Học trò trường huyện

Tôi theo nghề dạy học trong một thời gian chưa tới 10 năm. Quãng thời gian dạy học của tôi chỉ loanh quanh trong những ngôi trường nhỏ ở những nơi xa thành phố. Lớp học trò đầu tiên của tôi nhỏ hơn cô giáo chừng 5, 7 tuổi, có em chỉ thua tôi vài tuổi. Khoảng cách từ bàn học bước lên bục giảng chỉ mấy bước chân nhưng là một khoảng cách không dễ dàng. Ngày ấy tôi mới bước qua tuổi hai mươi, đến với học trò chỉ mang theo mớ kiến thức ít ỏi mới vừa học xong trong nhà trường. Tôi soạn bài, giảng bài cho học trò bằng những điều đã học nhưng chưa hề có một trải nghiệm nào về cuộc sống. Sau này khi nhớ lại những bước đầu tiên tôi vẫn nghĩ những bài giảng của mình hẳn không thể sâu sắc nên chắc chưa hay ho gì.

Nhưng tôi có một khoảng thời gian bắt đầu rất tuyệt vời mà cho đến khi không còn đứng trên bục giảng lòng tôi vẫn bùi ngùi mỗi lần nhớ lại. Những bài học tôi giảng cho học trò có trong sách giáo khoa, còn những gì tôi học được từ các em thì ở trong cuộc sống. Công tác đầu tiên của tôi là đưa học trò ra đồng bắt chuột, lần đó là một kỷ niệm có thể các em đã quên nhưng tôi thì nhớ. Một buổi sáng học trò xếp hàng ra đồng lao động, trên cán cuốc của các em lủng lẳng một gói lá chuối, bên trong là nắm cơm, hỏi trưa ăn cơm với gì thì các em chỉ cười. Sau nửa ngày quần thảo với chuột trên cánh đồng mới gặt xong, tôi mới biết thức ăn để ăn cơm của học trò là món chuột đồng nướng muối ớt. Đó là chuyện bắt đầu, phía sau mới là chuyện kể, ngày hôm đó cô giáo nhịn đói, tối đến phải cùng học trò đếm đuôi chuột để ghi thành tích. Nhìn thoáng qua mấy gói đuôi chuột các em mở ra tôi đã sợ muốn nghẹt thở. Sợ mà không dám để cho học trò biết mình sợ nên đẩy chuyện kiểm tra đó cho các bạn tổ trưởng.

Tiết học tại Trường THCS Phạm Ngũ Lão (thị xã Ninh Hòa). Ảnh: Kim Dung

Tiết học tại Trường THCS Phạm Ngũ Lão (thị xã Ninh Hòa). Ảnh: Kim Dung

Chuyện ấy là hồi tôi mới về Tu Bông, hồi đó thỉnh thoảng phải đưa học trò đi lao động. Thật ra mấy cô giáo toàn ở Nha Trang ra dạy học, đâu ai biết gì về chuyện đồng áng, chính mấy em học trò bày cho tôi phân biệt cỏ với lúa, khi ra ruộng thì học trò giành phần lội xuống đồng vì mấy cô giáo rất sợ đỉa. Chút tình đó làm cho cô trò gần gũi hơn. Các em lúc đó còn nhỏ nhưng ở quê phải giúp cha mẹ chuyện đồng áng, chuyện gia đình nên nhiều em trưởng thành sớm hơn tuổi của mình. Năm đó tôi chủ nhiệm lớp 7, một hôm nghe học trò méc có em hút thuốc lá, đó là một em nam, gầy guộc và đen nhẻm. Hai cô trò đứng ở sân sau của trường mà cô giáo không biết nói gì, chỉ hỏi em hút thuốc lá làm gì, hút thuốc lá không có lợi… Đứa học trò im lặng, cúi mặt xuống đất, cô giáo cũng không biết sẽ xử lý như thế nào cho đến khi học trò lí nhí: “Buổi tối em ra biển đánh cá với ba, không hút thuốc lá thì lạnh run không kéo lưới được”.

Tôi không nói với ai câu chuyện này cho đến khi tôi chuyển sang trường khác, mỗi lần nhắc với bạn cũ chuyện đó ai cũng thở dài không biết sau đó đứa học trò của mình thế nào. Những đứa học trò nhà quê của tôi rất hiền lành và đầy tình nghĩa. Ngôi trường thứ hai của tôi nằm xa cách quốc lộ, những buổi chạng vạng, trong nhà không có điện, các cô ngồi ngoài sân trường nhìn ra con đường đi qua ruộng. Hôm nào có học trò theo cha mẹ đi rẫy thì cô giáo thế nào cũng có quà, nhất là mùa thu hoạch bắp, ngày nào các em đi ngang cũng để lại cho các cô một giỏ bắp, tha hồ ăn bắp đủ kiểu, bắp rang, bắp nấu canh, chè bắp. Có hôm các em cẩn thận luộc bắp từ trên rẫy rồi mang về cho cô giáo. Có lẽ từ đó đến giờ tôi chưa được ăn lại món bắp mới hái, luộc ngay trên rẫy rồi ủ nóng như thế, ngon và ngọt cực kỳ. Tình cảm của học trò dành cho cô giáo thật thà mà người nhận cảm động vì không thể nghĩ tới. Một buổi trưa nào đó trên đường đi học, ngang con mương nhỏ bắt gặp vài con cá, các em hồn nhiên nhảy xuống mương bắt cá bỏ vào cặp rồi chạy vội đến trường đưa cho cô giáo, dặn cô kho cá cho bữa cơm chiều.

Một góc Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Cam Ranh. Ảnh: Kim Dung

Một góc Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Cam Ranh. Ảnh: Kim Dung

Tôi rời bục giảng đã lâu, đã không còn cầm phấn viết trên bảng đen những điều ghi nhớ cho học trò chép vào vở. Học trò của tôi bây giờ cũng đã lớn rồi, có thể các em không còn nhớ để chào tôi nếu có lần gặp lại. Nhưng cũng nhiều em có trí nhớ rất tốt nên có lần gặp lại đã nhắc ngày xưa tôi từng nói những gì. Những điều mình nói khi 20 tuổi làm sao tôi nhớ hết nhưng khi nghe nhắc lòng tôi rưng rưng, nước mắt chực trào. Vì vậy khi nhớ về khoảng đời làm cô giáo, tôi vẫn cảm ơn vì đã được gặp gỡ các em trong thời tuổi trẻ của mình. Cảm ơn vì chúng ta đã gặp nhau.

LƯU CẨM VÂN

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/nhung-vung-ky-uc/202410/hoc-tro-truong-huyen-d0a17df/