Học thuyết Các Mác - nhân văn, khoa học và cách mạng
Loài người đã thu nhận rất nhiều học thuyết về chính trị, xã hội... khác nhau. Trong đó, phần lớn học thuyết đều chứa đựng tính nhân văn. Bên cạnh tính nhân văn sâu sắc, học thuyết Các Mác thẩm thấu sự khoa học và cách mạng. Tuy nhiên, do nhận thức không đầy đủ và đôi khi bị lợi dụng để giải quyết những sự kiện chính trị hiện hành, Học thuyết bị “áp đặt” máy móc hoặc cường điệu nên trong thực tế cuộc sống bị sai lệch ở nơi này nơi kia. Do vậy, việc tìm hiểu thêm về nguồn gốc và tư tưởng của Học thuyết sẽ giúp chúng ta nhận rõ hơn sự nhân văn, khoa học và cách mạng của nó.
>> Học thuyết “lạc hậu” chỉ bởi những người lạc hậu
Nhân văn là đề cập đến con người, tính đồng loại người. Đó là sự quan tâm, hiểu biết và tôn trọng con người. Một số học thuyết thu hút và thu phục được phần đông con người ở các thời đại khác nhau đều nêu cao tính nhân văn. Sau khi nghiên cứu và nghiền ngẫm một số học thuyết, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Học thuyết Khổng Tử có ưu điểm là sự tu dưỡng đạo đức cá nhân. Tôn giáo Giêsu có ưu điểm là lòng nhân ái cao cả...”. Chúng ta cũng bắt gặp tư tưởng của Phật giáo bàn về bể khổ của xã hội loài người và kêu gọi tu thân để tìm sự giải thoát. Theo mạch ngầm của cuộc sống, Học thuyết Các Mác nói về giải phóng những người nghèo khổ nói riêng và loài người nói chung; đưa lại mỗi người cuộc sống tự do, bình đẳng, thịnh vượng và hạnh phúc chính tại thế giới trần gian này. Theo ông, chính thông qua việc cải tạo xã hội cũ “sẽ xuất hiện một liên hợp, trong đó sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”. Tư tưởng nhân văn đã xuất hiện rất sớm ở ông. Vào những năm đầu nghiên cứu các trường phái triết học, ông đã nhận ra và xem như phương châm sống của mình: “Chỉ có loài thú mới quay lưng với nỗi khổ đau của đồng loại để làm đẹp bộ da (lông) của mình”. Những tư tưởng nhân văn này đã theo đuổi ông trong suốt hành trình tìm ra con đường giải phóng nhân loại. Ở đây, cần lượt khảo sự ra đời của học thuyết Các Mác để hiểu đầy đủ hơn tính khoa học và cách mạng của nó.
Karl Heinrich Marx (1818 - 1883) - phiên âm tiếng Việt là Các Mác và người bạn thân thiết của mình là Friedrich Engels (1820 - 1895) - phiên âm tiếng Việt là Ăngghen đã xây dựng nên học thuyết mang tên Các Mác. Học thuyết của Các Mác dựa trên sự phân tích tình hình xã hội đương đại với những cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân; tiếp thu, kế thừa thành tựu của khoa học tự nhiên mà nổi bật là 3 phát kiến vĩ đại của loài người (thuyết tế bào, định luật bảo toàn và chuyển hóa năng lượng và thuyết tiến hóa Charles Darwin) và học thuyết về xã hội với triết học cổ điển Đức, kinh tế chính trị học cổ điển Anh và chủ nghĩa xã hội không tưởng phê phán Pháp. Kế thừa và phê phán các học thuyết trước mình, Các Mác đã “vén bức màn thần bí” về xã hội loài người. Bằng việc luận giải các quy luật nội tại, nhất là quy luật về mối quan hệ giữa lực lượng sản xuất với quan hệ sản xuất, quy luật về cơ sở hạ tầng với kiến trúc thượng tầng và khát vọng của con người, ông cho rằng, xã hội loài người đã và sẽ trải qua các hình thái kinh tế - xã hội mà xã hội sau ngày càng tốt đẹp hơn so với xã hội trước đó. Theo đó, loài người đã và sẽ trải qua hình thái kinh tế - xã hội Công xã nguyên thủy, Chiếm hữu nô lệ, Phong kiến, Tư bản và Cộng sản. Hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa mà ở bậc cao của nó được kỳ vọng là “mùa xuân của nhân loại”, là “thiên đàng trần gian”. Trên nền tảng quan điểm duy vật và phép biện chứng, Các Mác đã nâng tầm học thuyết của mình lên bước cao với tính khoa học và cách mạng. Ông nhận thấy tất cả các sự vật và hiện tượng trong tự nhiên và xã hội luôn luôn vận động và phát triển bởi các quy luật vốn có của nó, nhất là quy luật mâu thuẫn. Đây cũng chính là dấu ấn trong nhận thức của ông trong việc ủng hộ quan niệm: “Đấu tranh là hạnh phúc”. Khi nghiên cứu về các dòng tư tưởng của nhân loại, ông đã nhấn mạnh rằng: “Các nhà triết học từ cổ chí kim lý giải thế giới bằng nhiều cách khác nhau, song mấu chốt là làm cách nào để cải tạo thế giới”. Đó là cách những người lao động tự giải phóng mình, không cầu khẩn từ thần linh hay phó mặc vào vận may nào cả. Dĩ nhiên, hành động ấy không phải từ những cá nhân riêng lẻ, mà phải là sự “liên hợp” các cá nhân. Các Mác đã từng lưu ý rằng: “Chỉ có trong cộng đồng, cá nhân mới có những phương tiện để có thể phát triển toàn diện năng khiếu của mình và do đó, chỉ có trong cộng đồng, mới có thể có tự do cá nhân”.
Sau này, Chủ tịch Hồ Chí Minh có nêu phương châm: “Lấy sức ta mà giải phóng chúng ta”. Hiện thực lịch sử ở nhiều thời đại với những cộng đồng nhất định đã từng minh chứng “Không gì là không thể”. Sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam phần nào đã hiện thực hóa điều đã đề cập. Là một đất nước được cho là “nhược tiểu” đã làm nên cuộc chiến thắng “Điện Biên Phủ” - “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” với thực dân Pháp hùng mạnh hơn gấp nhiều lần. Hay từng bị so sánh như “châu chấu đá xe” trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nhưng Việt Nam đã viết nên bản anh hùng ca của thế kỷ 20 khi đánh đuổi được tên “Sen đầm” quốc tế lúc bấy giờ. Cũng như đã vượt qua sai lầm, bị cấm vận và khủng hoảng kinh tế - xã hội để “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Và như nhiều nhà khoa học và nhà kinh tế quốc tế có dự báo chắc chắn rằng: “Việt Nam sẽ phát triển tốt hơn nhiều trong 10 năm tới”.
Học thuyết của Các Mác - Học thuyết của những “nô lệ ở thế gian”, của những “ai cực khổ bần hàn”. Học thuyết đã chỉ cho họ con đường và phương pháp thay đổi từ trạng thái bất công trở nên công bằng, dân chủ, văn minh, hiện đại, thịnh vượng và hạnh phúc. Đó là con đường “liên hiệp” để biến những điều không thể thành có thể và những điều ở khả năng thành hiện thực trên chính trần gian này. Như một số nước khác, Việt Nam đã và đang áp dụng Học thuyết với những thành công vĩ đại. Với sự kiểm nghiệm và thử thách của lịch sử đối với một học thuyết nhân văn, khoa học và cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn khẳng định Học thuyết là nền tảng tư tưởng của Đảng và xã hội Việt Nam.