Học sinh, sinh viên nói gì về 'cơn sốt ChatGPT'?
Những ngày qua, công cụ ChatGPT sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đang gây sốt trên toàn cầu, mang đến nhiều kỳ vọng nhưng cũng rất nhiều lo ngại. Tại Việt Nam, ChatGPT nhanh chóng thu hút sự chú ý và tạo nên cơn sốt chưa từng thấy trong giới học sinh, sinh viên.
ChatGPT, công cụ trí tuệ nhân tạo tương tác với người dùng (chatbot) đang là hiện tượng gây sốt trên toàn cầu với khả năng tương tác cao, thậm chí có thể làm thơ, viết truyện, soạn nhạc và vượt qua các kỳ thi.
Sản phẩm của Công ty OpenAI (Mỹ) chuyên nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) đã thu hút hơn 1 triệu người dùng chỉ sau một tuần ra mắt vào cuối tháng 11 năm ngoái và hiện số người dùng ChatGPT được cho là đã cán mốc 100 triệu.
ChatGPTlà ứng dụng AI được phát triển từ mô hình GPT-3.5, được đào tạo để đưa ra câu trả lời giống một cuộc trò chuyện với người thật. Dù hoạt động miễn phí, người sử dụng cần có tài khoản trên nền tảng của OpenAI. Dịch vụ chưa hỗ trợ mở tài khoản ở Việt Nam nhưng đã gây sốt thời gian qua.
Người dùng trong nước muốn trải nghiệm phải sử dụng mạng riêng ảo (VPN), thuê số điện thoại nước ngoài với giá khoảng một USD, dùng thẻ thanh toán quốc tế để đăng ký, hoặc mua tài khoản từ người khác.
Chia sẻ với suckhoedoisong, Đỗ Thùy Linh (SN 2003, sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, em và bạn bè đều khá bất ngờ khi trải nghiệm Chatbot bởi nó có thể cho kết quả rất nhanh trong thời gian rất ngắn và đáp án cũng gần như rất chính xác hoàn toàn.
"Em dường như đã "nghiện". Em dùng ChatGPT như một người bạn để chuyện trò và hỏi ý kiến "nó" tất cả những gì gặp phải trong ngày, mọi thứ từ bài tập, trường lớp, đến tình cảm bạn bè... Hơn nữa, ChatGPT còn giúp em giải trí, giảm căng thẳng mệt mỏi trước những câu trả lời rất hài hước.
Nhiều người lo ngại rằng ChatGPT có thể khiến sinh viên gian lận khi thi cử hoặc làm bài luận nhưng em chỉ coi ChatGPT là một công cụ hữu ích cho việc học và tham khảo".
Trịnh Đức Minh (sinh viên Trường ĐH Xây dựng) cho biết sau một thời gian ngắn thử nghiệm công nghệ này thì khá thú vị và vô cùng ấn tượng. "ChatGPT dễ dùng, tương tự Google nhưng đưa một kết quả đích thay vì trả hàng triệu đường dẫn có liên quan. Em sử dụng công cụ này trong một số bài tập chuyên ngành thì thấy khá hữu ích và giúp em giảm thời gian tra cứu".
Cũng theo nam sinh này, có thể sẽ có những ảnh hưởng mà ChatGPT mang lại như sinh viên có thể dùng để đạo văn hay viết luận mà không phải mất thời gian nghiên cứu, tìm tòi. "Em nghĩ để tránh quá thực dụng vào ChatGPT thì các bạn sinh viên chỉ nên sử dụng ChatGPT ở mức độ giới hạn nào đó thôi để không mất đi kỹ năng tư duy, phản biện".
Hoàng Minh, học sinh lớp 12 cũng đã dùng ChatGPT để hỗ trợ làm bài tập. "Với các câu hỏi về công thức Toán, Lý, Hóa thì em thấy câu trả lời nhanh và độ chính xác cao. Tuy nhiên, khi em thử yêu cầu ChatGPT viết một đoạn văn thì dường như công nghệ này sử dụng tiếng Việt chưa thành thạo".
ChatGPT sẽ có tính hai mặt
Theo thống kê của Google Trends những ngày qua, "ChatGPT", "OpenAI" liên tục nằm trong top từ khóa được tìm kiếm nhiều tại Việt Nam. Website của ChatGPT thường xuyên ở trạng thái "đang hoạt động hết công suất". Siêu AI này cũng trở thành chủ đề phổ biến trên mạng xã hội Facebook. Trên hàng loạt cộng đồng thuộc mọi lĩnh vực, ảnh chụp màn hình các cuộc trò chuyện với ChatGPT xuất hiện dày đặc.
Theo TS. Đặng Minh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ứng dụng Công nghệ CMC ATI cho rằng: "ChatGPT tạo được mối quan tâm lớn bởi lần đầu có một sản phẩm AI được giới thiệu rộng rãi, trí tuệ nhân tạo nhưng đem đến cảm giác rất gần trí tuệ của con người".
Điểm hấp dẫn của ChatGPT là khả năng trả lời đa dạng câu hỏi ở nhiều lĩnh vực, từ câu hỏi liên quan đến tri thức cho đến việc tạo ra nội dung theo yêu cầu, như kịch bản phim, hay thậm chí lập trình, sửa lỗi. Tuy nhiên, TS. Đặng Minh Tuấn cũng đánh giá những sản phẩm mới như ChatGPT sẽ có tính hai mặt.
Về mặt tốt, người dùng có thể tận dụng AI để thu thập thông tin kiến thức, nhờ gợi ý các ý tưởng theo dữ liệu mà ChatGPT được huấn luyện. Giải pháp của OpenAI có thể giúp tiết kiệm thời gian bằng cách trả lời nhanh, đi thẳng vấn đề, thay vì đưa ra danh sách đường link và người dùng phải tự tổng hợp như khi sử dụng Google.
Ngược lại, đây cũng có thể trở thành vấn đề nguy hiểm nếu câu trả lời sai sót về mặt thông tin. "ChatGPT chỉ là một mô hình ngôn ngữ, có thể trả lời sai hoặc chưa chính xác, không có link dẫn nguồn để minh chứng kết quả đưa ra", ông Tuấn nói. Ngoài ra, trong những cuộc trò chuyện, ChatGPT không hiểu bối cảnh hoặc cảm xúc của người dùng, nên có thể trả lời không phù hợp hoặc gây tác động xấu đến trải nghiệm. ChatGPT vẫn đang dừng lại ở mức độ thử nghiệm và vẫn chưa phải là sản phẩm hoàn thiện.
Chia sẻ với sinh viên về "cơn sốt ChatGPT", PGS.TS. Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, các bạn học sinh và sinh viên không thể lạm dụng nó vì nó vẫn mắc nhiều lỗi và có nhiều câu trả lời không chính xác. Các bài luận được viết bởi ChatGPT giống như một bài tổng hợp các thông tin theo thời gian hơn là một bài viết có tính tư duy phản biện. Nó chỉ đơn thuần so sánh sự giống và khác trong các quan điểm nhưng không có khả năng tạo ra một quan điểm độc đáo và bảo vệ quan điểm đó.
Tuy nhiên, sử dụng đúng cách, ChatGPT có thể là một người bạn trong lớp học và là một công cụ tuyệt vời cho học sinh. Ví dụ họ có thể sử dụng ChatGPT để tạo ra các bản nháp đầu tiên. Dựa trên dàn ý đầu tiên này, bộ óc tư duy sáng tạo và phản biện của từng cá nhân sẽ viết tiếp để tạo nên những bài luận chất lượng nhất. Hoặc chúng ta có thể sử dụng ChatGPT để học về các thể loại và phong cách viết khác nhau bằng cách yêu cầu ChatGPT bắt chước phong cách viết của nhiều tác giả để học tập theo nó.
Còn thầy Đinh Đức Hiền, giáo viên Toán-Sinh, Hệ thống Giáo dục Hocmai cho rằng, ChatGPT còn nhiều lỗi, nhưng khả năng bắt chước và cải thiện của công cụ này thực sự đáng nể. Một trong những điều khiến Chat GPT được đánh giá cao là khả năng xử lý và lọc thông tin. Thầy Hiền so sánh, khi dùng Google, người dùng phải đọc nhiều, tự lọc nhiều thông tin cho cùng một vấn đề, nhưng khối lượng công việc này đã và đang được ChatGPT đảm nhận. Chính điều đó làm chúng ta sửng sốt", thầy Hiền cho biết.
Ngày 2/2, OpenAI tung ra gói đăng ký 20 USD/tháng cho phiên bản ChatGPT Plus, cung cấp cho người dùng dịch vụ ổn định hơn, nhanh hơn cùng các tính năng tiên tiến so với bản miễn phí.
Hiện ChatGPT Plus chỉ dành cho người dùng tại Mỹ và phải đăng ký trong danh sách chờ. Tháng trước, nhà phát triển cũng hé lộ về ChatGPT Professional, phiên bản cao cấp dành cho doanh nghiệp.