Học sinh làm thêm dịp hè, lợi nhiều nhưng cũng lo

Mấy năm gần đây, làm thêm dịp hè ngày càng phổ biến trong học sinh ở Hải Dương, nhất là những em chuẩn bị lên lớp 9, lớp 11, lớp 12 chưa vướng bận vào những kỳ thi cuối cấp.

Thông tin tuyển dụng lao động thời vụ dịp hè được đăng tải nhiều trên mạng xã hội Facebook

Thông tin tuyển dụng lao động thời vụ dịp hè được đăng tải nhiều trên mạng xã hội Facebook

Gần tuần nay, cháu gái tôi nửa ngày đi học, nửa ngày đi làm thêm theo giờ ở một doanh nghiệp của Đài Loan (Trung Quốc) tại thị trấn Ninh Giang. Năm ngoái, cháu tôi cũng đi làm thêm vài buổi ở công ty này, nhưng sau đó nghỉ vì không bảo đảm thời gian làm một tháng rưỡi theo yêu cầu của doanh nghiệp. Đầu tháng 6 cháu mới xin vào làm, đầu tháng 7 đã phải học thêm hè nên chỉ có thể làm được 1 tháng. Rút kinh nghiệm, năm nay sau khi thi học kỳ xong, cháu đăng ký đi làm ngay. Buổi sáng đi học, chiều cháu và 6 bạn cùng lớp ở Trường THPT Ninh Giang làm công việc gấp hộp đựng giầy dép cho doanh nghiệp trên. Làm nửa ngày (từ 13 giờ đến 19 giờ), các cháu được trả 20.000 đồng/giờ, nếu cả ngày thì 23.000 đồng/giờ, ngày chủ nhật được 25.000 đồng/giờ.

Cháu bảo làm thêm tuy mệt, thỉnh thoảng bị quản lý mắng nhưng vui, học được tính kiên trì, biết kiềm chế cảm xúc, lại có tiền để mua những thứ bản thân thích mà không phải xin tiền bố mẹ. Tôi thấy cháu đã trưởng thành hơn. Chị tôi thì khuyến khích con làm thêm để biết quý trọng đồng tiền, sức lao động và đặc biệt là tránh xa điện thoại, ti vi. “Con điềm tĩnh hơn, tự lập hơn, biết nhường em và hiểu được nỗi vất vả của bố mẹ. Nên cho chúng tiếp xúc với xã hội, không nên bao bọc quá”, chị nói với em gái tôi như vậy khi em ấy đang phân vân không biết có nên cho con mình đang học lớp 10 đi làm thêm dịp hè này hay không.

Mấy năm gần đây, làm thêm dịp hè ngày càng phổ biến trong học sinh, nhất là những em chuẩn bị lên lớp 9, lớp 11, lớp 12 chưa vướng bận vào những kỳ thi cuối cấp. Một số em đi làm thêm theo lời rủ rê của bạn bè, nhiều em khác thì tìm việc rõ ràng, với mong muốn kiếm tiền tiêu hoặc trải nghiệm. Hiện một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh cho nhân viên đến các cổng trường học phát tờ rơi hoặc đăng tuyển dụng trên mạng xã hội với những lời có cánh như: Đừng để kỳ nghỉ hè trôi qua lãng phí. Hãy tìm việc làm và thử thách bản thân ở thật nhiều lĩnh vực để có công việc chuyên nghiệp khi ra trường…

Do đó, ngày càng có nhiều việc để học sinh lựa chọn làm thêm dịp hè, phù hợp với khả năng và sức khỏe của các em như phục vụ quán ăn, quán cà phê, bán hàng, kiểm hàng, trông xe…

Những công việc này được nhiều học sinh chọn vì thời gian làm việc linh hoạt hơn, tiếp xúc với nhiều người, học được kỹ năng giao tiếp, ứng xử với khách hàng, kết giao thêm nhiều bạn… Cạnh nhà tôi có cậu học sinh đang học lớp 10, mấy hôm nay cũng thấy đi làm thêm buổi tối ở một quán cà phê cách nhà gần 3 km, với tiền công 16.000 đồng/giờ. Cháu kết thúc ca làm lúc 11 giờ đêm, lo con đi đêm một mình không an toàn, vợ chồng hàng xóm tôi đã thay nhau đi đón.

Bán hàng online, giao hàng cũng là những công việc mà học sinh dễ kiếm nhất trong mùa hè này. Những bạn đã có kinh nghiệm làm thêm vài năm nay thì tìm những công việc giúp bản thân học thêm nhiều hơn các kỹ năng cần thiết cho tương lai, đòi hỏi kiến thức cao hơn như làm ở các trung tâm ngoại ngữ, công ty du lịch…

Cháu tôi kể ở lớp bên cạnh có một nhóm bạn lên kế hoạch mấy ngày tới nghỉ hè sẽ đi làm thêm để có tiền giúp những bạn có hoàn cảnh khó khăn. Tuy các bạn ấy mới dự định như vậy nhưng mục đích đi làm thêm thật đáng quý, đáng để các bạn khác hưởng ứng theo.

Rõ ràng, làm thêm dịp hè mang lại nhiều lợi ích cho học sinh như có thêm khoản thu nhập dù chỉ rất khiêm tốn, các em được rèn luyện, thực hành nhiều kỹ năng giao tiếp, tính kỷ luật, kiên trì, làm việc nhóm... Tuy nhiên, những điều này chỉ phát huy hiệu quả trong môi trường lành mạnh, thân thiện. Ngược lại, nếu dễ dãi, không thận trọng lựa chọn sẽ tiềm ẩn những rủi ro, hệ lụy không đáng có. Học sinh đi làm là lao động chưa thành niên, chưa đủ 18 tuổi, được phép giao kết hợp đồng lao động nhưng pháp luật quy định những nguyên tắc, điều kiện, hạn chế nhất định đối với việc sử dụng lao động độ tuổi này. Nhiều nơi các em làm thêm không có hợp đồng lao động chứ chưa nói đến hợp đồng lao động đủ điều kiện theo quy định.

Do không có giấy tờ bảo đảm cũng như không có cơ sở pháp lý làm căn cứ nên càng có nhiều rủi ro rình rập khi học sinh đi làm thêm. Những nơi như quán cà phê, nhà hàng… gặp nhiều người, có nhiều thứ cám dỗ, dụ dỗ…

Trước khi cho con em mình vào làm việc thời vụ tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, hàng quán… phụ huynh cần tìm hiểu kỹ môi trường, tính chất công việc, bảo đảm sự lành mạnh cũng như an toàn cho các con.

Điều 144 Bộ luật Lao động 2019 quy định 4 nguyên tắc khi sử dụng lao động chưa thành niên, bao gồm:

- Lao động chưa thành niên chỉ được làm công việc phù hợp với sức khỏe để bảo đảm sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách.

- Người sử dụng lao động khi sử dụng lao động chưa thành niên có trách nhiệm quan tâm chăm sóc người lao động về các mặt lao động, sức khỏe, học tập trong quá trình lao động.

- Khi sử dụng lao động chưa thành niên, người sử dụng lao động phải có sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ; lập sổ theo dõi riêng, ghi đầy đủ họ tên, ngày tháng năm sinh, công việc đang làm, kết quả những lần kiểm tra sức khỏe định kỳ và xuất trình khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.

- Người sử dụng lao động phải tạo cơ hội để lao động chưa thành niên được học văn hóa, giáo dục nghề nghiệp, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề.

BẢO LINH

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/hoc-sinh-lam-them-dip-he-loi-nhieu-nhung-cung-lo-383238.html