Học sinh gồng mình chạy đua với các kỳ thi riêng để giành vé vào đại học

Để tranh suất vào trường đại học top đầu, thay vì chỉ dựa trên kỳ thi tốt nghiệp THPT, nhiều học sinh lớp 12 chia sẻ đang phải 'chạy sô' học thêm chuẩn bị cho hàng loạt kỳ thi riêng sẽ tổ chức liên tục bắt đầu từ tháng 1 tới.

Học sinh quay cuồng học chính, học thêm

Đặt mục tiêu điểm thi tốt nghiệp THPT phải 25 điểm trở lên và trên 100 điểm với kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội, Lê Nhật Tùng - học sinh lớp 12A Trường THPT Việt Trì (Phú Thọ) quay cuồng với lịch học trải kín cả tuần. "Ngoài thời gian học trên lớp, vào các buổi tối trong tuần em đều đi học thêm. Riêng tiếng Anh, em học ở trung tâm vào ngày cuối tuần kết hợp học trực tuyến. Thời gian còn lại, em tranh thủ vào các nhóm luyện thi để tìm hiểu thông tin, tham khảo các đề thi đánh giá năng lực của những năm trước để ôn luyện".

Tùng cho biết, nếu chỉ trông chờ vào điểm thi tốt nghiệp THPT thì sẽ khó đỗ vào trường đại học mà em yêu thích.

Trần Gia Bách - học sinh lớp 12 Trường THPT Trung Văn (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã luyện thi cả IELTS và SAT từ năm lớp 11 để xét tuyển sớm. Thời gian này, Bách vừa phải học và ôn để tham gia các kỳ thi khảo sát của trường, vừa tập trung ôn các môn thi tốt nghiệp, vừa phải tự học và "cày" đề chuẩn bị cho kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội và kỳ thi đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa.

Lý do Bách lựa chọn đăng ký các kỳ thi riêng vì muốn tăng cơ hội trúng tuyển. "Nếu điểm hai kỳ thi đánh giá năng lực và đánh giá tư duy tổ chức vào đầu năm tới mà tốt thì coi như em đỗ đại học sớm, thời gian còn lại chỉ cần học đủ điểm tốt nghiệp THPT là xong. Vì vậy, dù có mệt đến mấy em cũng phải cố gắng hết sức giai đoạn này".

Thí sinh xem số báo danh và phòng thi tại một điểm thi đánh giá năng lực năm 2024.

Thí sinh xem số báo danh và phòng thi tại một điểm thi đánh giá năng lực năm 2024.

Chia sẻ với phóng viên, chị Nguyễn Kim Oanh - phụ huynh có con năm nay học lớp 12 Trường THPT Thăng Long (Hà Nội) cho biết, nhằm rộng đường xét tuyển vào đại học, con gái chị cùng lúc thi lấy chứng chỉ cả SAT và IELTS, chưa kể học thêm các môn để dự thi đánh giá năng lực nên lịch học dày đặc và tốn kém hàng chục triệu đồng. "Đặt mục tiêu vào các trường đại học danh tiếng nên ngoài học kiến thức ở trường, con tôi học thêm 8 buổi mỗi tuần cùng với học trực tuyến 2 buổi. Thời gian ngủ nghỉ, ăn uống của cháu vì thế cũng rất hạn chế, có khi chỉ vài tiếng mỗi ngày. Nhiều lúc thấy con đi học về mệt mỏi nhưng tôi cũng chỉ biết động viên và chú ý đến chế độ dinh dưỡng cho con đủ chất để con có sức khỏe và tinh thần tốt".

Không nên "tham" quá nhiều kỳ thi

Để đáp ứng các kỳ thi riêng, học sinh phải học gấp nhiều lần bình thường, áp lực theo đó cũng gia tăng.

Dành lời khuyên cho các em học sinh lớp 12, cô Nguyễn Thanh Ngọc - giáo viên dạy cấp THPT quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho rằng: "Các kỳ thi riêng hiện nay đều có định hướng vào các lĩnh vực khác nhau. Vì vậy, các em cần tìm hiểu kỹ, xác định rõ kỳ thi nào là cần thiết và chỉ cần chọn một kỳ thi phù hợp với năng lực và nguyện vọng của bản thân để đăng ký dự thi, không nên "tham" quá nhiều kỳ thi để không bị phân tán, quá tải và tốn kém cả về thời gian, tiền bạc lẫn sức lực".

Theo ThS. Nguyễn Quang Trung - Phó trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường ĐH Thương mại, thí sinh đăng ký nhiều kỳ thi riêng sẽ có tác động hai mặt. Mặt tích cực rõ ràng là thí sinh có nhiều lựa chọn, cơ hội xét tuyển khi hầu hết trường dành chỉ tiêu cho các kỳ thi riêng. Tuy nhiên, việc này cũng khiến thí sinh đối mặt hàng loạt vấn đề như tốn thời gian, công sức, tiền bạc, lại thêm áp lực và dễ bị phân tâm.

"Chuẩn bị, ôn luyện thật tốt cho một kỳ thi không đơn giản, cần đầu tư nhiều thời gian. Trong khi đó, mỗi kỳ thi riêng lại có cấu trúc, dạng đề khác nhau.

Để kết quả thi tốt nhất, các em học sinh cần xác định rõ phương thức sẽ dùng để xét tuyển. Chẳng hạn, nếu thí sinh đã có chứng chỉ quốc tế thì không nhất thiết thi riêng nữa. Thay vào đó, các em nên tập trung thi tốt nghiệp THPT hoặc duy trì điểm học bạ để xét tuyển kết hợp. Còn nếu thi riêng, thí sinh chỉ nên chọn một kỳ để ôn cho kỹ, không cần dàn trải".

Năm 2024, hàng loạt trường đại học duy trì hình thức tổ chức kỳ thi riêng trong đề án tuyển sinh như: ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP.CM, ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM...

Luật Giáo dục đại học quy định các cơ sở giáo dục đại học được tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh. Do đó, các trường đại học căn cứ trên quy chế tuyển sinh hiện hành hoàn toàn được phép tổ chức các kỳ thi riêng.

Đỗ Vi

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/hoc-sinh-gong-minh-chay-dua-voi-cac-ky-thi-rieng-de-gianh-ve-vao-dai-hoc-169241213154653366.htm