Học sinh Việt Nam giành 5 Huy chương Olympic Vật lí quốc tế, đứng trong Top 10 thế giới
Theo thông tin từ Bộ GD&ĐT, đội tuyển quốc gia Việt Nam giành 5 Huy chương tại Olympic Vật lí Quốc tế (IPhO) năm 2025 được tổ chức tại Pháp.
Việt Nam giành 1 Huy chương Vàng, 4 Huy chương Bạc
Đội tuyển quốc gia Việt Nam có 5 học sinh dự thi và tất cả học sinh đều đoạt Huy chương với 1 Huy chương Vàng, 4 Huy chương Bạc. Cụ thể: Thí sinh Nguyễn Thế Quân, học sinh lớp 12, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, tỉnh Nghệ An giành Huy chương Vàng.
4 thí sinh giành Huy chương Bạc bao gồm: Lý Bá Khôi - học sinh lớp 12, Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội; Trương Đức Dũng - học sinh lớp 12, Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội; Nguyễn Công Vinh - học sinh lớp 12, Trường THPT chuyên Bắc Ninh, Tỉnh Bắc Ninh; Trần Lê Thiện Nhân - học sinh lớp 12, Trường THPT chuyên Quốc học Huế, TP Huế.

Đội tuyển IPhO 2025 (từ trái sang phải): PGS.TS Đặng Đức Vượng, Phó Trưởng đoàn; thí sinh Nguyễn Công Vinh; Nguyễn Thế Quân; Trương Đức Dũng; Lý Bá Khôi; Trần Lê Thiện Nhân ; PGS.TS Đỗ Danh Bích, Trưởng đoàn.
Với 1 Huy chương Vàng và 4 Huy chương Bạc, đoàn Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia có kết quả cao nhất tại IPhO 2025. Thành tích này tiếp nối chuỗi kết quả ấn tượng mà các đoàn học sinh Việt Nam đạt được tại các kì thi Olympic quốc tế và khu vực trong nhiều năm qua.
Đề thi IPhO 2025: Kết hợp khoa học hiện đại và thực tiễn đời sống
Kì thi Olympic Vật lí Quốc tế lần thứ 55 được tổ chức tại Cộng hòa Pháp từ ngày 17/7/2025 đến hết ngày 25/7/2025, với sự tham gia của 94 đoàn (trong đó có 5 đoàn quan sát viên) đến từ 94 quốc gia và vùng lãnh thổ, cùng 406 thí sinh dự thi.
Kì thi IPhO 2025 gồm 2 ngày thi chính thức: Một ngày thi lý thuyết và một ngày thi thực nghiệm, mỗi bài thi có thời lượng làm bài là 5 giờ.
Bài thi lý thuyết và thực nghiệm thể hiện sự kết hợp tinh tế giữa Vật lí hiện đại và các hiện tượng thực tiễn gần gũi - từ cấu trúc nguyên tử hydro đến cấu trúc thiên hà, từ dao động của nam châm đến sự hình thành hố thiên thạch. Bài toán về sự tạo bọt khí trong ly sâm panh không chỉ mang ý nghĩa Vật lí sâu sắc (liên quan đến áp suất, âm học, lực ma sát nhớt,...) mà còn là điểm nhấn văn hóa độc đáo, đưa truyền thống ẩm thực Pháp vào đề thi IPhO.
Bài thi thực nghiệm gồm 2 bài toán, yêu cầu tư duy tổng hợp và kỹ năng đo đạc chính xác; trong đó, một bài liên quan đến “hạ cánh và di chuyển an toàn, tránh sa lầy vào những cồn cát trên bề mặt Sao Hỏa của tàu thám hiểm”, và bài còn lại sử dụng cân Gouy để đo mômen từ - đồng thời là một gợi nhắc đầy ý nghĩa về nhà Vật lí người Pháp Louis Georges Gouy, người có nhiều đóng góp trong nghiên cứu từ học và quang học, thể hiện tinh thần tri ân di sản khoa học Pháp tại kì thi quốc tế được tổ chức trên chính quê hương ông.
