Học sinh tự tử vì áp lực học tập: Do người lớn stress?
Trẻ bị trầm cảm hay gặp các vấn đề về tâm lý thậm chí chọn tự tử như một cách để giải thoát khi bị áp lực học tập từ nhà trường, gia đình và chính bản thân các em. Câu chuyện tưởng chừng đã cũ nhưng hệ lụy mà nó để lại đầy xót xa.
Học sinh tự tử: Do các em tự tạo áp lực cho mình?
Liên tiếp thời gian gần đây nhiều trường hợp học sinh tự tử vì áp lực học tập từ cha mẹ khiến nhiều người không phải xót xa. Vào cuối tháng 3, nữ sinh lớp 9 đã tử vong sau khi rơi từ tầng 26 chung cư ở Hà Nội; một nữ học sinh lớp 8 ở Bắc Ninh cũng đã tìm đến cái chết bằng cách treo cổ tại nhà. Nguyên nhân của các em tự tử đều liên quan đến học hành.
Mới đây nhất là nam sinh có tên L.N.N.M (SN 2006) học chuyên tại trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam. Theo những dòng chữ cuối cùng nam sinh để lại, cậu đã chịu nhiều áp lực từ việc học tập cũng như không nhận được sự động viên, cảm thông đúng mực từ phía bố mẹ. Nhiều hôm cậu đã phải học tới tận 3 -4 giờ sáng.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về bệnh trầm cảm tại khu vực Đông Nam Á, chỉ riêng Việt Nam có tới gần 800.000 người chết vì tự tử hàng năm. Trong đó, nhóm tuổi gây tử vong hàng đầu là nằm trong khoảng 15 - 29 tuổi.
Theo PGS. TS Trần Thành Nam – Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục (Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội) cho rằng, áp lực học tập chỉ là một trong rất nhiều yếu tố.
Ông Nam cho rằng, những suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực thường xuất hiện, khi chúng ta cảm thấy căng thẳng hoặc bất toại (không được toại nguyện). Cụ thể các bạn trẻ thường có suy nghĩ tiêu cực khi bản thân mình đối diện với một nỗi thất vọng lớn như thi trượt, thất bại trong một công việc gì đó hay đã rất cố gắng nhưng vẫn không đạt được kết quả mình mong đợi...
Theo ông Nam, học sinh tự tử nguyên nhân không chỉ là áp lực thi cử học tập, cũng không chỉ là áp lực từ cha mẹ mà chính các em cũng tự tạo áp lực cho mình.
Ông Nam cho biết, các em có áp lực phải thể hiện bản thân nhưng không biết cách thể hiện. Các em bị áp lực mâu thuẫn trong các mối quan hệ. Bị tẩy chay, bị bỏ rơi khỏi nhóm. Kể cả những sự việc rất tích cực với gia đình cũng có thể dẫn đến những nỗi thất vọng ở trẻ.
“Tất cả xuất hiện trong giai đoạn vị thành niên. Thời kỳ rất nhạy cảm với những tổn thương. Thời kỳ rất manh động. Thời kỳ rất hay cảm thấy "thế này thì mình không thể chịu đựng nổi". Và tìm cách trốn thoát khỏi hiện thực khắc nghiệt đó bằng những phản ứng bốc đồng, thiếu cân nhắc như tự gây hại hoặc tự tử”- ông Nam nhấn mạnh.
Theo nghiên cứu của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), khoảng 8-29% trẻ em đang trong độ tuổi vị thành niên ở Việt Nam mắc các bệnh về sức khỏe tâm thần nói chung. Ước tính tại Việt Nam có ít nhất 3 triệu thanh, thiếu niên có các vấn đề về tâm lý. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 20% trong số đó nhận được hỗ trợ y tế và điều trị cần thiết.
Đặc biệt thời gian gần đây, các bệnh viện cũng ghi nhận có sự gia tăng đáng kể của bệnh nhân trầm cảm trẻ tuổi, đa số là học sinh, sinh viên. Việc thường xuyên gặp áp lực học hành thi cử cũng như sự kỳ vọng quá lớn của cha mẹ là 2 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trẻ hóa bệnh trầm cảm ở Việt Nam hiện nay.
Người lớn phải giải quyết cảm xúc tiêu cực ở mình như thế nào?
Theo PGS. TS Trần Thành Nam – Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục (Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội), thực tế hiện nay không chỉ con bị stress mà cha mẹ hiện cũng stress theo.
Ông Nam cho rằng, khi stress thì thường hay phản ứng theo 2 cách với con cái. Một là, bỏ mặc con cái về cảm xúc, không nhạy cảm với cảm xúc của con; hai là, trở nên nóng nảy, cáu giận và bạo hành con. Cả hai cách đều dẫn đến tình huống giọt nước làm tràn ly.
“Cha mẹ phải tự ý thức được điểm yếu tâm lý của mình trong giai đoạn này”- ông Nam chỉ ra.
Theo ông Nam, khi con cũng stress, mình cũng stress thì bố mẹ cần ngồi xuống, thể hiện sự quan tâm với con.
“Hãy bắt đầu bằng những câu như: Gần đây mẹ thấy con khác, mẹ cảm thấy lo lắng một chút. Con có thể chia sẻ có chuyện gì không? Con đã bắt đầu cảm thấy như thế này từ bao giờ? Cách tốt nhất để mẹ giúp con bây giờ là gì? Hay con có muốn tìm kiếm một nhà tâm lý không? Con rất quan trọng với mẹ. Mẹ sẽ luôn ở bên con, hãy nhớ như vậy?...
“Có thể con không tin vào điều này nhưng những gì con đang cảm nhận có thể thay đổi rất nhanh. Có thể mẹ chưa hiểu chính xác những gì con đang cảm thấy nhưng mẹ thực sự quan tâm và muốn giúp Khi con thực sự muốn bỏ cuộc, hãy tự nhủ mình sẽ cố gắng chỉ một ngày nữa, một giờ nữa, hoặc vài phút nữa thôi. Tóm lại là cha mẹ cần biết cách lắng nghe- kết nối- đồng cảm- chân thành là cách để giúp con phanh lại trước khi có những hành động dại dột”- ông Nam nói.
Theo nhà tâm lý này, với người lớn, các bậc phụ huynh và giáo viên, chính họ cũng phải giải quyết cảm xúc tiêu cực ở mình?
Ông Nam cho rằng, giáo viên và cha mẹ nên hiểu những cảm xúc tiêu cực mà họ có thường phóng chiếu vào đứa trẻ. Họ như một tấm gương nên họ cần nhận ra và quản lý cảm xúc của mình trước. Cần nhận ra rằng lo âu, trầm cảm cũng có thể bộc lộ ra bằng sự giận dữ. Nhiều người thực tế là bị trầm cảm nhưng họ chẳng cảm thấy buồn bã chút nào, họ chỉ cảm thấy mất hứng thú với điều họ làm và trở nên cáu kỉnh, bạo lực với người xung quanh.
“Họ cũng cần thực hành cân bằng 4 trụ cột thể chất, cảm xúc, xã hội và nhận thức. Họ cần học cách quản lý sự tức giận bằng cách gọi tên tức giận; hiểu đằng sau sự tức giận là gì; thực hiện kỹ thuật xao nhãng để kiểm soát hành vi bộc phát; tự tưởng tượng hành động tức giận diễn ra trong đầu để có thể quan sát và bình tĩnh hơn”- ông Nam nhấn mạnh.
Trầm cảm có dễ nhận ra không?
Trầm cảm dễ nhận ra vì nó là một cảm xúc rất mạnh. Tuy nhiên trong một số hoàn cảnh nhất định, chúng ta phải đè nén nỗi buồn của mình (vì xã hội mong muốn như vậy, vì hoàn cảnh yêu cầu chúng ta vui vẻ, vì hoàn cảnh yêu cầu chúng ta tập trung năng lượng để giải quyết vấn đề …).
Trong một số trường hợp đó, trầm cảm sẽ biểu hiện ra một hoặc nhiều triệu chứng sau đây:
- Tâm trạng buồn bã, lo lắng hoặc “trống rỗng”
- Cảm giác tuyệt vọng, bi quan - Cảm giác tội lỗi, vô giá trị, bất lực
- Mất hứng thú với các hoạt động và sở thích
- Khó ngủ, thức dậy vào buổi sáng sớm hoặc ngủ quá nhiều
- Có sự thay đổi trong cân nặng hoặc sự thèm ăn
- Suy nghĩ về cái chết hoặc tự tử, cố gắng tự tử
- Bồn chồn, khó chịu - Các triệu chứng thể chất dai dẳng, chẳng hạn như đau cơ hoặc đau đầu.
Trên đây là những triệu chứng điển hình của trầm cảm, các triệu chứng này có thể xuất hiện rất đa dạng ở mỗi cá nhân.