Học thuyết hạt nhân của Nga có thể được thay đổi trước sự can thiệp của phương Tây?

Nga tuyên bố sẽ thay đổi học thuyết về việc sử dụng vũ khí hạt nhân của mình để đáp trả sự can thiệp của phương Tây trong cuộc chiến ở Ukraine.

Học thuyết hạt nhân hiện tại của Nga

Học thuyết hạt nhân hiện tại của Nga được Tổng thống Vladimir Putin đưa ra vào tháng 6/2020 trong một sắc lệnh dài 6 trang. Một phần của sắc lệnh nêu rõ: "Liên bang Nga có quyền sử dụng vũ khí hạt nhân để đáp trả việc sử dụng vũ khí hạt nhân và các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác chống lại Liên bang Nga và (hoặc) các đồng minh của Nga, cũng như trong trường hợp Liên bang Nga bị xâm lược bằng vũ khí thông thường, khi sự tồn tại của nhà nước bị đe dọa".

 Tên lửa 9М723, một phần của tổ hợp tên lửa Iskander-M, tại trường bắn Alabino ở vùng Moscow, Nga. Ảnh: Reuters

Tên lửa 9М723, một phần của tổ hợp tên lửa Iskander-M, tại trường bắn Alabino ở vùng Moscow, Nga. Ảnh: Reuters

Tại sao Nga đang muốn thay đổi học thuyết hạt nhân?

Ngày 1/8, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết việc thay đổi học thuyết có "liên quan đến quá trình leo thang của phương Tây" trong cuộc xung đột ở Ukraine. Ông không đề cập đến các sự kiện cụ thể.

Cuộc thảo luận công khai về học thuyết hạt nhân đã diễn ra trong hơn một năm và trở nên gay gắt hơn trong năm nay sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đưa ra khả năng rằng quân đội phương Tây có thể được gửi đến chiến đấu ở Ukraine.

Nhà nghiên cứu chính trị Sergei Karaganov cho biết Nga nên giảm điều kiện sử dụng vũ khí hạt nhân, và các quốc gia cung cấp hỗ trợ quân sự trực tiếp cho Ukraine có thể là mục tiêu bị nhắm tới. Theo ông, phương Tây cần biết rằng Nga đã chuẩn bị, nếu cần thiết, để thực hiện một cuộc tấn công hạt nhân hạn chế để phủ đầu.

Việc thay đổi học thuyết có tác động thực tế như thế nào?

Trong cuộc thảo luận tại Diễn đàn Kinh tế St Petersburg vào ngày 7/6, ông Karaganov đã trực tiếp hỏi Tổng thống Putin rằng liệu Nga có nên triển khai vũ khí hạt nhân vào phương Tây về vấn đề Ukraine hay không. Ông Putin nói rằng Nga không cần sử dụng vũ khí hạt nhân để đảm bảo chiến thắng, nhưng học thuyết hạt nhân là một "công cụ sống" có thể được thay đổi.

Cựu nhà ngoại giao kiểm soát vũ khí của Nga và Liên Xô cũ, ông Nikolai Sokov, cho biết mục đích của việc thay đổi là gửi tín hiệu tới phương Tây: "Đừng quên vũ khí hạt nhân. Hãy hết sức, hết sức cẩn thận".

Nhưng ông Sokov cho biết Nga sẽ không công khai công bố những thay đổi theo đề xuất của ông Karaganov để tránh phản đối. Thay vào đó, Nga có thể tuyên bố rằng họ đã thay đổi chính sách nhưng học thuyết mới sẽ được giữ bí mật. Điều này vừa gửi tín hiệu tới phương Tây vừa khiến phương Tây phải đoán già đoán non.

Vào tháng 6, người đứng đầu Ủy ban Quốc phòng của Quốc hội Nga cho biết Moscow có thể rút ngắn thời gian ra quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân nếu nhận thấy mối đe dọa đang gia tăng.

Vấn đề hạt nhân ảnh hưởng thế nào đến khủng hoảng Ukraine?

E ngại nguy cơ xung đột hạt nhân với Nga, Mỹ và các đồng minh NATO đã không gửi quân đội của họ đến chiến đấu cùng với Ukraine. Tuy nhiên, họ vẫn tăng cường viện trợ quân sự cho Kiev, bao gồm cung cấp xe tăng, tên lửa tầm xa và máy bay chiến đấu F-16.

Ukraine hiện đã vượt qua một ngưỡng mới bằng cách tiến vào một phần lãnh thổ của Nga, điều mà Kiev cho là thành tựu lớn trong cuộc chiến và cho thấy phương Tây nên tiếp tục dốc toàn lực để giúp Kiev giành chiến thắng. Tuy nhiên, ông Sokov cho biết sẽ là sai lầm nếu kết luận rằng tín hiệu hạt nhân của Nga chỉ là lời nói suông.

Hơn nữa, Nga đã có những bước đi cụ thể bằng cách triển khai tên lửa hạt nhân chiến thuật ở Belarus và tổ chức các cuộc tập trận trong năm nay để thực hành phóng các loại vũ khí như vậy.

Ngọc Ánh (theo Reuters)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/hoc-thuyet-hat-nhan-cua-nga-co-the-duoc-thay-doi-truoc-su-can-thiep-cua-phuong-tay-post310338.html