Thuốc điều trị HIV được vinh danh là 'Đột phá của năm'
* Hy vọng mới cho bệnh nhân ung thư vú giai đoạn đầu
Ngày 12/12, Tạp chí khoa học Science của Mỹ đã vinh danh lenacapavir – một loại thuốc tiêm thế hệ mới được dùng để điều trị cho bệnh nhân nhiễm HIV là “Đột phá của năm”.
Thuốc lenacapavir, được bán dưới tên thương hiệu Sunlenca, do công ty dược sinh học Gilead Sciences phát triển.
Đây là một loại thuốc kháng virus thế hệ mới, nhắm tới việc ngăn chặn sự hình thành của capsid - vỏ protein bao quanh vật liệu di truyền của virus HIV và có nhiệm vụ chính là bảo vệ bộ gene của virus.
Từ năm 2022, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã phê duyệt lenacapavir để điều trị cho bệnh nhân nhiễm HIV đa kháng thuốc. Một nghiên cứu quy mô lớn mà Gilead Sciences thực hiện đối với phụ nữ trẻ và trẻ em gái vị thành niên ở châu Phi vào tháng 6 vừa qua cho thấy thuốc có hiệu quả phòng ngừa căn bệnh thế kỷ lên tới 100%.
Nhiều nhà nghiên cứu về HIV/AIDS hy vọng rằng loại thuốc do công ty dược phẩm sinh học Gilead Sciences của Mỹ phát triển sẽ có tác dụng giảm mạnh tỷ lệ lây nhiễm trên toàn cầu khi được sử dụng là thuốc điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP).
Một nghiên cứu mới đã mang đến hy vọng cho hàng triệu phụ nữ mắc bệnh ung thư vú ở giai đoạn đầu. Theo đó, một số bệnh nhân có thể được theo dõi chặt chẽ và chỉ cần dùng đến các phương pháp điều trị truyền thống như phẫu thuật và xạ trị nếu bệnh tiến triển xấu.
* Theo nghiên cứu được tờ The Wall Street Journal đăng tải ngày 12/12, với một số trường hợp ung thư vú ở giai đoạn rất sớm, việc theo dõi thường xuyên có thể là một lựa chọn hiệu quả. Điều này tương tự như cách tiếp cận mà các bác sỹ đã áp dụng cho bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn đầu. Bằng cách này, bệnh nhân có thể tránh được những tác dụng phụ và chi phí liên quan đến phẫu thuật và xạ trị không cần thiết.
Chuyên gia ung thư vú Nancy Chan tại Trung tâm Ung thư Perlmutter của NYU Langone (Mỹ) đã bày tỏ sự lạc quan khi nhấn mạnh đây là nghiên cứu đầu tiên xác nhận giả thuyết rằng một nhóm nhỏ bệnh nhân có nguy cơ thấp có thể đạt được kết quả điều trị tốt mà không cần phẫu thuật.
Tuy nhiên, vẫn còn một số tranh cãi về việc liệu phương pháp này có thực sự an toàn và hiệu quả trong dài hạn hay không. Một số bác sỹ cảnh báo rằng vẫn thiếu dữ liệu dài hạn để đảm bảo tính an toàn của phương pháp, khi cuộc tranh luận về mức độ điều trị ung thư vú giai đoạn đầu và việc phân loại một số trường hợp có phải là ung thư hay không vẫn đang tiếp diễn.
Khoảng 300.000 phụ nữ ở Mỹ được chẩn đoán mắc ung thư vú di căn mỗi năm. Tuy nhiên, khoảng 50.000 người khác được chẩn đoán mắc biểu mô ống tuyến vú tại chỗ (DCIS), một dạng ung thư vú giai đoạn đầu khi các tế bào bất thường xuất hiện bên trong ống dẫn sữa ở vú. Bản thân căn bệnh này không gây ra nhiều nguy cơ nhưng vẫn có thể tiến triển xấu đi và phát triển thành ung thư di căn.