Học sinh Hà Nội có thể đi học trở lại vào nửa đầu tháng 5

'Nếu tình hình tốt lên, nửa đầu tháng 5, TP có thể sẽ cho học sinh đi học trở lại. Chúng ta đã có điều chỉnh kế hoạch năm học, khi điều kiện cần và đủ chúng ta cần triển khai cho học sinh đi học. Nội dung này TP sẽ có chỉ đạo sau' – Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý nói.

Ngày 20/4, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của TP Hà Nội họp trực tuyến dưới sự chủ trì của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung – Trưởng ban Chỉ đạo. Tham dự cuộc họp có Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý; lãnh đạo các sở, ngành và 30 quận, huyện, thị xã.

Dịch bệnh còn phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh ca bệnh, ổ dịch mới

Tại phiên họp, Sở Y tế Hà Nội báo cáo cho biết, tại Việt Nam, đến ngày 19/4/2020 ghi nhận 268 ca mắc (201 trường hợp đã khỏi ra viện, 67 trường hợp đang điều trị, chưa có trường hợp từ vong).

Tại Hà Nội có 112 ca mắc, 75 trường hợp đã khỏi ra viện, 37 trường hợp đang điều trị. Trong tuần, Hà Nội có 04 ca mắc mới (03 trường hợp tại thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh; 01 trường hợp tại thôn Đông Cứu, xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín) giảm 10 ca so với tuần trước đó (tuần trước 14 ca). Từ ngày 15/4/2020 đến nay không có thêm ca mắc mới.

 Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của TP Hà Nội họp trực tuyến dưới sự chủ trì của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung – Trưởng ban Chỉ đạo

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của TP Hà Nội họp trực tuyến dưới sự chủ trì của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung – Trưởng ban Chỉ đạo

Sở Y tế nhận định, số ca mắc giảm so với tuần trước là tín hiệu đáng mừng, song đây cũng là thách thức trong kiểm soát dịch lây lan, bởi số ca mắc giảm nên người dân biểu hiện chủ quan, lơ là trong việc tuân thủ quy định giãn cách xã hội.

Mặt khác, theo phân nhóm nguy cơ của Ban chỉ đạo Trung ương gồm 3 nhóm: Nhóm nguy cơ cao, nhóm nguy cơ và nhóm nguy cơ thấp; Hà Nội là địa phương trong nhóm nguy cơ cao (gồm 12 tỉnh/thành phố).

Vì vậy, tình hình dịch bệnh trên địa bàn Thành phố còn phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh ca bệnh, ổ dịch mới nên cần tiếp tục chủ động, quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch.

Nhiệm vụ đặt ra, Hà Nội tiếp tục thực hiện nghiêm Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ; Chỉ thị số 31 của Thành ủy Hà Nội và Chỉ thị số 05 của Chủ tịch UBND Thành phố.

Tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 42 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, đảm bảo kịp thời, công khai, minh bạch, đúng đối tượng, không để lợi dụng, trục lợi chính sách, tham nhũng, tiêu cực.

Các địa phương, đơn vị tập trung điều tra, xác minh những trường hợp liên quan tới ca bệnh, ổ dịch để giám sát, theo dõi sức khỏe, áp dụng biện pháp cách ly y tế theo quy định. Rà soát những người đã hoàn thành cách ly tập trung từ các tỉnh về nhưng chưa được xét nghiệm lần 2 để tiếp tục giám sát sức khỏe 14 ngày (kể từ ngày về địa phương).

Tiếp tục thực hiện biện pháp khoanh vùng cách ly, xử lý triệt để đối với 2 ổ dịch tại thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh và ổ dịch tại xóm Trên, xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín.

Tiếp tục xét nghiệm nhanh tại cộng đồng để kịp thời phát hiện các trường hợp mắc bệnh. Xây dựng Chiến lược xét nghiệm trong giai đoạn mới theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Học sinh có thể trở lại trường vào nửa đầu tháng 5

Tại phiên họp, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý nêu mặc dù đang trong thời gian cách ly xã hội, song hiện nay người dân ra đường đông hơn, thậm chí còn không đeo khẩu trang, nhiều cửa hàng “nửa đóng nửa mở”…

Phó Chủ tịch UBND TP yêu cầu các đơn vị cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 16 của Thủ tướng đến ngày 22/4, triển khai Nghị quyết 42 với đối tượng được xác định rõ như hộ gia đình chính sách, bảo trợ xã hội, hộ nghèo. Cùng với đó, tiếp tục thực hiện giải pháp phát triển kinh tế xã hội theo điều kiện cho phép; chủ động chuẩn bị phương án chuẩn bị cơ sở vật chất, nguồn nhân lực nếu dịch tiếp tục xảy ra.

“Nếu tình hình tốt lên, nửa đầu tháng 5, TP có thể sẽ cho học sinh đi học. Chúng ta đã có điều chỉnh kế hoạch năm học, khi điều kiện cần và đủ chúng ta cần triển khai cho học sinh đi học. Nội dung này TP sẽ có chỉ đạo sau” – Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý nói.

Ngày thứ 5 ổ dịch thôn Hạ Lôi không có ca nhiễm mới

Về ổ dịch tại xã Mê Linh, Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Đoàn Văn Trọng cho biết, đến nay đã lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ người dân 3 thôn của xã Mê Linh, kết quả ngoài những ca bệnh đã công bố, chưa phát hiện thêm trường hợp dương tính nào. Từ ngày 15/4, sau ca bệnh 146 được công bố, đến nay thôn Hạ Lôi chưa có thêm ca nhiễm mới.

Chủ tịch UBND huyện cho biết việc cách ly tại thôn Hạ Lôi tiếp tục được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định. Bên cạnh đó, Chủ tịch huyện nêu đặc thù người dân Mê Linh làm nghề trồng hoa cây cảnh nên nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục ổn định những ngày tới, huyện cân nhắc để bà con trong trường hợp thực sự cần thiết có thể ra ngoài vườn hoa chăm sóc (không được bán hoa, cây cảnh), bảo đảm năng suất cho thời gian về sau.

Huyện Thường Tín cho biết, đã lấy mẫu 233 trường hợp tại Chợ Hà Vĩ và toàn bộ người dân xóm Trên thôn Đông Cứu (nơi ở bệnh nhân 266), đều cho kết quả âm tính.

Việc cách ly tại đây cũng được thực hiện đúng theo kế hoạch: đảm bảo đầy đủ nhu yếu phẩm cho người dân; triển khai kiểm soát với 3 chốt cứng và 6 chốt mềm; bố trí 1 bách sỹ, 2 điều dưỡng, 2 đội cơ động và xe cứu thương khám chữa bệnh và sẵn sàng cấp cứu cho nguời dân trong khu cách ly; thực hiện vệ sinh môi trường, quản lý rác thải…

Huyện tiếp tục thực hiện tốt cách ly xã hội theo đúng Chỉ thị của Chính phủ và Thành phố. Làm nghiêm công tác 2 điểm chốt tại Pháp Vân - Cầu Giẽ; các bến đò ngang. Qua đó, đã kiểm soát được 16.655 lượt người với 11.677 phương tiện ra vào.

Có 2 trường hợp F1 và 15 trường hợp F2 liên quan BN 188 dương tính trở lại

Báo cáo về BN 188 dương tính với Covid-19 sau khi được ra viện, Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đinh Mạnh Hùng cho hay huyện xác định 2 trường hợp F1 và 15 trường hợp F2.

Bệnh nhân này được về địa phương từ 14h ngày 16/4, nhưng ngay sáng hôm sau thì bệnh nhân đã có biểu hiện ho khan, hơi tức ngực. Ngày 17/4 bệnh nhân được lấy mẫu và ngày 18/4, bệnh nhân được Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương xác định dương tính với Covid-19.

Bệnh nhân đã được chuyển về Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương để cách ly, điều trị. Các trường hợp tiếp xúc đã lấy mẫu, đều âm tính và được cách ly theo quy định.

Ông Hùng cũng cho biết chiều 18/4, chính quyền xã đã lập chốt tại ngõ bệnh nhân cư trú, yêu cầu các hộ dân không ra ngoài. Mỗi nhà chỉ được 1 người ra ngoài mua nhu yếu phẩm và phải được đo thân nhiệt. Khu vực cũng được phun hóa chất khử khuẩn ngày 1 lần.

“Sáng nay trên mạng chúng tôi có thấy thông báo của Bộ Y tế thông tin kết quả xét nghiệm âm tính của bệnh nhân 188. Nhưng khi hỏi lại CDC thành phố thì cũng chưa nhận được thông tin này”, ông Hùng nói.

Hà Nội có thể sẽ hạ mức cảnh báo

Kết luận phiên họp, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, Singapore đã trở thành quốc gia Đông Nam Châu Á có ca nhiễm cao nhất với hơn 6.500 người. Ở Hokaido (Nhật Bản) bắt đầu cách ly xã hội như Việt Nam từ tháng 1, nhưng cách đây 1 tuần lại phải phong tỏa chặt trở lại.

 Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung phát biểu tại phiên họp

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung phát biểu tại phiên họp

Liên quan đến BN 188 dương tính trở lại sau khi ra viện, Chủ tịch UBND TP cho rằng tình trạng này không có gì lạ, bởi đến nay chưa có vaccine để chữa được virus này hoàn toàn, virus có nhiều biến thể và có thể vẫn nằm trong cơ thể người và tăng trở lại. Vì vậy, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung yêu cầu các trường hợp dương tính sau khi được điều trị, âm tính, ra viện và các trường hợp từ nước ngoài về sau khi hết thời hạn cách ly tập trung, khi trở về nhà cần tổ chức cách ly tiếp 14 ngày, thậm chí cách ly trong 30 ngày cho an toàn. “Nếu không sẽ có nguy cơ tiềm tàng, hoàn toàn các trường hợp này đi ra ngoài có thể phát tán virus mà họ không hề biết” – Chủ tịch UBND TP nói.

Qua thực tiễn gần 100 ngày tại Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung khẳng định sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp chính quyền TP và người dân nên Hà Nội đã làm chủ được tình hình dịch bệnh trên địa bàn, các ổ dịch được dập triệt để.

“Nếu đến ngày 22/4, trên địa bàn nóng bỏng như Hà Nội không phát hiện ca nhiễm nào thì có thể sẽ hạ mức cảnh báo, nhưng không giải phóng toàn bộ mà thực tiễn gỡ bỏ cách ly từ từ. Chúng ta sẽ không gỡ hết lệnh phong tỏa, đặc biệt là những nơi có nguy cơ cao như Mê Linh, Thường Tín. Chúng ta không thể chủ quan bởi việc ủ bệnh, lây nhiễm, tái lây nhiễm có thể kéo dài hơn 30 ngày” – Chủ tịch nói và nhấn mạnh các yếu tố bắt buộc như đeo khẩu trang, sát khuẩn, giữ khoảng cách an toàn.

Trên cơ sở đó, Chủ tịch UBND TP yêu cầu cần người dân thực hiện tốt Chỉ thị 16 của Thủ tướng, Chỉ thị 05 của TP. Qua các nhà nghiên cứu dịch tễ học của Bỉ, việc lây nhiễm tại những nơi tập thể dục công cộng có nguy cơ rất cao. Vì vậy, Chủ tịch khuyến cáo người dân làm tốt công tác phòng ngừa. Các trường hợp cửa hàng không phải bán hàng thiết yếu mà mở cửa thì phải xử phạt nghiêm, kể cả các trường hợp không đeo khẩu trang.

TP đồng ý với đề xuất của Chủ tịch Bắc Từ Liêm xét nghiệm tại các chợ đầu mối Minh khai; tiếp tục tăng cường kiểm tra các cửa hàng ăn, karaoke, không phải dịch vụ thiết yếu. Sở Công thương thành lập đoàn liên ngành gồm ngành công thương, tài chính, công an TP rà soát lại các đơn vị đã mua sắm trang thiết bị y tế.

Thủy Tiên - Công Thọ

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/hoc-sinh-ha-noi-co-the-di-hoc-tro-lai-vao-nua-dau-thang-5-381843.html