Học sinh tham gia bảo tồn truyện cổ tích Jrai
Trăn trở trước nguy cơ mai một của văn hóa dân gian Jrai, 2 em Hà Kpăh H'Huyền và Hồ Thị Hồng Nhung (Trường THPT Plei Me, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) cùng nhau thực hiện Dự án 'Đánh giá hiệu quả việc bảo tồn truyện cổ tích Jrai bằng truyện tranh cho học sinh tiểu học Jrai'. Tại Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh học sinh trung học lần thứ VII (năm học 2020-2021), Dự án đã đạt giải nhất.
Giữa tháng 3 nắng nóng, H’Huyền và Nhung vẫn tranh thủ thời gian rảnh rỗi để giới thiệu những cuốn truyện cổ tích Jrai mà các em đã sưu tầm, biên tập đến nhiều hơn với học sinh người Jrai trên địa bàn xã Ia Ga, huyện Chư Prông.
Chia sẻ về lý do chọn đề tài, H’Huyền cho hay: “Dân tộc Jrai là cư dân bản địa có lịch sử hình thành lâu đời ở Gia Lai với nhiều giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc. Tuy nhiên, cùng với quá trình hội nhập và phát triển, những nét văn hóa này đang ngày càng bị mai một. Mặt khác, kho tàng văn học dân gian của người Jrai rất phong phú nhưng vẫn chưa được khai thác một cách hiệu quả. Các nhà nghiên cứu hầu như chỉ sưu tầm câu đố, dân ca... mà chưa có nhiều công trình về truyện cổ tích Jrai. Là một người con Jrai, em muốn góp một phần công sức nhỏ bé của mình để bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị của những câu chuyện ấy”.
Tiếp lời cộng sự của mình, Nhung thông tin thêm: “Hiện nay, ở bậc tiểu học vẫn chưa chú trọng lồng ghép giáo dục di sản văn hóa địa phương cho học sinh. Vì vậy, chúng em muốn mang những câu chuyện cổ Jrai vào trường tiểu học, vừa góp phần bảo tồn văn hóa bản địa, vừa đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông”.
Dưới sự hướng dẫn của thầy Hoàng Việt Trung-Bí thư Đoàn trường, H’Huyền và Nhung bắt tay thực hiện Dự án với quyết tâm cao. Hai câu hỏi lớn được các em đặt ra để nghiên cứu gồm: Việc sử dụng truyện tranh có giúp nâng cao nhận thức về nội dung và ý nghĩa của truyện cổ tích cho học sinh người Jrai bậc tiểu học ở huyện Chư Prông hay không? Và liệu rằng việc sử dụng truyện tranh có làm thay đổi thái độ và hành vi của các em trong việc bảo tồn kho tàng truyện cổ dân gian Jrai?
Cô Nguyễn Thị Quỳnh-giáo viên Trường Tiểu học Phạm Hồng Thái (xã Ia Lâu, huyện Chư Prông): Sau khi hỗ trợ nhóm nghiên cứu giới thiệu sản phẩm đến với 60 học sinh Jrai, tôi nhận thấy hiệu ứng rất tích cực. Các em vô cùng hứng thú với hình ảnh và nội dung truyện, chăm chú đọc liền mạch không bỏ qua truyện nào. Từ những truyện cổ tích Jrai này, học sinh cũng rút ra được nhiều bài học về hành vi trong cuộc sống. Theo tôi, đây là một dự án khá nhân văn và ý nghĩa trong việc bảo tồn văn hóa dân tộc bản địa.
“Để đánh giá nhận thức của học sinh người Jrai, chúng em đã tiến hành khảo sát 300 em học sinh tiểu học trên địa bàn bằng phiếu điều tra. Kết quả cho thấy, việc truyền thụ truyện cổ tích Jrai cho học sinh rất hạn chế. Chỉ có 10,7% học sinh được thường xuyên nghe kể truyện cổ tích Jrai từ ông bà và người lớn; còn lại chỉ thỉnh thoảng hoặc rất ít khi được nghe. Điều này dẫn đến hiểu biết, nhận thức của các em về giá trị, ý nghĩa của truyện cổ tích Jrai cũng như việc bảo tồn thể loại văn học dân gian này rất thấp”-H’Huyền phân tích.
Dựa trên cơ sở khảo sát và đặc thù của địa bàn nghiên cứu, 2 nữ sinh đã nghĩ ngay đến giải pháp bảo tồn truyện cổ tích Jrai dưới hình thức truyện tranh. Ngoài 6 truyện cổ tích Jrai có được từ nguồn tài liệu chính thống của nhà sưu tầm Rơ Mah Del, Nhung và H’Huyền đã tự sưu tầm thêm 4 truyện nữa. Truyện sau đó được các em tự thiết kế, vẽ bản thảo sinh động, phù hợp với đối tượng học sinh tiểu học. Tập truyện dài 53 trang A4 được chia thành 3 phần: cổ tích về các loài vật, cổ tích sinh hoạt và cổ tích thần kỳ.
“Sau khi sản phẩm truyện tranh hoàn thành, chúng em đã tiến hành khảo sát và thông qua giáo viên chủ nhiệm tổ chức sử dụng thử nghiệm trong các tiết học kể chuyện trên lớp cho học sinh khối 3, 4, 5. Kết quả thu được khá bất ngờ khi nhiều em tỏ ra hứng thú với nội dung và hình ảnh của cuốn truyện; đồng ý tuyên truyền nội dung của cuốn truyện tranh này đến bạn bè và người thân; đồng thời cam kết sẽ tham gia sưu tầm truyện cổ tích để bảo tồn.
Điều đó đồng nghĩa với việc thông qua giải pháp tác động bằng truyện tranh, chúng em đã góp phần nâng cao nhận thức, thái độ và hành vi của học sinh tiểu học người Jrai đối với truyện cổ tích dân tộc. Ngoài ra, những chuyên gia, nhà văn hóa mà chúng em khảo sát đều cho rằng, truyện tranh có nội dung phù hợp với đặc điểm tâm lý học sinh, có sự tương thích với hình ảnh và độ tin cậy khoa học”-Nhung phấn khởi nói.
Cầm cuốn truyện tranh cổ tích Jrai trên tay, em Kpăh Ngơ (lớp 4B, Trường Tiểu học Bùi Thị Xuân, xã Ia Ga) chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên em được đọc truyện cổ tích Jrai bằng tranh. Em thích nhất truyện “Voi và kiến” bởi vì nó có hình ảnh sinh động và nói lên được triết lý cái thiện luôn chiến thắng cái ác. Em có kể lại cho người thân nghe và họ cũng rất thích”.
Theo thầy Hoàng Việt Trung, trong 6 tháng liên tục, thầy và trò cùng lên ý tưởng, xác định đề tài nghiên cứu, sau đó tiến hành biên tập thành sản phẩm rồi khảo sát, thực nghiệm…
“Các em đã sưu tầm hơn 30 truyện cổ tích của người Jrai. Tuy nhiên, trong cuộc thi khoa học kỹ thuật vừa rồi, thầy trò chỉ mang đến 10 câu chuyện phù hợp với tâm lý, lứa tuổi học sinh tiểu học. Khi đạt giải nhất, thầy trò vô cùng bất ngờ và vỡ òa hạnh phúc. Được biết, chương trình giáo dục phổ thông mới có thêm chương trình giáo dục địa phương. Hy vọng, sản phẩm này của 2 em sẽ trở thành một học liệu ứng dụng trong các trường tiểu học trên địa bàn”-thầy Trung kỳ vọng.