Học sinh tử vong vì cây đổ trong sân trường, trách nhiệm bồi thường thuộc về ai?
Mới đây, vụ một cây xanh trong khuôn viên trường THCS Bạch Đằng (TP.HCM) bất ngờ đổ gãy đè lên nhóm học sinh khiến một cháu tử vong đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt từ dư luận. Sau vụ việc hy hữu trên, một câu hỏi được rất nhiều độc giả đặt ra là ai sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường cho các nạn nhân?
Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Báo Gia đình và Xã hội, luật sư Nguyễn Thu Anh (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) bày tỏ quan điểm: "Trước hết chúng ta phải khẳng định với nhau rằng đây là một sự việc khá hy hữu, bởi lẽ thời điểm cây đổ gãy không có mưa bão mà trong điều kiện thời tiết bình thường.
Về vấn đề bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra đã được quy định khá rõ tại Điều 604, Bộ luật dân sự 2015. Theo đó, chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý cây xanh phải bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra.
Quy chiếu vào vụ việc cụ thể nêu trên, nếu người được giao quản lý cây xanh của nhà trường không làm hết trách nhiệm trong việc quản lý, phát hiện sớm các dấu hiệu có nguy cơ gây đổ cây thì phải chịu trách nhiệm bồi thường các thiệt hại xảy ra. Trong trường hợp nếu không xác định được người trực tiếp được giao quản lý cây xanh thì nhà trường phải bồi thường.
Tuy nhiên, không phải bất cứ lúc nào người bị thiệt hại cũng có thể được bồi thường. Bởi theo quy định tại Điều 584 Bộ luật dân sự 2015, sẽ không phải bồi thường thiệt hại vì sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại.
Điều 156 Bộ luật dân sự 2015 quy định, sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan, không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.
Trong trường hợp, nếu đơn vị quản lý cây xanh đã làm mọi biện pháp như cắt tỉa các cành cây, buộc cây… nhằm hạn chế tai nạn xảy ra nhưng vì một lý do nào đó cây vẫn đổ gãy gây thiệt hại thì sẽ không phải bồi thường.
Khi đó, để xác định trách nhiệm bồi thường trong trường hợp cây cối đổ gây thiệt hại cho mọi người thì phải xem xét đơn vị quản lý cây xanh đã thực hiện hết trách nhiệm của mình chưa và người bị hại có lỗi hay không?
Xét về phương diện trách nhiệm hình sự, đối với người được giao nhiệm vụ quản lý cây xanh trong nhà trường, nếu cơ quan chức năng có đủ căn cứ xác định họ thiếu trách nhiệm trong quản lý gây hậu quả chết người có thể sẽ bị khởi tố hình sự theo Điều 360, Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi 2017). Mức hình phạt cao nhất của tội danh này lên tới 5 năm tù.
Tất nhiên để có căn cứ xử lý, giải quyết vụ việc thì cần phải chờ kết luận cuối cùng từ phía cơ quan chức năng".
Trước đó, theo Báo Gia đình và Xã hội đã đưa tin, khoảng 6h15 sáng 26/5, một cây phượng lâu năm ở sân trường THCS Bạch Đằng (đường Lê Văn Sỹ, quận 3, TP.HCM) bất ngờ bật gốc gãy đổ đè lên một nhóm học sinh.
Thông tin ban đầu cho biết, 13 học sinh bị thương được chuyển đến các bệnh viện. Trong số đó, có 8 học sinh được cấp cứu tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (4 em bị gãy xương, 4 em bị xây xước nhẹ).
Tại Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình Saigon ITO (Phú Nhuận), các bác sĩ điều trị cho 3 học sinh bị gãy xương, 1 em bị xây xước nhẹ.
Riêng trường hợp cháu N.T.K (SN 2008, học sinh lớp 6.8), được cấp cứu tại Bệnh viện An Sinh (ngay gần trường THCS Bạch Đằng) nhưng đã tử vong do vết thương quá nặng.
Nhận tin báo con trai gặp tai nạn, mẹ của em K. đã nhanh chóng đến bệnh viện. Khi hay tin con mình không qua được, chị ngất xỉu và được đưa đi cấp cứu. Được biết, mẹ em K mới sinh em bé thứ hai được vài ngày.