Học tinh thần 'quyết liệt' của chị

Cầm trên tay cuốn sách Quyết liệt sống, ra mắt đúng dịp kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, tôi nhớ về chị - người Tổng biên tập đầu tiên của Báo Doanh Nhân Sài Gòn - Nguyễn Minh Hiền. Một tấm gương, một mẫu hình đã để lại cho tôi và rất nhiều đồng nghiệp, bạn bè, thế hệ phóng viên, biên tập viên - những người từng biết và được làm việc với chị sự cảm phục, trân trọng, đặc biệt là tinh thần 'quyết liệt' của chị.

"Quyết liệt sống” - chỉ ba chữ ngắn gọn nhưng với tôi, có lẽ đủ để thể hiện hết con người của chị Minh Hiền. Không chỉ quyết liệt để vượt qua căn bệnh hiểm nghèo, dành lại sự sống cho chính mình, cho người thân, gia đình mà cả cuộc đời của chị Minh Hiền đều thể hiện một tinh thần quyết liệt. Quyết liệt trong nghề nghiệp, quyết liệt trong chính sứ mệnh “cầm bút” của một người làm báo chân chính theo sứ mệnh “Phò chính, trừ tà”, quyết liệt đấu tranh với những thói hư tật xấu, với những vấn đề “gai góc” trong xã hội, dẫu biết có thể bị ảnh hưởng đến con đường thăng tiến sự nghiệp, quyết liệt để đến tận cùng ước mơ…

Tinh thần đó đã được thể hiện ngay khi chị còn là cô bé quàng khăn đỏ 13 tuổi. Khi Báo Giải Phóng tuyển nhân viên, dù mới 13 tuổi nhưng chị đã ấp ủ một chí hướng riêng và “đòi bằng được” ba mẹ cho thoát ly vào R- đại bản doanh của Cách mạng miền Nam, trong đó có cơ quan Trung ương của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam là Báo Giải Phóng. Tinh thần “quyết liệt” của chị khi ấy được kể lại trong cuốn sách. “Má Hiền nói: Má lưỡng lự, nửa muốn cho đi, nửa muốn không”. Còn ba Hiền thì hạ một câu như rựa chém đất: Hễ đi thì đi, đứa nào trốn về tao đánh chết. Thế là Hiền đi trong tuổi 13, nhưng để chắc ăn, cô bé liều khai 14 tuổi”. (Tr.16)

Thời kỳ làm Báo Giải Phóng và khi Báo ra bộ mới, “Đề tài thích nhứt của Hiền là viết về người dân trước khúc quanh lịch sử. Hàng loạt bài viết về nông thôn, nông nghiệp, một đề tài đồng nghiệp coi là khô khan và khó nhưng Hiền không ngại còn tỏ ra đầy cảm hứng. Bán báo là công việc của phát hành nhưng muốn người mua báo nhiều hơn, Hiền vận động người dân mua báo và cả đi bán báo và hàng trăm tờ báo Xuân Giải phóng đã được người dân Hà Tiên đón nhận”. (Tr.106)

Chỉ bấy nhiêu thôi, cũng đủ thấy tinh thần cống hiến cho nghề, lòng yêu nghề, trách nhiệm với nghề của chị quyết liệt và không nề hà bản thân, gian khó như thế nào.

Khi chị Minh Hiền làm việc ở Báo Phụ Nữ, chị cũng đã quyết liệt hết mình để cùng chị Thế Thanh xây dựng tờ báo nhiều khởi sắc, quy tụ nhiều cây bút năng động, nhất là tinh thần quyết liệt, dám nói, dám đấu tranh của người làm báo trước những cái sai, cái xấu… Nhưng rồi… “Một hôm Hiền về báo tin, có chuyện rồi! Tin nghe như sét đánh ngang” giữa nhưng ngày vui duyên nghiệp, đó là chuyện Thế Thanh và Minh Hiền phải rời khỏi báo Phụ Nữ vì lý do ngoài ý muốn của hai đương sự. Hiền kể: “Bữa nay họp kiểm điểm về bài điều tra xí nghiệp Đông lạnh Hùng Vương, lãnh đạo yêu cầu báo Phụ Nữ cung cấp nguồn tin nhưng em đã tìm cách tự bảo vệ... (Tr. 178). Ngoài việc đó, chị còn bị phê bình vì không đăng bài lên án phim Xích lô của phóng viên…

Ông Nguyễn Hồ (giữa) chồng chị Minh Hiền và bà Quách Thu Nguyệt - Giám đốc Nhà Xuất bản Trẻ tại lễ ra mắt sách

Ông Nguyễn Hồ (giữa) chồng chị Minh Hiền và bà Quách Thu Nguyệt - Giám đốc Nhà Xuất bản Trẻ tại lễ ra mắt sách

Tai nạn lừ lừ đến vì sự quyết liệt của chị như vậy, điều đáng nói là ai cũng tưởng chị sẽ suy sụp, chắc khóc nhiều vì từ nhỏ được biết chị mau nước mắt. Mọi vui buồn đều kết bằng nước mắt. “Vậy mà lần này, Hiền tỉnh táo lạ thường, mắt ráo hoảnh khi đối diện với tai nạn nghề nghiệp” (Tr.180). Sự quyết liệt trong nghề đã biến chị thành một con người quyết liệt.

Tháng 3/1999, Bản tin Công Thương bộ mới ra đời và chị Minh Hiền đã sốc lại tinh thần, quyết liệt tìm hướng đi mới cho tờ Thông tin Công Thương. Ê kíp khi đó chị chỉ chọn những người có cùng tinh thần quyết liệt và quyết tâm tìm đường sống cho tờ báo.

Cũng thời gian này, ở tuổi 49, chị phát hiện bị u ác tính và điều này, đồng nghĩa với cái chết. Vậy mà, “Hiền nhứt định: “Trời kêu nhưng tôi không dạ”. (Tr.168) Thời gian vô hóa chất, đầu trọc, da xanh, cơ thể gầy yếu, tuy nụ cười có chút xanh xao nhưng mắt chị luôn vui và sau mấy lần vô hóa chất, cuộc sống và công việc với chị vẫn diễn ra với tinh thần phải “quyết liệt sống”. Sau 9 đợt vô hóa chất, khối u đã tạm bị đẩy lùi, nụ cười của chị đã bù cho mái tóc dài bị mất đi.

Đây cũng chính là lúc tinh thần quyết liệt của chị đã được đền bù xứng đáng khi cái tên Doanh Nhân Sài Gòn với khổ báo A3 “hoành tráng” đã được ra số báo đầu tiên. Ngay số báo đầu tiên ở vị trí trang nhứt, có thư chúc mừng của cố Thủ tướng Phan Văn Khải: “Mong rằng tờ báo làm tốt nhiệm vụ là diễn đàn của giới doanh nhân, những chiến sĩ thời bình đang giữ trọng trách đưa đất nước thoát khỏi đói nghèo, đồng thời là cầu nối giữa doanh nhân với Chính phủ, phản ánh tâm tư nguyện vọng của doanh nhân, góp phần hình thành cơ chế chính sách quản lý kinh tế phù hợp với thực tiễn nước ta và xu thế phát triển của thời đại”. (Tr.199)

Thực hiện lời nhắn nhủ đó, chị đã dẫn dắt tờ Doanh Nhân Sài Gòn vượt qua khó khăn, làm tròn sứ mệnh là diễn đàn cho doanh nhân và vì doanh nhân. Tâm huyết đó đã được chị trăn trở và Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10 do chị và tờ Báo Doanh Nhân Sài Gòn có công đầu đề xuất đã trở thành ngày hội của giới doanh nhân cả nước, là ngày hội truyền cảm hứng và có sức lan tỏa cho đến tận bây giờ.

Lần giở từng trang sách, đan xen những câu chuyện về cuộc đời, gia đình, bạn bè, đồng đội của chị, còn có rất nhiều những bài viết của các chuyên gia, bạn bè, đồng nghiệp viết về chị. Những câu chuyện dù ở góc độ nào cũng toát lên tinh thần quyết liệt của chị với nghề, quyết liệt dành lại sự sống và sống đúng, sống tử tế, bên cạnh một con người hiền lành, luôn ấm áp và nhiều nghĩa tình…mà mỗi ai khi đọc được đều có đôi điều suy ngẫm và học hỏi.

Với riêng tôi, tinh thần mà tôi học được và thấu cảm về chị, đó là một nhà báo, người tổng biên tập không chỉ mẫu mực, đam mê, cống hiến cho nghề mà còn là một nhà báo can đảm, dám làm và luôn đau đáu mang lại nhiều giá trị cho bạn đọc, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân qua từng trang báo.

Tinh thần làm báo “quyết liệt” của chị Hiền được thể hiện qua câu nói: “Có nhiều tờ báo phản ánh xã hội theo nhiều góc độ khác nhau cho đa dạng, cho sinh động và đầy đủ. Chứ tờ báo nào cũng giống tờ báo nào thì cần gì phải có thêm nhiều tờ báo”. (Tr.513)

Tinh thần ấy cũng xuyên suốt hành động, dù tờ báo có nghèo nhưng “phải sạch”, “phải trong”. Thật vậy, khi Doanh Nhân Sài Gòn còn là tờ báo rất nhỏ nhưng khi có hồ sơ của vụ tham nhũng PMU, chị đã chỉ đạo phóng viên phải viết bài phản ánh kịp thời (lúc đó, chưa có tờ báo nào viết về việc này). Khi đó, phóng viên Minh Trường có tâm sự với Tổng biên tập: “Báo mình nhỏ, nếu có làm thì cũng chẳng đến đâu, chưa kể những rủi ro phải gánh, có đáng không?” nhưng Tổng biên tập trả lời ngay: “Như con tằm phải nhả tơ, nhà báo phải nói ra sự thật, dù phải trả giá nào đi nữa”.

Chỉ bấy nhiêu thôi, bấy nhiêu trong vô số điều tôi đã học được và đã đọc được trong cuộc đời thật khi được làm phóng viên của chị và đọc trong Quyết liệt sống cũng đủ cho tôi sự trân trọng, yêu kính người Tổng biên tập đầu tiên của mình - một nhà báo với tinh thần quyết liệt, không khoan nhượng với cái sai, cái xấu, sự dũng cảm của một nhà báo làm nghề chân chính, không ngại mất đi quyền lợi, địa vị, quyền lợi riêng, dù chị đã từng bị “tai nạn” nghề trước đó. Với chị Minh Hiền, ngọn lửa nghề và trách nhiệm của người cầm bút vẫn luôn và mãi mãi là tấm gương cho chính tôi, cho các đồng nghiệp và cho thế hệ những người làm báo sau này.

Tổng biên tập Nguyễn Minh Hiền đã ghi tên mình vào trí nhớ của của các đồng nghiệp về sự tâm huyết, lòng yêu nghề đến cháy bỏng và chữ tâm, chữ sáng… của một nhà báo mà bất cứ người cầm bút nào cũng cần noi theo. Và Quyết liệt sống, hy vọng sẽ truyền cảm hứng cho những bạn phóng viên trẻ, những người đam mê viết báo và muốn đi theo nghề báo một giá trị thật về nghề giữa thời buổi nghề báo đang phải chịu nhiều cám dỗ đan xen.

Lữ Ý Nhi

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/hoc-tinh-than-quyet-liet-cua-chi-311736.html