Học sinh 'than' chương trình mới chưa giảm tải

Tại chương trình lãnh đạo TP gặp gỡ, lắng nghe thiếu nhi, học sinh 'than' chương trình mới chưa giảm tải. Học sinh vẫn phải đi học thêm.

Sáng 1-6, Thành ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ TP tổ chức chương trình “Lãnh đạo Thành phố gặp gỡ, lắng nghe thiếu nhi”.

Chương trình có sự tham dự của Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi; bà Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP cùng lãnh đạo các sở ngành.

 Học sinh thắt khăn quàng đỏ cho Chủ tịch Phan Văn Mãi trước khi buổi gặp gỡ diễn ra. Ảnh: NQ

Học sinh thắt khăn quàng đỏ cho Chủ tịch Phan Văn Mãi trước khi buổi gặp gỡ diễn ra. Ảnh: NQ

Chương trình mới chưa giảm tải

Đặc biệt, tại buổi gặp gỡ, còn có 150 đại biểu thiếu nhi tiêu biểu đại diện cho hơn 2 triệu trẻ em TP.

 Nguyễn Tấn Hào, học sinh Trường THCS Bình Tân, quận Bình Tân chia sẻ chương trình mới chưa giảm tải. Học sinh vẫn phải đi học thêm sau giờ học. Ảnh: VH

Nguyễn Tấn Hào, học sinh Trường THCS Bình Tân, quận Bình Tân chia sẻ chương trình mới chưa giảm tải. Học sinh vẫn phải đi học thêm sau giờ học. Ảnh: VH

Bày tỏ ý kiến của mình tại buổi gặp gỡ, Nguyễn Tấn Hào, học sinh Trường THCS Bình Tân, quận Bình Tân cho biết em và các bạn khá vất vả khi phải tiếp thu chương trình giáo dục phổ thông 2018 (gọi là chương trình mới). Bởi kiến thức các môn học quá nặng, mang tính hàn lâm.

"Đặc biệt, chúng em gặp khó khi học môn tích hợp Khoa học tự nhiên và Lịch sử và Địa lý. Môn Khoa học tự nhiên chủ yếu là môn cộng gộp của cả ba môn Lý, Hóa, Sinh. Kiến thức các môn này bao quát, chuyên sâu nên tụi em khó tiếp thu. Trường đã tổ chức khảo sát học sinh các lớp, kết quả đa số cho thấy các bạn không hiểu bài, bài khó phải dựa vào các buổi học thêm sau giờ học chính khóa” - Hào nói và đề nghị ngành giáo dục nên xem xét lại việc dạy các môn tích hợp trong chương trình mới. Đồng thời em cũng hy vọng được thực hành nhiều hơn để nắm vững kiến thức.

Tương tự, Hồ Nguyễn Bảo Ngọc, học sinh Trường THCS Hoàng Quốc Việt, quận 7 cho hay áp lực dân số cơ học khiến nhiều trường quá tải học sinh, ảnh hưởng đến việc học. Trường em phải cắt bớt các phòng chức năng mới đảm bảo có chỗ học. Do đó, để đáp ứng kiến thức, ngoài giờ học trên lớp đa phần chúng em phải đi học thêm.

"Giờ ra về, thay vì được về nhà nghỉ ngơi thì trở thành giờ giải lao để các bạn tiếp tục cho các giờ học tiếp theo. Do đó, em hy vọng giảm tải chương trình để các em không còn phải đi học thêm nữa” - Ngọc nói thêm.

 Bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TP.HCM trò chuyện với học sinh tại buổi gặp gỡ sáng nay. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TP.HCM trò chuyện với học sinh tại buổi gặp gỡ sáng nay. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Nguyễn Khánh Vân, học sinh lớp 8, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa cũng đồng quan điểm chương trình mới chưa giảm tải, chưa có sự thống nhất và hơi nặng. Cụ thể, các tiết học chưa được sắp xếp phù hợp như một số môn học được sắp xếp ba môn liên tục. Điều này, khiến tụi em quá tải và tiếp thu bài không hiệu quả.

Ngoài vấn đề chương trình mới chưa giảm tải, tình trạng học sinh hút thuốc lá điện tử ngày càng nhiều cũng được học sinh đề cập tại cuộc họp. Đặc biệt vấn nạn cá độ đá banh đã bắt đầu xuất hiện trong trường học.

Võ Hoàng Kim Ngân, học sinh Trường THCS Thông Tây Hội, quận Gò Vấp chia sẻ trong thời gian qua, trong lớp em xuất hiện tình trạng cá độ đá banh. Điều đáng lo ngại, bạn còn rủ các bạn khác tham gia cùng. Vấn đề này, theo em nghĩ trường học và gia đình cần phải quan tâm và kiểm soát hơn.

Tại buổi gặp gỡ, các vấn đề về ngoại khóa, hoạt động Stem, pháp luật về an toàn giao thông... cũng được nhiều học sinh đề cập.

3 vấn đề cần giải quyết ngay

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết trước kỳ họp Sở GD&ĐT đã nhận được 54 ý kiến. Trong phiên trực tiếp sáng nay, sở tiếp tục nhận được 30 ý kiến xoay quanh các vấn đề học tập, rèn luyện, điều kiện bảo đảm việc học, môi trường học tập, vấn đề an toàn trường học.

 Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu phát biểu tại buổi gặp gỡ với lãnh đạo TP sáng nay. Ảnh: VH

Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu phát biểu tại buổi gặp gỡ với lãnh đạo TP sáng nay. Ảnh: VH

Ông Hiếu cho biết việc triển khai chương trình mới được nhiều học sinh quan tâm. Chương trình mới ra đời với mục đích giảm nhẹ kiến thức hàn lâm, dạy học hướng đến phát triển phẩm chất, năng lực... Vì thế, việc học sinh nhận định chương trình mới chưa giảm tải, còn nặng về kiến thức, thầy sẽ tiếp thu và cho rà soát.

Sở GD&ĐT sẽ làm việc với các quận, huyện, trường học để thầy cô dạy đúng định hướng Bộ GD&ĐT đã đặt ra.

Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết cách đây một năm, thầy cũng đã đề nghị giáo viên phải thay đổi cách kiểm tra bài đầu giờ để tránh gây áp lực cho học sinh. Nếu chương trình cũ dạy học sinh nắm rõ kiến thức thì chương trình mới yêu cầu học sinh vận dụng các kiến thức đã học vào thực tiễn cuộc sống. Vì thế, sở đã tập huấn các trường, thầy cô về việc thay đổi cách dạy, cách kiểm tra đánh giá. Và đặc biệt, giáo viên được chủ động trong quá trình dạy và học. Do đó, những nơi nào thầy cô còn áp lực trong việc làm bài sẽ không đúng với định hướng của Sở GD&ĐT.

Ông Hiếu cho biết nhiều em có ý kiến về môn khoa học tự nhiên trong chương trình mới, đề nghị tách ra thành ba môn riêng biệt. Tuy nhiên, thực tế tại các nước trên thế giới không còn dạy các môn riêng biệt lý, hóa và sinh vì kiến thức rất hàn lâm. Do đó, đối với bậc THCS, kiến thức môn khoa học tự nhiên ở mức phổ thông cơ bản. Đây là năm thứ 3 thực hiện chương trình, Sở GD&ĐT sẽ tiếp tục bồi dưỡng, tập huấn giáo viên.

Sau khi lắng nghe các ý kiến của các em, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM chỉ đạo Sở GD&ĐT chủ trì cùng hội đồng đội và các sở ngành xác định rõ những việc quan trọng cần phải làm ngay.

 Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại buổi gặp gỡ sáng nay. Ảnh: NQ

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại buổi gặp gỡ sáng nay. Ảnh: NQ

"Từ ý kiến của các em với tư cách người học, vấn đề dạy và học môn tích hợp theo chương trình mới cần tập trung. Tôi đề nghị Sở GD&ĐT phải đánh giá lại, thậm chí trong hè phải tổ chức tập huấn, làm sao từng ban giám hiệu, thầy cô thống nhất để dạy môn học này hiệu quả" - ông Mãi nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, ông Mãi đề cập ngành giáo dục phải quan tâm đến giáo dục Stem và xây dựng trường học hạnh phúc. Theo ông Mãi, trường học hạnh phúc phải được xây dựng dựa trên việc triển khai các hoạt động ngoại khóa, trường học xanh, sạch và an toàn cho học sinh.

Ngoài ra, ông Mãi đề nghị ngành giáo dục TP phải quan tâm đến việc chăm sóc sức khỏe tinh thần của học sinh và tăng tốc trong việc xây dựng trường lớp.

NGUYỄN QUYÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/hoc-sinh-than-chuong-trinh-moi-chua-giam-tai-post793605.html