Học sinh đội tuyển Olympic luôn coi tận hiến là hạnh phúc

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, 'chiến binh' các đội tuyển Olympic quốc tế phải ôn luyện và thi tài trong điều kiện đặc biệt, tuy nhiên thầy và trò đã nỗ lực làm rạng danh Việt Nam trên bản đồ trí tuệ thế giới.

Năm học sinh (áo xanh) đều đoạt Huy chương Kỳ thi Olympic Vật lý quốc tế (IdPhO 2020).

Năm học sinh (áo xanh) đều đoạt Huy chương Kỳ thi Olympic Vật lý quốc tế (IdPhO 2020).

Học sinh tuyển Olympic ôn luyện mùa Covid

Thầy Phạm Sỹ Cường - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Đại học Sư phạm chia sẻ rằng: Trong điều kiện dịch bệnh phức tạp, thầy và trò các đội tuyển thi Olympic quốc tế vẫn cố gắng thực hiện việc ôn luyệnbình thường với điều kiện đảm bảo giãn cách, tăng sức đề kháng và các biện pháp phòng dịch.

“Trong điều kiện hiện nay, các em cũng tập làm việc trên máy tính nhiều hơn, kết nối mạng tốt nhất để nếu cần sẽ sẵn sàng thi qua mạng bình thường. Tôi cho rằng, trong hoàn cảnh bất thường, giữ, rèn được trạng thái bình thường thì cơ hội thành công rất cao.”, thầy Phạm Sỹ Cường cho hay.

Giải đáp băn khoăn về chất lượng thi quốc tế bằng hình thức trực tuyến, thầy Phạm Sỹ Cường nhận định: Thi trực tuyến là được thi ngay trên sân nhà, tâm lý học sinh sẽ tự tin hơn. Tuy nhiên, vấn đề chất lượng và nghiêm túc của kỳ thi luôn được bảo đảm. Thi học sinh giỏi trực tuyến còn được tổ chức nghiêm túc, quy mô hơn, có sự giám sát từ xa, tự giám sát của nhiều lực lượng nên luôn bảo đảm sự công bằng, nghiêm túc. Em yên tâm nhé!

Theo thầy Cường, ưu điểm của HS Việt Nam là thông minh, nhanh nhạy, thích ứng giỏi, nắm các vấn đề lí thuyết nhanh… Có thể học trước, học sâu…

Tuy nhiên, hạn chế của các em cũng còn khá nhiều: Sức khỏe và thể lực chưa được rèn luyện đầy đủ; các em cũng không được chuẩn bị về cân bằng tâm lí lứa tuổi; kĩ năng thực hành còn yếu; kĩ năng sống chủ yếu tự mò mẫm, chưa được trang bị bài bản; nhiều vùng năng lực ngoại ngữ và khả năng thuyết trình chưa tốt.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Tận hiến là hạnh phúc

Hiện nay, theo quy định chung, phần thưởng học sinh đoạt giải các kỳ thi học sinh giỏi còn khá khiêm tốn. “Tôi mong rằng xã hội hãy quan tâm hơn để động viên các cháu, tạo điều kiện tốt nhất cho các con. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn giúp các con hiểu rằng: có những niềm hạnh phúc, những phần thưởng thầm lặng, đó là mình được làm điều mình thích, mình có một cái “đầu” tốt để ngẩng cao. Mình giỏi và tận hiến đã là hạnh phúc và trái ngọt sẽ đến.”, thầy Phạm Sỹ Cường nhấn mạnh.

Đối với giáo viên, huấn luyện đội tuyển,Bộ GD-ĐT có những quy định về phụ cấp 70% lương cho giáo viên dạy chuyên; mỗi tỉnh/ thành, mỗi nhà trường lại có thể nhân hệ số, tạo điều kiện riêng cho thành viên của trường mình.

Thầy Phạm Sỹ Cường cho rằng, điều quan trọng nhất là sự tôn trọng, thấu hiểu các thầy cô và tạo điều kiện về vật chất và tinh thần theo điều kiện của từng đơn vị. Các thầy cô huấn luyện đội tuyển luôn xác định phải cống hiến, hy sinh rất nhiều để gặt hái thành công.

Rộng mở cơ hội làm thành viên đội tuyển

Nhiều học sinh quan tâm đến cơ hội để có tên trong danh sách đội tuyển thi Olympic. Thầy Phạm Sỹ Cường cung cấp thông tin: Để có tên trong danh sách đi thi Olympic, trước hết, các em phải trải qua một kì tuyển chọn của các Sở GD-ĐT hoặc của các trường ĐH có trường THPT Chuyên. Các đội tuyển được thành lập để thi chọn học sinh giỏi Quốc gia do Bộ GD-ĐT tổ chức. Đạt được ngưỡng điểm theo quy định, các em mới có cơ hội thi vòng 2 chọn các đội tuyển đi thi Olympic quốc tế và khu vực. Phải vượt qua rất nhiều “cao thủ” trong cả nước mới được ghi tên vào danh sách thi quốc tế.

Nếu không học tại các trường chuyên thìđể vào đội tuyển thi Olympic quốc tế, em phải vượt qua kì thi chọn học sinh giỏi quốc gia với thành tích cao nhất. Ở các tỉnh vẫn có kì thi chọn học sinh giỏi tỉnh để lựa thành viên cho đội thi quốc gia. Vì vậy, nếu em thực sự giỏi, sẽ được tham gia kì thi này của các tỉnh và có cơ hội được thể hiện mình. Đương nhiên sẽ là chặng đường dài khó khăn hơn các bạn học chuyên.

“Các em có thể hình dùng, thi Olympic quốc tế là một cuộc chạy Maraton, “siêu Maraton”, trong khi Việt Nam mình chưa có điều kiện “phổ cập Maraton” vì vậy, nếu không có các trường Chuyên thì cơ hội này là rất khó…”, thầy Phạm Sỹ Cường nhấn mạnh.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/trao-doi/hoc-sinh-doi-tuyen-olympic-luon-coi-tan-hien-la-hanh-phuc-2kk4vixGR.html