Học sinh lớp 11 sáng chế dụng cụ bắt muỗi 'siêu rẻ' từ phế liệu

Từ những phế liệu tưởng chừng như bỏ đi, hai nam sinh lớp 11 tại tỉnh Thừa Thiên – Huế đã sáng chế ra dụng cụ 'đèn bắt muỗi' vừa rẻ tiền, vừa hiệu quả.

Đèn ngủ bắt muỗi

Dù chỉ đạt giải ba tại cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên Nhi đồng tỉnh Thừa Thiên – Huế, nhưng vừa qua sản phẩm “Đèn ngủ bắt muỗi từ vật liệu tái chế” lại gây được sự chú ý đối với nhiều người. Được biết, chủ nhân của sáng chế này là hai bạn trẻ Lê Thành Đạt và Nguyễn Quang Tuệ hiện là học sinh lớp 11 Trường THPT Gia Hội (thành viên CLB Sáng tạo trẻ Thừa Thiên – Huế). Sản phẩm của các em tuy không quá cầu kỳ nhưng lại gây ấn tượng mạnh bởi sự hiệu quả và tính thực tế cao trong cuộc sống.

Sản phẩm "Đèn ngủ bắt muỗi từ vật liệu tái chế" của hai nam sinh lớp 11.

Chia sẻ về sản phẩm của mình, hai nam sinh cho biết hiện nay có hai vấn đề mà hầu hết các quốc gia đều rất quan tâm đó là rác thải và dịch bệnh, trong đó có bệnh sốt xuất huyết. Từ thực tế trên Tuệ và Đạt đã nảy ra ý tưởng sáng chế một sản phẩm bắt muỗi từ vật liệu tái chế với mong muốn góp phần giảm thiểu số lượng rác thải và ngăn chặn loài muỗi mang bệnh đến cho con người. Sau gần 4 tháng tự mày mò và nhờ sự giúp đỡ của các cố vấn, các thành viên CLB Sáng tạo trẻ, CLB New Sion… chiếc đèn ngủ bắt muỗi từ vật liệu tái chế của hai nam sinh lớp 11 cũng ra đời.

Theo tìm hiểu, đèn ngủ bắt muỗi được cấu tạo từ ba bộ phận chính gồm thân đèn được làm từ hộp nhựa, chai nhựa bị bỏ đi, trên thân đèn có đục nhiều lỗ nhỏ; Quạt hút gió được làm từ quạt tản nhiệt lấy từ máy tính hoặc các loại máy móc đã hỏng gắn trên thân đèn; Đèn led xanh được đặt phía trên cánh quạt cùng với đó là dung dịch từ đường nâu, Coca, baking soda,… Ánh sáng xanh của đèn led và hàm lượng CO2 được tạo ra từ hỗn hợp dung dịch kể trên sẽ là hai “mồi nhử” dùng để thu hút muỗi.

Nguyên tắc vận hành của "Đèn ngủ bắt muỗi từ vật liệu tái chế".

Đèn được hoạt động dựa trên sự kết hợp giữa hiệu ứng quang họchóa học. Khi đèn led phát ra ánh sáng xanh kèm theo đó hàm lượng CO2 được tạo ra từ hỗn hợp dung dịch kể trên phát tán ra một lượng vừa đủ sẽ là “mồi nhử” thu hút muỗi đến gần. Lúc này muỗi dễ dàng bị hút vào trong bởi lực hút của cánh quạt thông qua các lỗ nhỏ trên thân đèn và mắc kẹt tại đây.

“Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, muỗi hay các loại côn trùng đều bị thu hút bởi ánh sáng xanh của đèn led. Đây là hiệu ứng quang học tác động lên loài muỗi. Trong khi đó CO2 là chất thu hút muỗi mạnh nhất ngay cả khi con muỗi ở cách xa nguồn phát tán CO2 tới tận 35m. Lượng CO2 này đủ lớn để thu hút những con muỗi ở xung quanh mà không gây ảnh hưởng đến con người ở gần”, Thành Đạt cho hay.

Chi phí “siêu rẻ”

Lê Thành Đạt cho biết thêm, tính mới của sản phẩm đèn ngủ bắt muỗi là lần đầu tiên kết hợp cả hiệu ứng quang học và hóa học, cụ thể là tạo ra CO2 từ dung dịch đường nâu và Coca có sức hấp dẫn muỗi cao hơn mức bình thường cho nên đạt công suất, hiệu quả cũng cao hơn so với các loại bẫy muỗi thông thường trước đây.

Sản phẩm cũng là một cách để tái sử dụng những vật liệu khó phân hủy bị bỏ đi. Trên hết là rất an toàn với người sử dụng, thân thiện và góp phần bảo vệ môi trường. Đèn nhỏ gọn, cấu tạo đơn giản nên dễ dàng tháo lắp, sửa chữa và sử dụng trong mỗi gia đình. Đặc biệt, chi phí để làm nên một chiếc đèn ngủ bắt muỗi là “siêu rẻ” chỉ từ 10.000 đến 15.000 đồng.

Sáng chế của Đạt và Tuệ đạt giải ba tại cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên Nhi đồng tỉnh Thừa Thiên – Huế.

Trước đó, sau khi hoàn thành sản phẩm “Đèn ngủ bắt muỗi từ vật liệu tái chế” của hai nam sinh lớp 11 đã được mang đi thử nghiệm tại một số hộ gia đình ở huyện miền núi Nam Đông, A Lưới (tỉnh Thừa Thiên – Huế). Kết quả mang lại rất khả quan và được nhiều người đánh giá cao. Hơn 83% số người sử dụng thử muốn có hoặc tự làm một sản phẩm như vậy vừa để sử dụng, vừa để trang trí trong gia đình.

“Sản phẩm này có tiềm năng sử dụng cả trong nước lẫn nước ngoài, đặc biệt là những vùng rừng núi, ẩm ướt. Nếu được đầu tư và sản xuất hợp lý thì đây sẽ là nột sản phẩm bền, tốt và công suất không hề thua kém các sản phẩm cùng loại trên thị trường. Sắp tới tụi em sẽ nghiên cứu thêm một số hình khối cũng như cách trang trí khác để sản phẩm được đa dạng hơn”, Thành Đạt chia sẻ.

Anh Trần Minh Phong – Chủ nhiệm CLB Sáng tạo trẻ Thừa Thiên - Huế nhận xét: “Hai bạn trẻ Tuệ và Đạt đều rất đam mê khoa học, chịu khó tìm tòi, học hỏi, tham khảo ý kiến của các bậc đàn anh cũng như những nhà chuyên môn trong và ngoài nước. Sản phẩm này của các em được làm từ vật liệu tái chế góp phần bảo vệ môi trường. Chiếc đèn làm ra có thể dùng trang trí và sử dụng trong mọi kiểu nhà, phù hợp với mọi loại phòng, mang lại hiệu quả và công suất cao”.

Lê Chung

Lê Chung

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/ba-me-dua-con-trai-den-gap-ban-be-ai-cung-khen-be-thong-minh-nhung-chi-1-hanh-dong-ma-bi-ai-nay-de-biu-the-nay-thi-gioi-may-cung-hong-roi-222021201118466211.htm