Học sinh không học chuyên đề học tập lựa chọn, thi tốt nghiệp năm 2025 thế nào?

Theo quy định Chương trình học ở cấp THPT theo Chương trình GDPT 2018 mỗi học sinh cấp THPT bắt buộc phải lựa chọn học 3 cụm chuyên đề của 3 môn học với mỗi năm học là 35 tiết chuyên đề lựa chọn/môn học và tổng số là 105 tiết/ 3 năm học cấp THPT theo đúng mục đích của Chương trình GDPT 2018.

Ngày 18.10.2024, Bộ GD-ĐT công bố 17 đề thi tham khảo Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) từ năm 2025 cho tất cả các môn học được quy định trong kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 với mục đích 2018 để định hướng cho học sinh và giáo viên học tập, giảng dạy, ôn tập phục vụ cho kỳ thi tốt nghiệp THPT của năm 2025, năm đầu tiên thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình GDPT 2018.

 Học sinh dự thi tốt nghiệp

Học sinh dự thi tốt nghiệp

Có bất cập nảy sinh

Theo nhận định của nhiều giáo viên dạy các môn học theo Chương trình GDPT 2018 cấp THPT thì các môn học có đề thi tham khảo vừa được Bộ GD-ĐT công bố được ra đúng theo Quyết định 764/QĐ-BGDĐT, ngày 8.3.2025 của Bộ trưởng, Bộ GD-ĐT quy định về cấu trúc định dạng đề thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.

Các câu hỏi được ra đều bám sát yêu cầu cần đạt của chương trình các môn học của Chương trình GDPT 2018 cấp THPT.

Ngoài môn Ngoại ngữ theo Chương trình GDPT 2018 không có các chuyên đề lựa chọn của môn học theo quy định của chương trình, còn ở hầu hết các đề thi tham khảo các môn thi trừ môn Sinh học, môn Ngữ văn vừa được công bố thì các môn thi còn lại đều có khoảng 1 đến 2 câu hỏi chiếm khoảng 0,5 điểm trong tổng số điểm của toàn đề thi được ra vào các yêu cầu cần đạt trong nội dung phần chuyên đề lựa chọn của các môn học.

Theo quy định Chương trình học ở cấp THPT theo Chương trình GDPT 2018 mỗi học sinh cấp THPT bắt buộc phải lựa chọn học 3 cụm chuyên đề của 3 môn học với mỗi năm học là 35 tiết chuyên đề lựa chọn/môn học và tổng số là 105 tiết/ 3 năm học cấp THPT theo đúng mục đích của Chương trình GDPT 2018: “Chuyên đề học tập là nội dung giáo dục dành cho học sinh trung học phổ thông, nhằm thực hiện yêu cầu phân hóa sâu, giúp học sinh tăng cường kiến thức và kĩ năng thực hành, vận dụng kiến thức giải quyết một số vấn đề của thực tiễn, đáp ứng yêu cầu định hướng nghề nghiệp”.

Tuy nhiên, có bất cập rất lớn khi các câu hỏi trong đề thi tham khảo của phần lớn các môn học ra một số câu hỏi vào các yêu cầu cần đạt trong nội dung phần chuyên đề lựa chọn của các môn học mà học sinh không lựa chọn các chuyên đề học của môn học đó theo quy định của Chương trình GDPT 2018 cấp THPT như phân tích phía trên.

Cho dù, các câu hỏi được ra theo các yêu cầu cần đạt trong nội dung phần chuyên đề lựa chọn các môn học của đề thi tham khảo vừa được Bộ GD-ĐT công bố có đưa ra các giới thiệu về nội dung để làm căn cứ cho những học sinh không được học chuyên đề lựa chọn có thể nghiên cứu để hiểu rồi tư duy trả lời các câu hỏi.

Cách ra câu hỏi như vậy là mất công bằng với học sinh không lựa chọn các chuyên đề học của môn học đó vì đã vi phạm nguyên tắc của kỳ thi tốt nghiệp theo dự thảo của thông tư quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2025 đang được Bộ GD-ĐT lấy ý kiến trên cổng thông tin điện tử của Bộ GD-ĐT là thi theo Chương trình GDPT 2018 (những học sinh này không được học mỗi năm 35 tiết chuyên đề lựa chọn). Hơn nữa việc kiểm tra, đánh giá nói chung và thi cử nói riêng đều có căn cứ là dựa vào chương trình giáo dục mà ở đây cụ thể là kỳ thi tốt nghiệp THPT nên chương trình tương ứng là Chương trình GDPT 2018 cấp THPT.

Giải pháp nào?

Những bất cập trên đã được Báo Đại biểu Nhân dân phân tích tại các bài viết: “Mong chờ đề thi minh họa thực sự của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025”, đăng ngày 7.10.2024 và bài viết: “Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025: Các môn lựa chọn thi trong 50 phút sẽ khó đánh giá năng lực học sinh”, đăng ngày 16.10.2024 đã nêu rõ với các vấn đề bất cập lớn như sau:

Thứ nhất, có sự chênh lệch giữa Chương trình môn học ở một số môn học dự kiến tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2025 giao nhau của Giáo dục thường xuyên cấp THPT và Chương trình cấp THPT theo Chương trình GDPT 2018.

Sự chênh lệch này dao động từ khoảng 20-30% về nội dung các yêu cầu cần đạt của mỗi môn học mà thực tế là cắt bớt một số yêu cầu cần đạt ở mức cao của môn học trong Chương trình GDPT 2018 để thành Chương trình môn học của Giáo dục thường xuyên cấp THPT.

Điều này dẫn đến sẽ khó khăn cho 2 nhóm đối tượng theo đối tượng dự thi (học sinh THPT và học viên Giáo dục thường xuyên cấp THPT) như dự thảo quy chế thi đang quy định khi 2 nhóm đối tượng này sẽ thi cùng 1 loại đề thi như nhau.

Thứ hai, Chương trình học ở cấp THPT theo Chương trình GDPT 2018 quy định mỗi học sinh THPT phải học 3 cụm chuyên đề của 3 môn học do học sinh lựa chọn với mục đích: “Chuyên đề học tập là nội dung giáo dục dành cho học sinh trung học phổ thông, nhằm thực hiện yêu cầu phân hóa sâu, giúp học sinh tăng cường kiến thức và kĩ năng thực hành, vận dụng kiến thức giải quyết một số vấn đề của thực tiễn, đáp ứng yêu cầu định hướng nghề nghiệp”.
Do đó, học sinh phải lựa chọn chuyên đề học của 3 môn theo quy định có chuyên đề lựa chọn do nhà trường tổ chức nên khi ra đề thi nếu không sử dụng các nội dung của các chuyên đề để đánh giá các năng lực thì năng lực nâng cao, phân hóa sâu và định hướng nghề nghiệp theo yêu cầu của chương trình không được thực hiện và hơn nữa là đề thi của các môn thi tốt nghiệp THPT chưa thực hiện theo Chương trình GDPT 2018 cấp THPT.

Sau khi Bộ GD-ĐT công bố đề thi tham khảo Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 cho tất cả các môn học được quy định trong kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, trên các diễn đàn chung của các giáo viên các môn học xuất hiện nhiều ý kiến lo lắng về bất cập của các câu hỏi trong đề thi tham khảo được ra vào các yêu cầu cần đạt trong nội dung phần chuyên đề lựa chọn của các môn học mà học sinh không lựa chọn các chuyên đề học của môn học. Cho dù, chỉ là 0,5 điểm cho các câu hỏi trong đề thi ra theo các yêu cầu cần đạt trong nội dung phần chuyên đề lựa chọn của các môn học nhưng có sự mất công bằng giữa 2 nhóm học sinh được học và không được học chuyên đề như vậy việc xét tuyển sinh đại học sẽ ra sao với nhóm các học sinh này khi chỉ chênh nhau đến 0,1 điểm cũng có em đỗ em trượt.

Mong sao cơ quan quản lý ngành hướng dẫn cố gắng tạo sự công bằng cho các em học sinh. Nên chăng Bộ GD-ĐT điều chỉnh đề thi tham khảo theo hướng các các câu hỏi trong đề thi ra theo các yêu cầu cần đạt trong nội dung phần chuyên đề lựa chọn của các môn học là một lựa chọn cho các học sinh được học các chuyên đề lựa chọn và ra thêm 1 đến 2 câu hỏi tùy thuộc môn học tương theo các yêu cầu cần đạt trong nội dung cơ bản của các môn học để cho nhóm học sinh không được học chuyên đề lựa chọn nhằm đảm bảo tính công bằng cho 2 nhóm học sinh như phân tích trên.

Việc đưa thêm 1 đến 2 câu hỏi lựa chọn trong mỗi đề thi của các môn học cho mỗi nhóm học sinh là rất đơn giản và các nội dung lựa chọn để đánh giá năng lực của nhóm học sinh không được học các chuyên đề lựa chọn thuộc phần cơ bản của mỗi môn học là rất dễ dàng.
Cách làm như vậy đã từng được Bộ GD-ĐT quy định trong ra đề thi các môn học của chương trình GDPT năm 2006 với 2 phần lựa chọn cho học sinh học chương trình cơ bản và chương trình nâng cao (mỗi phần lựa chọn các môn học của một số đề thi có khoảng 20% số lượng câu hỏi thi trong mỗi đề thi của các môn học).

Quý Hồng

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/hoc-sinh-khong-hoc-chuyen-de-hoc-tap-lua-chon-thi-tot-nghiep-nam-2025-the-nao-post393726.html