Học sinh vững bước đến trường nhờ con đường nông thôn mới

Những con đường bê tông sạch đẹp tại xã nông thôn mới đã giúp hành trình đến trường của các em học sinh được dễ dàng và an toàn hơn.

Con đường nông thôn mới tại Giang Thành. (Ảnh: Yến Phương)

Con đường nông thôn mới tại Giang Thành. (Ảnh: Yến Phương)

Xã Phú Lợi, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang (nay là xã Giang Thành, tỉnh An Giang), từng là một trong những địa phương có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn. Với đặc thù vùng biên giới, hạ tầng cơ sở còn nhiều hạn chế, đặc biệt là hệ thống cầu, đường giao thông nông thôn chưa hoàn thiện, gây trở ngại lớn cho đời sống của người dân và việc học của các em học sinh.

Trước đó, học sinh nơi đây phải đối mặt với nhiều khó khăn mỗi khi đến trường. Những con đường đất lầy lội vào mùa mưa, bụi bẩn vào mùa khô, hay những đoạn đường gồ ghề, trắc trở luôn là nỗi ám ảnh. Nhiều em phải đi bộ hàng cây số, thậm chí đi đò, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm và mất thời gian.

Với những nỗ lực mạnh mẽ của chính quyền và người dân, từ cuối năm 2024, xã Phú Lợi đã chính thức được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới.

Hệ thống đường giao thông nông thôn đã có những chuyển biến bê tông hóa và mở rộng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của học sinh cũng như việc giao thương hàng hóa của bà con.

Là người dân sinh sống lâu năm tại địa phương, bà Thị Vi chia sẻ về những thay đổi rõ rệt: “Trước năm 2015, việc đi học của các cháu học sinh rất vất vả. Các con phải đi bộ gần chục cây số trên đường đất hoặc đi đò dọc. Nhưng từ năm 2016, khi bắt đầu xây dựng nông thôn mới, các trường học được đầu tư, giờ đây các cháu mầm non, tiểu học, trung học cơ sở chỉ mất chưa đến 5km là đến trường”.

Nhiều phụ huynh bày tỏ sự yên tâm khi có đường bê tông, việc đi lại thuận tiện, các cháu có thể tự đạp xe đi học hoặc được người thân đưa đón bằng xe máy trên những con đường sạch đẹp, thông thoáng. Những con đường mới còn tạo điều kiện để các em học sinh có thể đến trường đúng giờ, không còn lo lắng về đường sá xa xôi. Điều này góp phần giảm thiểu tình trạng bỏ học giữa chừng, nâng cao chất lượng giáo dục ở địa phương.

Theo chia sẻ của người dân, từ năm 2023 đến nay, nhiều tuyến đường được mở rộng, giúp các xe tải nhỏ, ô tô con có thể vào tận xóm, thuận tiện cho việc giao thương, mua bán hàng hóa.

Các mô hình chăn nuôi, sản xuất lúa chất lượng cao cũng được hình thành, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Nhờ vậy, kinh tế địa phương đã có những chuyển biến tích cực rõ rệt.

Ông Giang Thanh Khoa, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang (nay là Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang) đánh giá, qua 13 năm triển khai, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới trở thành phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp trên địa bàn tỉnh.

Đến nay các tuyến đường đã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa, hạ tầng điện, trường học và trạm y tế cũng được đầu tư. Đặc biệt, đời sống của người dân nông thôn ngày càng được cải thiện rõ rệt, minh chứng cho hiệu quả tích cực mà chương trình nông thôn mới mang lại.

Yến Phương

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/hoc-sinh-vung-buoc-den-truong-nho-con-duong-nong-thon-moi-post739361.html