Học tập tấm gương Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Quảng Bình quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh
Quảng Bình, mảnh đất kiên trung và hào hùng đã sản sinh, nuôi dưỡng và tôi luyện nhiều bậc danh nhân, hào kiệt, trí dũng song toàn làm rạng danh non sông gấm vóc, trong đó có đồng chí Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, vị tướng tài ba, nhà lãnh đạo đức độ và tài năng, người học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đặc biệt, tên tuổi và sự nghiệp của đồng chí Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên gắn liền với những chiến công hiển hách, những đóng góp to lớn của đường Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh huyền thoại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Vũ Đại Thắng
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước ở xã Quảng Trung, huyện Quảng Trạch (nay thuộc TX. Ba Đồn), ngay từ nhỏ, Nguyễn Hữu Vũ (tên khai sinh của đồng chí Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên) đã sớm chứng kiến cảnh quê hương bị quân thù giày xéo.
Nhận thức được nỗi đau mất nước và được sự dìu dắt của những đảng viên trung kiên, đồng chí đã sớm giác ngộ cách mạng. Năm 1938, đồng chí tham gia các hoạt động cách mạng ở quê nhà, để rồi đến năm 1939 trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương. Những năm tháng tham gia hoạt động cách mạng ở quê hương Quảng Bình đã tôi luyện và hình thành trong ông những phẩm chất cao đẹp của người chiến sĩ cách mạng trung kiên.
Đồng chí Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên được biết đến trên nhiều cương vị khác nhau trong cả cuộc đời cống hiến cho cách mạng của Đảng và dân tộc, song có lẽ những dấu ấn sâu sắc nhất gắn liền với những chiến công vẻ vang là trên vai trò Tư lệnh kiêm Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Đoàn 559; Bí thư Ban cán sự cố vấn Đảng, quân, dân, chính, kiêm Tư lệnh Bộ đội tình nguyện ở Trung Hạ Lào từ năm 1967-5/1976.
Trên cương vị là Tư lệnh Đoàn 559, với tinh thần táo bạo, kịp thời, sâu sát với thực tiễn, đồng chí Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã đưa tuyến giao thông chiến lược Trường Sơn trở thành một hệ thống giao thông vận tải lớn, với mạng lưới đường-cầu nhiều trục dọc Bắc-Nam, Đông-Tây Trường Sơn xuyên cả 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia; nhiều trục ngang nối 2 sườn Đông-Tây, nối các chiến trường, tạo nên một hệ thống giao thông vận tải quân sự lớn nhất, với tổng chiều dài lên đến 17.000km, hệ thống đường ống dẫn xăng dầu dài 1.400km, đường sông dài 600km, mạng thông tin đường dây tải ba dài 1.350km để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chuyển tải cơ sở vật chất, vũ khí, cơ động các lực lượng quân binh chủng với quy mô ngày càng lớn, đáp ứng nhu cầu, bảo đảm cho chiến trường đánh to thắng lớn.
Đặc biệt, đã góp phần rất quan trọng vào các quá trình thắng lợi trong cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, nhất là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Đường Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh đã trở thành một biểu tượng cao đẹp trong trang sử hào hùng của dân tộc.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn được giải phóng, non sông thu về một mối, đồng chí Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên được Đảng, Nhà nước tin tưởng phân công giữ nhiều cương vị quan trọng: Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Ủy viên Bộ Chính trị (Khóa VI) và được giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.
Cả cuộc đời chiến đấu, cống hiến, phục vụ cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, đồng chí Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên luôn là người đảng viên cộng sản kiên trung, tấm gương sáng về bản lĩnh chính trị, đạo đức cách mạng, tinh thần dũng cảm, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
Đồng chí Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên luôn thể hiện tinh thần chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; sự quyết đoán, gan dạ, mưu trí, thao lược trong lãnh đạo, chỉ huy trên các chiến trường, các mặt trận.
Nặng lòng nặng nghĩa với quê hương, trong tâm khảm của vị tướng Trường Sơn huyền thoại, Quảng Bình luôn là hai tiếng thân thương thắm đậm nghĩa tình, đồng chí Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên luôn dành tình cảm sâu nặng và sự quan tâm đặc biệt. Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, là địa bàn chịu nhiều bom đạn đánh phá của đế quốc Mỹ nhưng đồng thời cũng là nơi có vai trò quan trọng trên tuyến vận tải Trường Sơn, Quảng Bình đã thường xuyên nhận được sự theo dõi, chỉ đạo sâu sát của vị tướng Tư lệnh bộ đội Trường Sơn.
Sau khi Quảng Bình trở lại với đơn vị hành chính cũ (1989), trên cương vị là Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, đồng chí Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã dành nhiều thời gian vào thăm và làm việc với tỉnh nhà. Trong những lần vào thăm quê hương và những lần đoàn cán bộ của tỉnh đến thăm ông, Trung tướng đều có những lời chỉ bảo ân cần, ý kiến đóng góp tâm huyết đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà trong phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH), bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và xây dựng hệ thống chính trị, để xây dựng Quảng Bình ngày càng giàu mạnh, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao.
Khắc ghi những lời căn dặn của đồng chí Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, trong những năm qua, Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà đã không ngừng củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết, nỗ lực khắc phục khó khăn, phát huy truyền thống của quê hương “Hai giỏi”, tiếp tục đẩy mạnh công cuộc xây dựng và phát triển tỉnh nhà theo các mục tiêu mà đại hội Đảng bộ tỉnh qua các nhiệm kỳ đề ra.
Đến nay, sau gần 34 năm tái lập tỉnh, Quảng Bình đã đạt được những thành tựu rất quan trọng trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. KT-XH đi vào ổn định; quy mô nền kinh tế không ngừng được nâng lên; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Công nghiệp từng bước giữ vai trò là ngành kinh tế trọng điểm; ngành Du lịch có nhiều khởi sắc và dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thương hiệu du lịch Quảng Bình được khẳng định ở tầm quốc gia, khu vực, là điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam. Kết cấu hạ tầng ngày càng đồng bộ; thu ngân sách trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng cao.
Trong xu thế hội nhập, với cơ chế, chính sách rộng mở, thông thoáng, Quảng Bình ngày càng thu hút được các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến nghiên cứu, khảo sát, triển khai nhiều dự án trọng điểm, tạo động lực thúc đẩy phát triển KT-XH trên địa bàn tỉnh. Công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu được chú trọng. Lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững đạt được nhiều kết quả quan trọng; công tác an sinh xã hội được quan tâm. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện, nâng cao.
Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được triển khai toàn diện. Đảng bộ tỉnh Quảng Bình đã đề ra những chủ trương đúng đắn, có những bước đi và biện pháp thích hợp để xây dựng Đảng bộ đoàn kết, thống nhất, trong sạch, vững mạnh, qua đó không ngừng củng cố niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng bộ.
Học tập tấm gương sáng của đồng chí Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, để xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh như lòng mong mỏi của Trung tướng, thời gian tới, Đảng bộ tỉnh Quảng Bình xác định phải tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc cũng như những cống hiến, đóng góp to lớn của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên gắn liền với tuyến đường Hồ Chí Minh lịch sử trong công cuộc kháng chiến chống xâm lược và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Từ đó, góp phần bồi dưỡng tinh thần yêu nước, hun đúc truyền thống cách mạng và niềm tự hào dân tộc cho các thế hệ; nghiên cứu, vận dụng sáng tạo ý kiến chỉ đạo, đóng góp của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên trong việc thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh cũng như phát triển KT-XH trên địa bàn tỉnh, nhất là đối với địa bàn chiến lược đường Hồ Chí Minh-đường Trường Sơn huyền thoại.
Tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Trong đó, chú trọng đổi mới mạnh mẽ và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cán bộ, lấy công tác cán bộ làm khâu đột phá trong xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.
Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH, các chương trình mục tiêu quốc gia, gắn với thực hiện các nghị quyết chuyên đề, các khâu đột phá của tỉnh. Chú trọng ưu tiên phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực có chất lượng; đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ.
Nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để thu hút đầu tư có chất lượng, tạo việc làm có năng suất, mang lại thu nhập cao và cơ hội nghề nghiệp tốt cho người lao động; phát huy vai trò động lực của kinh tế tư nhân. Quản lý, sử dụng có hiệu quả đất đai, tài nguyên; chú trọng bảo vệ môi trường và phát triển rừng; chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới, biển, đảo; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, thế trận biên phòng toàn dân, thế trận lòng dân vững chắc. Đẩy mạnh công tác đối ngoại, nhất là quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện với các địa phương của nước bạn Lào, góp phần xây dựng biên giới Việt Nam-Lào hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác và phát triển.
Noi gương đồng chí Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà càng nhận thức sâu sắc hơn nữa vai trò, trách nhiệm của mình, không ngừng nỗ lực, phát huy truyền thống quê hương, quyết tâm xây dựng Quảng Bình trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực Bắc Trung bộ. Mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi người dân nguyện nêu cao tinh thần vượt khó vươn lên, tự lực tự cường, đổi mới sáng tạo, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 và các nhiệm kỳ tiếp theo.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy
Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình