Học tiếng Anh như thế nào để chuẩn bị tốt nhất cho du học?

Học tiếng Anh thực tế, trau dồi kĩ năng nghe, nói, đừng chạy theo điểm số hay phải đạt giải trong các kì thi học sinh giỏi, là cách học ngoại ngữ để du học.

Để đi du học nói chung, du học ở Hoa Kỳ nói riêng, không ít phụ huynh đã đầu tư cho con học tiếng Anh ngay từ khi … còn bập bẹ tiếng Việt.

Không ít ý kiến cho rằng, muốn du học phải học giỏi ngoại ngữ trong trường học, phải đạt điểm cao trong các kì thi học sinh giỏi mới không bị “sốc” khi du học, vì vậy phụ huynh, xã hội mất không ít nguồn lực đầu tư cho học thêm, luyện thi, tạo áp lực cho người học.

Vấn đề đặt ra là: học ngoại ngữ nói chung, tiếng Anh nói riêng như thế nào để thuận lợi khi du học?

Người viết xin giới thiệu tâm sự của bạn Tăng Mỹ Nhiên, đã từng đạt chứng chỉ IELTS 8.5 trước khi du học, hiện đang học đại học năm thứ hai tại Hoa Kỳ với phụ huynh, học sinh, để có tâm thế tốt nhất cho ý định du học.

Bạn Tăng Mỹ Nhiên chia sẻ: “Hồi mới sang Hoa Kỳ khi vào giảng đường, tôi đã rơi vào trạng thái tâm lý cảm thấy không ai hiểu mình muốn nói điều gì, người khác nói, mình không hiểu gì.

Điều đó có thể đến với bất cứ ai, chứ không riêng gì tôi hay với một người nào khác khi chuyển từ môi trường sống quen thuộc sang môi trường mới với ngôn ngữ mới, chuyên môn mới … mà nguyên nhân chính là rào cản ngôn ngữ.

Ở nhà, chúng ta thấy mọi thứ xung quanh rất đơn giản, từ chào hỏi, bàn luận với nhau, hay gọi món khi vào nhà hàng, tranh luận một vấn đề nào đó khi làm việc nhóm …, nhưng tất cả những điều nhỏ bé ấy đều sẽ thay đổi, trở thành khó khăn, thử thách khi đi du học.

Tôi muốn mình như người bản xứ, có thể phản hồi thật tự nhiên, nhanh nhạy như khi còn ở nhà khi trao đổi nhóm, ... nhưng không thể diễn đạt để người khác hiểu được.

Để hòa nhập với cuộc sống thực tế, tôi đã không ngừng tự học, học mọi lúc mọi nơi, người ta học mình cũng học, người khác chơi mình cũng học, cái tôi cần học nhất lúc này chính là ... tiếng Anh thực tế.

Nay mọi chuyện đã ổn, tôi rút ra kinh nghiệm phải tự học, nên có lời khuyên cho các bạn, những ai không có năng lực tự học nói chung, học tiếng Anh nói riêng, hãy suy nghĩ cho kĩ trước khi quyết định đi du học.

Đừng nghĩ du học thì dễ dàng, học hành đơn giản, chơi là nhiều học là phụ. Nếu bạn nào suy nghĩ kiểu đó chỉ tốn tiền cha mẹ đầu tư cho mình, hoặc sẽ bị cắt học bổng ngay. Tôi cho rằng đã đi du học thì phải có trách nhiệm với mình và gia đình, học nghiêm túc, để có thể thu hoạch được những điều mà mình học trong nước không có.

 Bạn Tăng Mỹ Nhiên với hai giáo sư Liberty University. Ảnh NVCC

Bạn Tăng Mỹ Nhiên với hai giáo sư Liberty University. Ảnh NVCC

Từ những trải nghiệm của bản thân, Mỹ Nhiên cũng có đôi điều chia sẻ về việc học tiếng Anh như thế nào để chuẩn bị tốt nhất cho du học?

Mỹ Nhiên cho biết: “Tôi đã may mắn được học tiếng Anh từ hồi 8 tuổi, bắt đầu từ những trung tâm nhỏ lẻ, rồi đến trung tâm lớn …, với các thầy cô nước ngoài cực kì tâm huyết. Tôi cũng đã đạt giải nhiều cuộc thi tiếng Anh khác nhau, từ cấp trường, thành phố, lên cấp tỉnh và cấp quốc gia.

Với bảng thành tích đó, ai cũng nghĩ, khi tôi sang Hoa Kỳ, rào cản ngôn ngữ không phải là vấn đề, vậy mà khi đối diện với thực tế lại khác hoàn toàn, tôi thấy có 2 nguyên nhân dẫn mình đến tình trạng ấy.

Thứ nhất, mình đã sai lầm khi muốn mình như người bản xứ, so sánh bản thân với người bản xứ thay vì so sánh mình hôm nay với mình hôm qua, nên tự ti, thiếu tự tin vào chính mình.

Vì thế, các bạn khi sang Hoa Kỳ hay các nước khác, hãy tự tin, đừng so sánh mình với người khác mà so sánh mình hôm nay với mình hôm qua, hôm nay tốt hơn hôm qua là vui rồi.

Thứ hai, mình đang còn mang tư duy tiếng Anh lý thuyết đi theo. Trước đây, tôi học tiếng Anh để đạt điểm cao, để thi học sinh giỏi, để viết bài hoa mĩ chứ không phải tiếng Anh thực tế, tiếng Anh áp dụng thực tế cuộc sống.

Tiếng Anh lý thuyết ăn sâu vào tiềm thức của mình, sang Hoa Kỳ rồi vẫn cứ suy nghĩ: “Câu này mình nói có đủ fancy không? Mình đã gây ấn tượng tốt với họ chưa?” hoặc “Thật tình, mình lại quên thêm “s” vào cuối động từ này rồi, hồi nãy mình dùng số ít mà nhỉ” cứ luôn thường trực trước, trong và sau khi tôi nói chuyện.

Vậy nên mất tự tin, khi hoạt động nhóm có cảm giác mình nói, không ai hiểu, người khác nói, mình cũng không hiểu, nên chẳng muốn, chẳng dám nói chuyện nữa, cảm thấy mình càng nói thì sẽ chỉ càng sai.

Thực tế cho tôi thấy là dân bản địa khi nói thường dùng cấu trúc câu đơn giản để truyền đạt nhanh chóng và hiệu quả những suy nghĩ của mình cho người khác.

Vậy nên, thực tế không cần phải nói tiếng Anh hoa mĩ, cấu trúc câu phải hoàn hảo, hay phải giọng Mỹ chuẩn thì mới hòa nhập được.

Nếu có ý định du học, để không bị “sốc”, chúng ta phải thay đổi cách học tiếng Anh ngay từ khi học phổ thông. Phải học tiếng Anh thực tế, đừng lo chạy theo điểm số, hay mục đích học phải đạt giải trong các kì thi học sinh giỏi.

Thực tế, có người IELTS không cao, nhưng đã biết học tiếng Anh thực tế khi học phổ thông nên nhanh chóng hòa nhập, tốt hơn hẳn những người từng đạt nhiều danh hiệu học sinh giỏi.

Tôi mong rằng những chia sẻ chân thành của mình sẽ giúp các bạn có ý định du học, sẽ thay đổi cách nghĩ, cách học tiếng Anh càng sớm càng tốt".

Bạn Tăng Mỹ Nhiên hiện đang theo học ngành Khoa học máy tính (Computer Science), chuyên môn Khoa học dữ liệu (Data Science), ngành học phụ: Kinh doanh, tại Đại học Liberty University với học bổng toàn phần.

Sơn Quang Huyến

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/hoc-tieng-anh-nhu-the-nao-de-chuan-bi-tot-nhat-cho-du-hoc-post243015.gd