Học sinh hào hứng với Hành trình Biệt động Sài Gòn
Các em học sinh giỏi cấp quận của Trường THCS Minh Đức (quận 1, TP.HCM) vừa nhận được một phần thường rất đặc biệt từ nhà trường - buổi ngoại khóa Hành trình Biệt động Sài Gòn.
Tham gia hành trình, các em học sinh đã tới thăm các di tích là căn cứ của các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn năm xưa tại TP. Khi tới Quán Nhan Hương- Di tích lịch sử cấp Thành phố, học sinh vô cùng bất ngờ, bởi nhìn vào, đây là một quán ăn bình thường nhưng qua tìm hiểu và được lắng nghe mới mới biết đây là cơ sở bí mật của lực lượng Biệt động Sài Gòn - Gia Định.
Sau khi tham quan, tìm hiệu Quán Nhan Hương, các em được di chuyển tới một địa chỉ đỏ là căn nhà số 287/70 đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3. Căn hầm nằm trong căn nhà nói trên từng chứa 2 tấn vũ khí của Biệt động Sài Gòn.
Đây là nhà của Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Trần Văn Lai, thành viên đơn vị Biệt động 159 khu Sài Gòn - Gia Định. Và tới năm 1988, Di tích “Hầm chứa vũ khí của Biệt động Sài Gòn tấn công Dinh Độc Lập Tết Mậu Thân 1968” được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia.
Tại đây, sau khi được chui xuống hầm, tham quan, tìm hiểu các loại vũ khí được trưng bày ở đây, học sinh được gặp và lắng nghe câu chuyện mà cô Chín Nghĩa, (cô tên thật là Vũ Minh Nghĩa bí danh Chính Nghĩa)-nữ chiến sĩ duy nhất tham gia trận đánh Dinh Độc Lập vào rạng sáng mùng 2 Tết Mậu Thân, chia sẻ về tình đồng chí, đồng đội, về sự hi sinh anh dũng của các chiến sĩ, nhiều bạn học sinh đã bật khóc.
“Khi cô kể về việc cô xin ra trận cầm súng thay vì làm giao liên, rồi cô kể về người chỉ huy trưởng dù bị thương đã từ chối dùng bông băng sơ cứu vì cho rằng mình bị quá nặng, bông băng sơ cứu không có tác dụng. Nó không có nhiều, để dành cho các đồng chí khác… Và người đồng đội, người chỉ huy trưởng ấy trước lúc ra đi đã chia sẻ rằng “tôi chỉ đi cùng các đồng chí đến đây thôi. Quãng đường còn lại các đồng chí tự gánh vác trên đôi vai mình… Con đã bật khóc và nhiều bạn cũng khóc vì xúc động”, Yến Vy nói.
Theo Yến Vy, câu chuyện đã giúp các em hiểu sâu sắc hơn về tình đồng chí, đồng đội, bằng hữu trong lúc chiến đấu, vào sinh ra từ là đáng trân quý. Họ là những người từ đầu không quen biết nhưng vì một mục tiêu lý tưởng chung yêu nước, xả thân vì đất nước mà họ đã ở bên nhau, hi sinh vì nhau là điều vô cùng xúc động, trân quý.
Theo cô Trần Thúy An, Hiệu trưởng nhà trường, trường có nhiều hình thức thưởng cho các em HS có thành tích trong học tập, thi đua, phong trào thể dục thể thao, phong trào đội và một chuyến ngoại khóa về các địa chỉ đỏ là một trong những hình thức đó. Bên cạnh những giấy khen, phần quà thì chuyến hành trình giúp các em hiểu hơn về các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn, về sự hi sinh anh dũng của họ cho Tổ quốc.
Ngay giữa lòng thành phố, những địa chỉ đỏ ấy khi các em tới tham quan, tìm hiểu, được lắng nghe những câu chuyện thú vị, xúc động, ý nghĩa đó đã giúp các em hiểu, nhớ lâu hơn và có thêm những bài học cho bản thân mình.
Bên cạnh đó, chuyến đi giúp các em ý thức được việc tiếp tục nỗ lực học tập đạt kết quả tốt hơn để có thêm nhiều chuyến đi thú vị,ý nghĩa, bổ ích.
Ngoài việc đưa học sinh tham quan, tìm hiểu, trường cũng kết hợp với sinh hoạt chuyên đề của Chi bộ nhà trường để các đảng viên và cảm tình đảng trong trường hiểu thêm về tinh thần dũng cảm, sự hi sinh mất mát về tài sản, tính mạng của những người cộng sản hoạt động trong lòng địch.