Học sinh ôn thi vào 10 áp lực đến mức 'hoảng loạn', chuyên gia chia sẻ bí kíp gì?

Các em cần biết cách chia sẻ cảm xúc tiêu cực với những người mình tin tưởng. Cố gắng giữ kết nối xã hội với các nhóm bạn bè. Khi nào mọi thứ có vẻ vượt khỏi tầm kiểm soát, hãy dũng cảm tìm kiếm sự giúp đỡ về mặt tâm lý từ những chuyên gia

Vào mỗi mùa thi, vấn đề học tập và áp lực thi cử đã trở thành nỗi ám ảnh đối với nhiều học sinh. Việc phải đối mặt nhiều áp lực từ việc học hành, thi cử, áp lực từ chính bản thân, từ bạn bè, thầy cô, cha mẹ… khiến nhiều học sinh bị rơi vào trạng thái căng thẳng, lo âu và trầm cảm.

Chị Đỗ Thị Bích (Hà Nội) chia sẻ, chị tá hỏa khi mấy hôm nay nhận thấy con trai chị đang ôn thi vào lớp 10 luôn trong tình trạng mệt mỏi, căng thẳng và luôn hoảng sợ.

Đỉnh điểm, chị luôn nhận được những tin nhắn của con mà đọc thấy “gai người” khi con luôn thổ lộ việc học quá áp lực, con sẽ không chắc vào được trường cấp 3 mà con mơ ước và đăng ký nguyện vọng 1 và con muốn buông xuôi.

“Cháu còn nói đại loại các câu như: con xin lỗi mẹ con không phải là đứa con ngoan, con phải làm sao nếu con trượt cấp 3; Mẹ ơi con lại bị nghĩ tiêu cực rồi; Có lúc mẹ rất tốt với con làm con cảm thấy buồn vì chính bản thân mình không xứng đáng với những điều tốt đẹp đó”- chị Bích chia sẻ.

Dù phụ huynh này chia sẻ, cả gia đình không ai bắt con học khuya, không hề gây áp lực con phải vào trường này trường kia nhưng khi nghe con nói vậy, gia đình phải nghĩ đến cho con gặp bác sĩ tâm lý trước khi quá muộn.

“Hằng ngày đi làm về, tôi không dám đi đâu, con quanh quẩn bên tôi suốt, và tôi vào tai con: con không đỗ trường công cũng không sao, con học trường nguyện vọng 2 được mà, cứ thế nên cứ bình tĩnh mà học con à. Trước đó con bé nhà tôi có dấu hiệu lo lắng quá đà”- chị Bích chia sẻ.

Người trẻ với “hội chứng con vịt”: chuyên gia nói gì?

Theo Tiến sĩ tâm lý Trần Thành Nam (ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, lứa tuổi THCS là giai đoạn dậy thì, vị thành niên, con trẻ phát triển phức tạp về mặt tâm lý, có nhiều thay đổi về nhận thức, cảm xúc và hành vi. Các em bị ảnh hưởng bởi nhiều luồng văn hóa, va chạm với nhiều nguy cơ từ xã hội dẫn đến dễ tổn thương sức khỏe tâm thần.

Cũng theo nhà tâm lý này, những nghiên cứu đi trước chỉ ra con trẻ thế hệ Alpha bây giờ sức chịu đựng và sự kiên trì kém hơn. Do dành quá nhiều thời gian cho các tương tác trên mạng nên dần yếu đi các kỹ năng tương tác và xử lý tình huống trong xã hội thực. Các bạn trẻ cũng bị áp lực xã hội phải thể hiện ra bên ngoài là những con người tích cực, hướng ngoại, nhiều năng lượng nên thường che dấu đi những tổn thương và cảm xúc tiêu cực của mình.

Hiện tại, rất nhiều bạn trẻ đang mắc phải “hội chứng con vịt” có nghĩa là phía bên ngoài tỏ ra rất bình thản, vui vẻ, thảnh thơi (như phần nổi của con vịt bơi trên hồ nước rất thong dong) nhưng đằng sau đó che dấu những sự nỗ lực và gồng mình lên mỗi ngày (giống như phía dưới mặt nước, con vịt đang phải vận động liên tục đôi chân để có thể giữ được cho bản thân nổi và đi đúng hướng trên mặt nước).

“Nói một cách khác, tỉ lệ “trầm cảm ẩn” ở đứa trẻ tăng lên và ngày càng khó nhận ra những vấn đề tổn thương của đứa trẻ một cách rõ ràng”- TS Nam nhấn mạnh.

Như vậy, khi các em phải đối diện với áp lực kỳ vọng của xã hội, của gia đình về tiêu chuẩn một người thành công phải là người có tri thức, trình độ học vấn cao, thậm chí đi du học nước ngoài. Tự áp lực bản thân mình thấp kém khi lên mạng và tự so sánh bản thân mình với những tấm gương thành công (flexing) đầy rẫy trên mạng.

Nhiều áp lực từ sự thiếu quan tâm của cha mẹ trong khi rất nhiều những cám dỗ độc hại và nguy cơ bắt nạt, quấy rối đang hiện hữu trên môi trường mạng và không gian thực đang bủa vây trẻ. Điều này làm cho học sinh THCS thường trở nên quá tải.

TS Nam chỉ ra, các dấu hiệu về hành vi có thể là dễ cáu gắt, giận dữ, mất tính kiên trì, lịch ăn ngủ thay đổi thất thường; cảm xúc còn mòn, trở nên thờ ơ với những gì diễn ra xung quanh, bắt đầu né tránh giao tiếp và có thể sử dụng các chất cấm. Về cảm xúc bỗng trở nên bất an, lo lắng, ám ảnh hoặc cảm thấy tê liệt và bất lực.

Về mặt nhận thức trí nhớ ngắn hạn của các em bị giảm sút, tư duy kiểu bị ức chế, không cân nhắc được phương án giải quyết tối ưu, suy nghĩ kiểu tất cả hoặc không có gì, dự báo và nhìn nhận thế giới một cách tiêu cực. Tất cả những tác động này sẽ khiến cho đứa trẻ thất bại trong học tập và không thể phát huy năng lực trong những giai đoạn nước rút cần sự tập trung và thoải mái tinh thần.

Các chiến lược giảm lo lắng hiệu quả trước kỳ thi

Để cân bằng về mặt tâm lý, theo ông Nam, học sinh cần được hướng dẫn kỹ năng để tự chăm sóc sức khỏe tinh thần của bản thân. Đầu tiên hãy học cách dành thời gian để thư giãn, nghĩ về những điều có thể khiến bạn cải thiện tâm trạng. Quan trọng là hãy tạo không gian nghỉ ngơi và hưởng thụ trong ngày để cảm thấy mình lấy lại năng lượng.

Thứ hai, hãy thử lên kế hoạch cho tương lai, mục tiêu của bạn là gì và làm gì để đạt được những mục tiêu đó. Sau đó có thể dùng sổ kế hoạch để lập ra những công việc cho tuần mới. Điều này giúp các bạn sẽ quản lý thời gian tốt hơn và nhìn lại được những thành công nhỏ của mình.

Hãy học cách đặt ra ranh giới. Kể cả bạn vẫn có thể tiếp tục ngồi học được thì cũng không nên ngồi triền miên suốt cả ngày. Hãy cân đối và phối hợp những khoảng thời gian dành cho học tập và những khoảng thời gian dành cho vận động cơ thể hoặc việc nhà.

Mặt khác, học sinh cần điều chỉnh kỳ vọng của bản thân để hiểu đúng tầm quan trọng thực sự của vấn đề và đặt ra mục tiêu mà bản thân có thể chủ động kiểm soát được. Cố gắng tiếp thu những kỹ năng mới nhưng cũng đừng coi nhẹ những kỹ năng đã có

“Các em cần biết cách chia sẻ cảm xúc tiêu cực với những người mình tin tưởng. Cố gắng giữ kết nối xã hội với các nhóm bạn bè. Khi nào mọi thứ có vẻ vượt khỏi tầm kiểm soát, hãy dũng cảm tìm kiếm sự giúp đỡ về mặt tâm lý từ những chuyên gia”- ông Nam nói.

Đỗ Hợp

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/hoc-sinh-on-thi-vao-10-ap-luc-den-muc-hoang-loan-chuyen-gia-chia-se-bi-kip-gi-post1641500.tpo