cây và rau xanh.

Ý tưởng này hình thành từ tình yêu thiên nhiên mà Tuấn Minh được mẹ truyền cảm hứng từ nhỏ về sự cần thiết của việc tái sử dụng và tái chế các sản phẩm nhựa trong sinh hoạt hàng ngày. Cùng với sự hướng dẫn của các thầy cô giáo trong nhóm Địa lí, tổ Khoa học xã hội trường THCS Thăng Long nên em đã chọn đề tài có tính ứng dụng thực tiễn cao.

Tuấn Minh cũng cho rằng, sử dụng túi ni lông để đựng đồ, thực phẩm đã trở thành thói quen khó bỏ của nhiều người trong khi vứt ra môi trường, các loại túi này mất từ 500 đến 1000 năm mới bị phân hủy. Điều này gây hại cho môi trường sống của con người rất nhiều. Trên thực tế, rác thải nhựa được phát sinh từ nhiều nguồn gốc khác nhau và chủ yếu là từ các hoạt động sản xuất, sinh hoạt của con người.

Cậu học trò Trường THCS Thăng Long cũng nói thêm, từ nhỏ, thường thấy mẹ dùng làn hoặc xe kéo tay để đi chợ thay vì dùng quá nhiều túi nilon. Nếu những đồ mà bắt buộc phải đựng bằng túi nilon thì mẹ sẽ thu thập lại để tận dụng làm túi đựng rác.

“Gia đình em cũng thường đi cắm trại vào cuối tuần hoặc các dịp nghỉ lễ, nhưng mẹ thường mang bộ khay, đĩa inox, đũa, thìa, không sử dụng bát đĩa nhựa dùng 1 lần. Những hành động của mẹ đã hình thành cho em các thói quen tốt cho cuộc sống”, em nói.

Dạy con bảo vệ môi trường từ nhỏ

Chị Ngân, mẹ của Tuấn Minh nói rằng, từ lâu gia đình chị đã hạn chế sử dụng rác thải nhựa dù đồ nhựa hiện nay có giá thành rẻ, nhiều mẫu mã và có tính tiện ích rất cao. Tuy nhiên, thông qua các thói quen hàng ngày, chị đã dạy con biết bảo vệ môi trường sống thông qua các việc cụ thể để các con làm theo.

Đó là luôn ưu tiên các lựa chọn có lợi cho sức khỏe của bản thân bằng cách mua thực phẩm, đồ đựng trong hộp bã mía thay vì hộp, bao bì bằng nhựa. Hay có thể lựa chọn mua các cửa hàng, quán nước có sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường hoặc các vật dụng thay thế đồ dùng một lần có thể tái sử dụng như thủy tinh, inox,...

"Nếu sử dụng đồ nhựa, không nên vứt đi mà có thể tái sử dụng vào những mục đích khác để vừa tiết kiệm, vừa bảo vệ môi trường vừa có thể giúp các con thỏa sức sáng tạo. Các sản phẩm có thể tái sử dụng như: làm ống cắm bút, chậu hoa, chậu trồng các loại cây nhỏ... làm đẹp không gian sống", theo chị Ngân.

Thầy Đào Hữu Sơn, giáo viên chủ nhiệm lớp 7D, THCS Thăng Long cho biết, trong các năm học, nhà trường luôn có các giờ học cung cấp kiến thức, thông tin về môi trường sống cũng như những việc làm có nguy cơ làm ô nhiễm môi trường.

Qua đó, giáo dục học sinh không vứt rác bừa bãi, không sử dụng túi ni lông, hộp nhựa, cốc giấy một lần… Biến kiến thức học vào ứng dụng thực tiễn, Tuấn Minh cho thấy dù là hành động nhỏ nhưng cũng có thể góp phần tạo nên những thay đổi lớn cho môi trường.

Việc Tuấn Minh tái chế vỏ chai nhựa để làm vật chứa phân bón hữu cơ không chỉ là một giải pháp giảm thiểu rác thải nhựa mang tính khả thi cao mà còn kết hợp tận dụng được nguồn rác thải hữu cơ từ nhà bếp. Sự kết hợp này đã khiến đề tài của Tuấn Minh trở nên sáng tạo và đạt hiệu quả bảo vệ môi trường cao hơn.

Cuộc thi "Đại sứ giảm nhựa" do Bộ Tài Nguyên và Môi trường tổ chức nhằm lan tỏa thông điệp kêu gọi mọi người cùng nhau chung tay bảo vệ môi trường, vì một tương lai xanh tươi cho thế hệ mai sau.

Hà Linh

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/hoc-sinh-doat-giai-ba-dai-su-giam-nhua-voi-de-tai-tai-che-chai-nhua-post1698729.tpo