Học sinh và thầy giáo nghiên cứu 'thiết bị cảnh báo học sinh ngủ quên trong ô-tô'
Chủ nhân của sáng chế này là học sinh Nguyễn Xuân Hoàng, lớp 11L1, Trường THPT Chuyên Hà Nội-Amsterdam và thầy giáo, kỹ sư Dương Trung Hiếu, làm việc tại Phòng Thí nghiệm Vật lý và Khoa học Nhân Hòa.
Nguyễn Xuân Hoàng cho biết, động lực để Hoàng tập trung nghiên cứu “thiết bị cảnh báo học sinh ngủ quên trên ô-tô”: “Sau 2 vụ việc liên quan trẻ em bị quên trên ô-tô mới đây, với sự đồng ý của thầy giáo hướng dẫn, hai thầy trò có ý tưởng triển khai thực hiện nghiên cứu sáng chế loại thiết bị đặc biệt đặt trên ô-tô để bảo đảm an toàn cho trẻ em và học sinh”.
Về cơ chế hoạt động của thiết bị này, Xuân Hoàng phân tích: “Khi xe ngừng chạy thì sau khoảng 2 phút, nếu trên xe còn người, cảm biến sẽ truyền tín hiệu làm chuông kêu trong vòng 20 giây. Khi xe hoạt động trở lại, cảm biến sẽ nhận biết được hoạt động của động cơ và ngắt chuông”.
Thầy giáo Dương Trung Hiếu hết sức vui mừng về thành công của hai thầy trò: “Từ khi bắt đầu hình thành ý tưởng cho tới khi hoàn thành thiết bị cảm biến này là hai tuần (từ ngày 28/5 tới ngày 18/6/2024). Hai thầy trò chúng tôi cùng nhau làm việc liên tục, nghiên cứu thiết kế, hình thành và lắp ráp kết cấu thiết bị. Xuân Hoàng là học sinh thông minh và say mê công việc”.
Trong vòng chỉ 2 tuần nghiên cứu, thử nghiệm, hai thầy trò đã thành công và cho ra đời thiết bị cảm biến hữu ích này. Xuân Hoàng cho biết, thiết bị này có các bộ phận chính là: Hộp chuông tích hợp mạch có các rơ-le để điều khiển dòng điện chạy từ các cảm biến về hộp chuông; những cảm biến hồng ngoại để phát hiện có người trong ô-tô hay không khi ô-tô dừng máy và những cảm biến rung giúp nhận biết ô-tô có chuyển động hay không.
Theo thầy giáo Dương Trung Hiếu, thiết bị này có ưu điểm là lắp đặt gọn nhẹ, đơn giản, không cồng kềnh, dễ dàng dùng nguồn trực tiếp ngay trong ô-tô, giá thành rẻ và chế tạo khá đơn giản.
Xuân Hoàng cho biết thêm: “Công đoạn khó khăn nhất khi nghiên cứu cho ra đời sản phẩm này đó là việc thiết kế mạch điện và thử nghiệm các cảm biến trong thiết bị. Đối với mỗi loại ô-tô sẽ có những kích thước khác nhau. Vì thế, khi tính toán chiều dày, độ lớn của dây nối với cảm ứng, hai thầy trò rất khó khăn khi chọn dây phù hợp từng loại ô-tô. Đặc biệt, khi bắt đầu lắp cảm biến vào ô-tô, cần nhiều thời gian và độ chính xác để điều chỉnh chuông để chuông có thể kêu hoặc ngắt chính xác theo cảm biến rung. Chúng ta cũng có thể lắp thêm hệ thống báo động không dây với trường học để những người phụ trách cùng phối hợp với lái xe”.
Hai thầy trò cho biết, sẽ tiếp tục nghiên cứu, thử nghiệm để phát triển đề tài, thiết kế thiết bị nhỏ gọn hơn, kinh phí ít hơn và độ bền cao hơn, với hy vọng thiết bị sẽ được áp dụng hữu ích vào cuộc sống tại các trường học và trong các ô-tô đưa đón trẻ em, học sinh...